Bị án Phạm Công Danh là người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đây là phần xét xử các hành vi sai phạm của bà Hứa Thị Phấn cùng đồng phạm trong giai đoạn đầu (trước khi bán Ngân hàng Đại Tín cho Phạm Công Danh).
Hai giai đoạn sau đó đã được xét xử và bản án đã có hiệu lực pháp luật: Phạm Công Danh sau khi mua Ngân hàng Đại Tín; Hứa Thị Phấn khi bán Ngân hàng Đại Tín.
Bà Phấn chiếm đoạt tiền nhưng ông Danh phải bồi thường
Ngân hàng Đại Tín, sau khi bán cho Phạm Công Danh thì được đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng (VNCB). Sau khi xảy ra vụ án Phạm Công Danh thì ngân hàng được định giá 0 đồng và nay đổi tên là Ngân hàng TNHH TM MTV Xây dựng Việt Nam (CB). Toàn bộ các bị cáo được đưa ra xét xử trong các giai đoạn đều do sai phạm liên quan đến ngân hàng.
Trong vụ án này, ngoài tuyên về trách nhiệm hình sự của bà Hứa Thị Phấn thì phần liên quan đến trách nhiệm dân sự cũng được bản án sơ thẩm xác định. Bản án sơ thẩm xác định bà Hứa Thị Phấn đã chiếm đoạt 901 tỉ đồng thông qua việc đầu tư vào 4 dự án do công ty của bà Phấn làm chủ.
Số tiền này bà Phấn rút ra chi tiêu cá nhân, đây chính là nguyên nhân khiến cho bà Phấn bị điều tra truy tố, xét xử.
Tuy nhiên, bản án sơ thẩm lại nhận định trách nhiệm dân sự phải bồi thường số tiền này là ông Phạm Công Danh do giữa ông Danh và bà Phấn đã ký hợp đồng chuyển giao trách nhiệm dân sự khi bà Phấn bán ngân hàng cho ông Danh để ông Danh tái cơ cấu ngân hàng.
Về hành vi sai phạm, bà Hứa Thị Phấn bị tuyên mức hình phạt 20 năm tù và các trách nhiệm dân sự liên quan. Sau khi bản án tuyên, bà Phấn, bị cáo Bùi Thị Kim Loan, bị cáo Huỳnh Thị Xuân Dung đều xin giảm nhẹ hình phạt.
Tuy nhiên, một vấn đề lớn trong vụ án này chính là phần trách nhiệm dân sự được bản án tuyên gây nhiều tranh cãi khiến VKS kháng nghị, các bên liên quan cùng kháng cáo.
Các bị cáo trong vụ án bà Hứa Thị Phấn giai đoạn sơ thẩm - Ảnh: Quang Định
VKS TP.HCM không đồng ý với phán quyết của tòa cùng cấp
Theo đó, sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, Viện KSND TP.HCM đã kháng nghị phúc thẩm về phần dân sự.
Trong đó, Viện KSND TP.HCM đề nghị cấp phúc thẩm không tuyên buộc ông Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh phải bồi hoàn lại cho Ngân hàng CB 901 tỉ đồng trong hành vi sai phạm của Hứa Thị Phấn khi đầu tư vào 4 dự án; đề nghị công nhận toàn bộ 114 bất động sản liên quan đến 29 khoản vay cho Tập đoàn Thiên Thanh (án sơ thẩm tuyên giao 17 bất động sản trong số 114 bất động sản này cho Công ty Tân Đông Hiệp).
Đây cũng là nội dung kháng cáo của ông Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh, ngoài ra ông Danh và Tập đoàn Thiên Thanh còn đề nghị được nhận lại 6 bất động sản (tương đương với 2ha) đất ở quận 2 là phần nằm trong phần chuyển giao của bà Phấn khi bán ngân hàng lại cho ông Danh.
Đồng thời, Tập đoàn Thiên Thanh còn đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại số tiền lãi (lãi chồng lên lãi) bản án sơ thẩm buộc pháp nhân này phải trả tương đương 756 tỉ đồng.
Trong khi đó, Ngân hàng CB kháng cáo toàn bộ phần dân sự của bản án; Công ty Tân Đông Hiệp kháng cáo xin xem xét lại phần lãi suất.
Và bị án Phan Thành Mai (trong vụ án của ông Phạm Công Danh) cũng kháng cáo đề nghị không tuyên buộc ông Danh và Tập đoàn Thiên Thanh phải chịu phần trách nhiệm dân sự thay bà Phấn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận