21/01/2021 10:22 GMT+7

Phương ngữ Nam Bộ: Buồn hiu và buồn thiu

TRẦN THỊ NGỌC LANG
TRẦN THỊ NGỌC LANG

TTO - Để diễn đạt nghĩa vắng vẻ và buồn bã, tiếng Việt toàn dân có các tính từ: đìu hiu, hiu hắt, hiu quạnh. Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học) chỉ có buồn thiu (buồn với vẻ thất vọng, mất hứng thú). Buồn hiu là từ địa phương Nam Bộ.

Phương ngữ Nam Bộ: Buồn hiu và buồn thiu - Ảnh 1.

Tổng thống Trump trong cánh tây Nhà Trắng - Ảnh: AFP

1. Bài viết trên báo Tuổi Trẻ ngày 13-1-2021 có tít "Những ngày cuối buồn hiu ở Nhà Trắng" nói về bầu không khí ảm đạm đang bao trùm Nhà Trắng trong những ngày cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump.

Để diễn đạt nghĩa vắng vẻ và buồn bã, tiếng Việt toàn dân có các tính từ: đìu hiu, hiu hắt, hiu quạnh. Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học) chỉ có buồn thiu (buồn với vẻ thất vọng, mất hứng thú). Buồn hiu là từ địa phương Nam Bộ.

Trên báo Tuổi Trẻ ngày 15-11-2019 cũng có bài viết với tít "Khám sức khỏe thi bằng lái ôtô: dễ ợt!". Từ điển tiếng Việt ghi: dễ ợt (phương ngữ, khẩu ngữ): dễ lắm. 

Buồn hiu, dễ ợt, dở ẹc... là các tổ hợp tính từ chỉ mức độ cao trong phương ngữ Nam Bộ. Có thể ký hiệu tổ hợp đó là AX, ở đó X là các từ làm tăng mức độ của A. 

Như vậy, tổ hợp AX đồng thời có hai giá trị: để tăng mức độ của A và để cụ thể hóa ý nghĩa của A hay giảm bớt tính khái quát trong phạm vi sử dụng của A.

2. Tiếng Việt phổ thông có nhiều tổ hợp tính từ này (như: đỏ au, xanh lè, trắng nõn...). Trong phương ngữ Nam Bộ, các kết cấu AX lại còn được sử dụng nhiều hơn. 

Với một yếu tố A, trong phương ngữ Nam Bộ có nhiều yếu tố X hơn. Lấy từ tròn - một tính từ chỉ hình dáng làm ví dụ, ngoài những từ có trong Tiếng Việt phổ thông, phương ngữ Nam Bộ còn có: tròn quay, tròn vảu, tròn vìn, tròn ủm... 

Trong các tính từ chỉ tính chất, nếu lấy non làm ví dụ, ngoài những từ có trong Tiếng Việt phổ thông, phương ngữ Nam Bộ còn có: non nhuốt, non trong, non xèo...

3. Phương ngữ Nam Bộ sử dụng nhiều yếu tố vốn có trong Tiếng Việt phổ thông làm yếu tố chỉ mức độ cao, trong khi Tiếng Việt phổ thông lại không dùng: ngay chò, giòn rụm, dịu nhiễu. 

Có thể kể: xẹo với nghĩa "xiên lệch" trong méo xẹo, xéo xẹo; rang với nghĩa "sấy khô" trong khô rang; nùi với nghĩa "nắm rơm rác nhỏ" trong rối nùi; hiu với nghĩa "ở trạng thái êm nhẹ, yếu ớt, gây cảm giác buồn man mác, vắng lặng" (theo Từ điển tiếng Việt) trong buồn hiu...

Phương ngữ Nam Bộ: Buồn hiu và buồn thiu - Ảnh 2.

Quầy đăng ký khám sức khỏe tổng quát cho người lái xe tại một bệnh viện - Ảnh: X.M.

4. Tiếng Nam Bộ rất hay dùng phép láy AX - AY để nhấn mạnh mức độ cao và vì thế cũng tạo thêm nhiều kết cấu chỉ mức độ:

- mềm èo - mềm ẻo, mềm lũn - mềm lụn, mềm múp - mềm mụp, mềm xủm - mềm xụm.

- ướt mem - ướt mèm - ướt mẹp, ướt nhem - ướt nhẹp...

- tối hù - tối hịt, tối mù - tối mịt, tối thui - tối thùi...

- nhẹ hều - nhẹ hểu...

- xa lơ - xa lắc, khuya lơ - khuya lắc

- xa mú - xa mù, cao mú - cao mù...

- rít chịt - rít chằng, rối chằng - rối chịt...

- thưa rích thưa rác, thưa rểu thưa rảo

- rộng huỵch - rộng hoạc...

Lâu dần những từ láy này được dùng độc lập với đầy đủ những đặc điểm ngữ pháp cũng như ngữ nghĩa của loại tổ hợp AX. Chẳng hạn, chúng ta có thể nói tối mù hay tối mịt, ướt mem hay ướt mẹp, cạn xèo hay cạn xợt...

Các tổ hợp tính từ AX trong phương ngữ Nam Bộ vừa có số lượng phong phú vừa giàu sắc thái biểu cảm. Đó cũng do bản sắc văn hóa của vùng đất này, do tính cách, tâm lý của người Nam Bộ, luôn "muốn nhấn mạnh những gì mình yêu thích hoặc chán ghét một cách rõ ràng, dứt khoát" (Nguyễn Văn Ái, Từ điển phương ngữ Nam Bộ). 

Vì vậy họ đã dùng nhiều tổ hợp tính từ chỉ mức độ cao để biểu đạt ý tưởng, tình cảm, cách đánh giá của mình trong lời ăn tiếng nói hằng ngày cũng như trên báo chí và các tác phẩm văn chương. Ví dụ:

- Bài toán dễ ợt mà nãy giờ giải chưa ra.

- Bắn cả ba viên trật lất mà cũng bày đặt làm phách. (Huỳnh Công Tín, Từ điển từ ngữ Nam Bộ)

- Cũng phải, lúc đó con Thủy còn mềm xèo, nhỏ xíu như con mèo mướp. (Nhớ sông, Nguyễn Ngọc Tư)

5. Với một số lượng phong phú các từ chỉ mức độ cao trong Tiếng Việt phổ thông và đặc biệt trong phương ngữ Nam Bộ, tiếng Việt rõ ràng chứng tỏ được khả năng diễn tả hết sức tinh tế của mình trong việc biểu đạt được mọi sắc thái nghĩa cũng như sắc thái biểu cảm.

Càng ngày, những tổ hợp tính từ trong phương ngữ Nam Bộ như: cao nhòng, ốm nhách, dễ ợt, dở ẹc (dở ẹt), ít xịt, nhỏ xíu, trật lất... càng được dùng rộng rãi và sẽ nhập vào vốn từ chung của toàn dân. 

Chúng không chỉ được dùng trong khẩu ngữ, mà đã đi vào ngôn ngữ viết. Hai tít báo trên báo Tuổi Trẻ minh chứng cho điều đó.

Những ngày cuối buồn hiu ở Nhà Trắng Những ngày cuối buồn hiu ở Nhà Trắng

TTO - Vòng tròn những người thân tín của Tổng thống Trump ngày càng thu hẹp sau vụ bạo loạn ở Điện Capitol. Bầu không khí ảm đạm đang bao trùm Nhà Trắng khi nhiều người ra đi, số còn lại đang mong từng ngày trôi qua thật nhanh.

TRẦN THỊ NGỌC LANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên