31/03/2016 19:00 GMT+7

Pô xe máy xịt khói xả vô mặt, có nổi điên không?

TRÙNG DƯƠNG
TRÙNG DƯƠNG

TTO - Một số dòng xe 2 bánh hiện nay có ống xả được thiết kế hướng lên cao, tăng tính thời trang, hiệu suất động cơ, nhưng lại kém “thân thiện” với người xung quanh.

Những kiểu độ này thường được giới trẻ chuộng, trông dữ tợn và hầm hố, ống pô phụt thẳng vào mặt người đi đường - Ảnh: Trùng Dương
Những kiểu độ này thường được giới trẻ chuộng, trông dữ tợn và hầm hố, ống pô phụt thẳng vào mặt người đi đường - Ảnh: Trùng Dương

Khi nổ máy, dù có chức năng hãm thanh, ống xả như vậy đôi khi phát sinh hiện tượng quyện khói, phả vào mặt người phía sau. Từ đó, hình thành những định kiến không tốt về dòng xe 2 bánh hiện đại trong tâm tưởng của người dân Sài Gòn “xưa và nay”.

Tiếng pô xe, làn khói trắng “thơm” còn là đặc trưng Sài Gòn?

Nhắc đến Sài Gòn, không ít người có tuổi nhớ đến tiếng pô xe hay làn khói trắng “thơm” hào sảng, rù quến tâm hồn người dân Sài thị.

Nói về những chiếc xe máy ở miền Nam trước năm 1975, nhiều người nghĩ đến ngay chiếc Mobilette, Vélosolex (chiếc xe đạp gắn động cơ), hay những chiếc scooter Ý: Vespa, Lambretta.

Gần hơn nữa vào khoảng 1965, dân Sài Gòn bắt đầu quen hình ảnh của chiếc Honda S90 bởi kiểu dáng đẹp, động cơ mạnh, tiếng nổ giòn. Tiếp sau đó là những mẫu xe như Honda C110, S50, P50… Riêng chiếc C50 được hãng chính thức nhập về bán cho người tiêu dùng với 2 màu đỏ và xanh lá cây nhạt.

Về sau, Hãng xe Honda tiếp tục ra các kiểu khác như Honda SS50, Honda 67. Sau đó, làng xe máy miền Nam du nhập thêm 3 hãng xe lớn: Yamaha, Suzuki, Kawasaki. Ngay sau đó, chiếc Suzuki RGV được nhập khẩu nguyên chiếc (hay được gọi là Su xì-po) trở thành huyền thoại của giới trẻ mê xe Sài Gòn.

Sở hữu kiểu dáng thời thượng, tiếng pô xe giòn, phát ra làn khói trắng “thơm”…, những chiếc xe kiểu ấy làm đắm lòng không ít thanh niên thế hệ đầu 8x, ngay cả những người có tuổi lúc bấy giờ.

Tiếp đó, chiếc Minsk, Simson S51 tạo dấu ấn khác, đem lại cảm giác thú vị cho bất kỳ ai được ngồi trên bình xăng huyền thoại. Với tiếng máy hai thì, làn khói trắng quen thuộc, Simson S51 cũng trở thành một phần ký ức của Sài Gòn.

Còn những dòng xe 2 bánh hiện đại…

Sau bài “Nhiều xe độ trên đường Sài Gòn là xe “xác””, TTO ghi nhận nhiều góp ý từ phía bạn đọc, nổi bật là vấn đề pô xe (ống xả) trên những chiếc xe 2 bánh hiện đại gây ảnh hưởng không ít đến người đi đường, tồn đọng nhiều tiêu cực, phản ánh sự “văn minh” lái xe của lớp trẻ.

Liệu những điều trên có hình thành định kiến của chúng ta về các dòng xe hiện đại?

Bạn đọc Huy chia sẻ: “Bực mình nhất là nó phụt pô vô mặt mình chạy đằng sau. Chỉ biết chửi thầm cái đồ vô văn hóa”. Bạn Hà cũng đưa ra ý kiến: “Nên đặt ra các bộ tiêu chuẩn tiếng ồn, ống xả, tiêu chuẩn tiêu thụ nhiên liệu, tiêu chuẩn kỹ thuật đảm bảo an toàn khi lưu thông”.

Khi được hỏi về vấn đề này, anh Lê Văn Tám - một kỹ sư đang làm việc tại trung tâm bảo hành xe máy trên đường An Dương Vương (Q.5) - cho biết: “Một số dòng xe thể thao hiện được giới trẻ tin dùng, thiên về tốc độ lại có thiết kế pô kém “thân thiện” với người xung quanh.

Điển hình như chiếc Yamaha Exciter 150cc Fi 2016, Suzuki Raider R150, Yamaha FZ150i, Wave RSX FI AT..., chưa kể những phiên bản đôn dên, xoáy nòng, độ pô, khiến hình tượng lại thêm phần “không đẹp đẽ” trong mắt người đi đường”.

Riêng phân khúc xe độ, phần lớn những biker và giới mê xe cho rằng việc độ xe thuộc phạm trù đam mê, cấm là xâm phạm quyền tự do cá nhân. Hiện nay vẫn tồn tại những câu lạc bộ hoạt động đúng chất người mê chơi xe, theo các trào lưu quốc tế: bobber, café racer, tracker…

Trước 1975, xe Honda 67 rất phổ biến ở Sài Gòn - loại xe được coi có ống pô
Trước 1975, xe Honda 67 rất phổ biến ở Sài Gòn - loại xe được coi có ống pô "hiền như ma xơ" - Ảnh: namrom64.blogspot

Nhưng đâu đó, một phần lớn giới trẻ hiện nay bị lệch lạc suy nghĩ, chưa hiểu thấu đáo về cách chơi xe.  

Xu hướng độ xe mà giới trẻ phần lớn thiên về tốc độ, sự hầm hố thiếu thẩm mỹ, chuộng việc đôn dên, xoáy nòng, độ pô… mục đích chính để tạo ra những tiếng rú kinh hoàng, phô diễn tính háo thắng về tốc độ, gây tai nạn cho người tham gia giao thông cùng.

Một bộ phận khác lợi dụng trào lưu, sử dụng những chiếc xe độ “nửa vời” để thực hiện hành vi cướp giật, đua xe, tạo điều kiện cho nạn trộm cắp xe, rã phụ kiện bán cho những nơi độ xe bất hợp pháp.

Vậy để phát triển thành phố văn minh sạch đẹp, không ô nhiễm tiếng ồn, thiết nghĩ giới trẻ chúng ta nên nhìn nhận lại quan điểm “chơi xe - độ xe”, sao cho đó là một đam mê hữu ích, một trào lưu - xanh, sạch, văn minh.

Để 10-20 năm sau, thế hệ tiếp theo sẽ hãnh diện về những gì thế hệ trước đã làm, trên phương diện một trào lưu có văn hóa.

TRÙNG DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên