29/11/2010 03:17 GMT+7

Phục dựng lễ hội Mục Đồng: Ai bảo chăn trâu là khổ

Đ.NAM - V.HÙNG
Đ.NAM - V.HÙNG

TT - Sau gần 70 năm gián đoạn, sáng 28-11 chính quyền TP Đà Nẵng cùng 17 chư phái tộc làng Phong Lệ (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) đã tổ chức phục dựng lễ hội mục đồng - một lễ hội dân gian độc nhất vô nhị của làng quê Việt nhằm tôn vinh trẻ chăn trâu.

q3OpnD49.jpgPhóng to
Mục đồng với trò chơi dân gian trong lễ hội mục đồng diễn ra sáng 28-11 tại làng Phong Lệ - Ảnh: Văn Thu Bích
Video clip: "Phục dựng lễ rước Mục Đồng" - Nguồn: TVO

Đây cũng là lần đầu tiên lễ hội mục đồng được phục dựng lại sau lễ hội mục đồng được tổ chức vào năm Bảo Đại thứ 11 (1936). Có đến dự lễ hội mục đồng mới hiểu được cái lý của câu ca “Ai bảo chăn trâu là khổ!”.

Trước đó, con cháu của 17 chư phái tộc trong làng Phong Lệ đã quần tụ để lựa chọn tìm ra 60 mục đồng “khôi ngô tuấn tú”. Để phục vụ lễ hội, ngoài việc cắt cử các chức sắc lo việc tế lễ, dân làng Phong Lệ phải chuẩn bị một cỗ kiệu hai đòn khiêng có giăng hoa, kết trái tươm tất và phân công bốn mục đồng khỏe mạnh khăn đóng, áo dài giữ phần khiêng kiệu.

Ngoài cờ nhỏ của mục đồng còn có cờ lớn của 17 tộc họ bên trên có khoan lỗ để treo các con giống, các dụng cụ sản xuất nông nghiệp như cày, bừa, cuốc, xẻng. Đêm 27-11 là đêm của lễ hội ánh sáng khi hàng trăm đèn lồng và đèn gió được thắp sáng khắp các nẻo đường làng chuẩn bị việc rước Thần Nông (thần nông nghiệp) từ đền Cồn Thần về an vị tại đình Thần Nông.

Đúng 6g sáng 28-11, đoàn 60 trẻ mục đồng với áo vá, roi trâu rạo rực đi dạo đồng (thăm đồng) dưới sự giám sát của trùm mục (những người giữ trật tự cho đám mục đồng). Khi đằng trước trùm mục hô to: “Cầu cho tốt lúa tốt gieo/Vũ thuận phong điều hò reo một tiếng”, lập tức phía sau các mục đồng đồng thanh hò reo: “Giá hạ! Giá hạ! Giá hạ!” (gieo giống xuống ruộng đồng). Có lẽ đã quá lâu rồi, trên những cánh đồng của làng Phong Lệ mới có cảnh rộn ràng tiếng vui đùa, hò reo đến vậy.

Đây cũng là lần đầu tiên sau nhiều năm, những trò chơi dân gian hấp dẫn trẻ quê được dịp tái hiện. Đó là cảnh đám mục đồng chơi trò bịt mắt bắt vịt, đánh nẻ, đánh thẻ hay kéo co... Tiếng cười đùa trong trẻo vang khắp làng. Sau hơn ba giờ vui đùa, các mục đồng cùng đoàn rước kiệu rồng rắn kéo nhau về đình Thần Nông. Sau lễ khấn vái Thần Nông, những mâm cỗ được dọn ra ngay giữa sân đình mà người lên bát không ai khác là 60 vị mục đồng “lam lũ”.

Theo ông Ngô Văn Nghĩa - trưởng ban liên lạc chư phái tộc làng Phong Lệ, đây là lần đầu tiên sau gần 70 năm, lễ hội đầy màu sắc dân gian của làng này mới được phục dựng. Lễ hội mục đồng đã cuốn hút hơn 400 người dân địa phương tham gia hưởng ứng với tinh thần tự nguyện. “Đó thật sự là sân chơi bổ ích của trẻ em làng quê” - thạc sĩ văn hóa học Văn Thu Bích (Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Đà Nẵng), đồng thời là chủ nhiệm đề án phục dựng lễ hội mục đồng, cho biết.

Được phục dựng gần như nguyên bản và do chính người dân địa phương đứng ra tổ chức, có thể nói lễ hội mục đồng là một trong những lễ hội dân gian được phục dựng thành công. Nhưng quan trọng hơn, chính người dân địa phương rất hài lòng khi những tín ngưỡng dân gian của làng quê được giữ gìn. “Ngày xưa lễ hội mục đồng được tổ chức ba năm một lần, còn bây giờ chúng tôi đang cố gắng duy trì lễ hội này hai năm một lần. Trước là để bảo tồn giá trị di sản văn hóa phi vật thể, sau là tạo ra sản phẩm du lịch để thu hút du khách khi đến với Đà Nẵng” - thạc sĩ Văn Thu Bích cho biết.

LxYZPxub.jpgPhóng to
Cảnh mục đồng vui đùa với đàn trâu ngoài cánh đồng làng Phong Lệ - Ảnh: Văn Thu Bích

Tương truyền rằng làng Phong Lệ xưa có một cồn cỏ. Một ngày nọ, có người xua đàn vịt lên cồn, chân vịt bỗng dính chặt xuống đất như có bàn tay ai đó níu lại. Cho là có thần linh giáng hạ nên chẳng ai dám bén mảng đến cồn. Từ đó cồn có tên là cồn Thần. Một hôm, có đàn trâu trong làng chạy lạc đến cồn, đám trẻ chăn trâu đến tìm nhưng không hề hấn gì cả. Từ đó có tiếng đồn là cồn Thần chỉ cho các trẻ chăn trâu đến gần mà thôi. Xóm Cồn về sau được gọi là xóm Đồng, là nơi tụ tập của các mục đồng trong làng.

Câu chuyện lạ lùng ấy sau nhiều thế hệ dần hình thành một lễ hội dành riêng cho các trẻ chăn trâu, gọi là lễ rước mục đồng.

Đ.NAM - V.HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên