27/09/2006 06:07 GMT+7

Phùng Tiểu Cương giỏi bắt mạch khán giả

NGUYỄN LỆ CHI
NGUYỄN LỆ CHI

TT - Vỏn vẹn bốn ngày chiếu, doanh thu đạt 55 triệu nhân dân tệ (hơn 10 tỉ đồng VN), bộ phim Dạ yến lập kỷ lục phát hành ở Trung Quốc năm 2006 và cho thấy đạo diễn Phùng Tiểu Cương vẫn hết sức mát tay với dòng phim thu hút khán giả.

6MiGZUhb.jpgPhóng to
Các diễn viên trong phim Dạ yến: Ngô Ngạn Tổ, Huỳnh Hiểu Minh, Châu Tấn, Cát Ưu, Chương Tử Di (từ trái sang) - Ảnh: thebanquetthemovie.com
TT - Vỏn vẹn bốn ngày chiếu, doanh thu đạt 55 triệu nhân dân tệ (hơn 10 tỉ đồng VN), bộ phim Dạ yến lập kỷ lục phát hành ở Trung Quốc năm 2006 và cho thấy đạo diễn Phùng Tiểu Cương vẫn hết sức mát tay với dòng phim thu hút khán giả.

Dựa trên cốt truyện của vở kịch nổi tiếng Hamlet, lấy những tranh chấp biến động trong cung đình làm bối cảnh, Dạ yến kể về câu chuyện của người đàn bà đã tuyệt vọng trong tình yêu, rốt cuộc bị hủy diệt bởi khát vọng quyền lực.

Đạo diễn Phùng Tiểu Cương nhìn nhận thành công của ông xuất phát từ quan điểm về nghề nghiệp: “Điểm mạnh của một đạo diễn là khả năng phán đoán vào khán giả (luôn cần phim hay, hấp dẫn). Tôi chưa từng lơ là để tuột mất khả năng này. Tôi tìm một điểm cân bằng giữa nhiều yếu tố thương mại đặt vào một bộ phim nghệ thuật”.

Từ cuối thập niên 1990 trở lại đây, tên tuổi của Phùng Tiểu Cương luôn sáng chói với danh hiệu đạo diễn phim thương mại ăn khách nhất Trung Quốc. Dạ yến gây sốc khi thu hồi vốn nhờ bán bản quyền cho hầu hết các nước châu Âu và châu Á ngay khi phim còn chưa hoàn tất (!).

xSk4zK7O.jpgPhóng to
Đạo diễn Phùng Tiểu Cương và vợ
Còn trước Dạ yến, giới làm phim đại lục đã ngả mũ chào Tiểu Cương với hàng loạt phim: Bên A bên B (1998, đạt 30 triệu nhân dân tệ), Điện thoại di động (2003, đạt 50 triệu nhân dân tệ), Thế giới không trộm cắp (2005, đạt 120 triệu nhân dân tệ)...

Sinh năm 1958, đạo diễn họ Phùng yêu thích hội họa từ nhỏ. Năm 1985, ông làm họa sĩ thiết kế của Trung tâm Nghệ thuật truyền hình Bắc Kinh. Ông làm đạo diễn kiêm họa sĩ thiết kế bộ phim đầu tay Đánh mất tình yêu (1994) với đề tài thành thị. Sau đó ông liên tục đạo diễn nhiều bộ phim trình chiếu vào dịp tết nguyên đán được khán giả Trung Quốc rất yêu thích như Người Bắc Kinh ở New York, Không gặp không về, Một tiếng thở dài, Dawan...

Bằng con mắt quan sát tinh tế, chịu khó sục sạo mọi vấn đề trong cuộc sống hiện đại cùng cái chất hài duyên dáng và hóm hỉnh, phim của đạo diễn Phùng luôn được người dân đại lục chờ đón. Đến mức nếu năm nào ông không làm phim tết, khán giả Trung Quốc thất vọng và tiếc nuối như thể ăn tết kém vui!

Với bộ phim cổ trang đầu tiên Dạ yến (trình chiếu ở Liên hoan phim Venice và Toronto trước khi ra mắt tại Trung Quốc trong tháng chín), đạo diễn họ Phùng khiến công chúng bất ngờ bởi bước ngoặt loại hình thể hiện quá đột ngột của ông (tạm dẹp bỏ sở trường về phim hài để làm phim cổ trang).

Lường rủi ro song vẫn mạnh dạn thử sức với thể loại mới, bất chấp những mũi tên công kích ban đầu của báo chí, đạo diễn Phùng vẫn miệng nói tay làm Dạ yến. Và bây giờ rất nhiều khán giả đánh giá tốt Dạ yến với lối kể tinh tế, đậm chất văn hóa phương Đông...

Về phần mình, Phùng Tiểu Cương khiêm tốn khi ông không giấu giếm cho biết sự thành công hay thất bại của Dạ yến phụ thuộc nhiều vào diễn xuất của Chương Tử Di (vai hoàng hậu Vương). Chính niềm tin này của đạo diễn mà Chương Tử Di đã cật lực tìm kiếm một phong cách diễn mới, sinh động và phức tạp hơn cho vai diễn.

Và người xem lại thú vị khi biết cuối năm nay “đạo diễn hài” Phùng Tiểu Cương lại thử sức với một bộ phim đề tài chiến tranh!

NGUYỄN LỆ CHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên