08/11/2005 13:39 GMT+7

Phục chế các tác phẩm hội họa: Không theo kịp với tốc độ hư hỏng

Theo Đại đoàn kết
Theo Đại đoàn kết

Con số hàng chục bức tranh quý được tu sửa những năm gần đây chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong hàng nghìn bức đang ở tình trạng xuống cấp nghiêm trọng tại Bảo tàng Mỹ thuật VN. Nguy cơ mai một di sản quý báu của hội họa nước nhà đang đặt ra hết sức cấp bách.

EO94PqJY.jpgPhóng to
Bức "Em Thuý" trước và sau khi phục chế
Con số hàng chục bức tranh quý được tu sửa những năm gần đây chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong hàng nghìn bức đang ở tình trạng xuống cấp nghiêm trọng tại Bảo tàng Mỹ thuật VN. Nguy cơ mai một di sản quý báu của hội họa nước nhà đang đặt ra hết sức cấp bách.

Bảo tàng Mỹ thuật VN hiện nay đang có gần 20.000 hiện vật là những tác phẩm tiêu biểu của lịch sử mỹ thuật nước nhà. Trong số ấy có trên 6.000 tác phẩm hội họa với đủ loại chất liệu khác nhau là những bộ sưu tập chủ đạo của Bảo tàng này. Tuy nhiên, hầu như các tác phẩm này đều đã và đang có nguy cơ hư hỏng.

Thử điểm lại di sản

Sưu tập tranh sơn mài có tiếng nói và có chỗ đứng đặc biệt trong kho tàng di sản mỹ thuật của dân tộc. Các tác phẩm tranh sơn mài được Bảo tàng Mỹ thuật sưu tầm từ rất nhiều nguồn khác nhau như mua tại các cuộc triển lãm mỹ thuật, mua của các nhà sưu tầm, được tặng... và ở vào những thời điểm sáng tác khác nhau.

Có những tác phẩm từ những năm đầu của thế kỷ XX và cũng có cả những sáng tác của các họa sĩ đương đại.

Trong đó, có thể kể đến "Xô Viết Nghệ Tĩnh" của tập thể các tác giả, "Kết nạp đảng ở Điện Biên Phủ” của Nguyễn Sáng, "Nhớ một chiều Tây Bắc" của Phan Kế An, "Bình Minh trên nông trang" của Nguyễn Đức Nùng... Trong khi đó sưu tập tranh sơn dầu lại là một trong những sưu tập hiện vật có giá trị nhất của Bảo tàng Mỹ thuật VN và có vị trí quan trọng trong hệ thống trưng bày mỹ thuật thế kỷ XX.

Chất liệu mầu dầu mới được du nhập từ châu Âu vào nước ta những năm đầu thế kỷ XX, nhưng đã được các hoạ sĩ VN nhanh chóng nắm bắt và cho ra đời những tác phẩm ấn tượng, có giá trị nghệ thuật hiện đại mà vẫn biểu hiện những đặc trưng dân tộc.

Các tác phẩm như Bình văn của Lê Huy Miến, Ngày mùa của Dương Bích Liên, Em Thúy, Nữ dân quân miền biển của Trần Văn Cẩn, Một buổi cày của Lưu Công Nhân, Tan ca mời chị em đi thi thợ giỏi của Nguyễn Đỗ Cung... mãi mãi là những kiệt tác của nghệ thuật sơn dầu VN.

Tranh lụa là một thể loại nghệ thuật đặc biệt quan trọng ở VN với một số tác phẩm lớn được sáng tác trong thời kỳ 1925 - 1945 thể hiện qua những tác phẩm như Chơi ô ăn quan của Nguyễn Phan Chánh, Trăng trên cồn cát của Nguyễn Văn Chung... và nhiều tác phẩm của các họa sĩ nổi tiếng được trưng bày tại các phòng số 18, 19 và 20 trong hệ thống trưng bày của bảo tàng.

Bên cạnh đó, Bảo tàng Mỹ thuật VN có một bộ sưu tập đáng kể về tranh giấy bao gồm các tranh dân gian trên chất liệu giấy truyền thống và các tác phẩm có ảnh hưởng của hội họa phương Tây sử dụng chất liệu như màu nước, màu, nước đặc, mực, than chì, tranh in khắc gỗ, khắc linh... như Đền Voi Phục của Văn Giáo, Chùa Thầy của Phạm Mậu, Trăng đêm của Nguyễn Xuân Tiệp...

Tranh khắc gỗ VN là sự kết hợp nghệ thuật trang trí truyền thống với khoa học thẩm mỹ phương Tây và phong cách cá nhân nghệ sĩ. Các tác phẩm tiêu biểu được trưng bày tại Bảo tàng như Chợ Nhông của Nguyễn Tiến Chung, Du kích miền núi của Nguyễn Trọng Hợp, Ba thế hệ của Hoàng Trầm.

Tình trạng hiện nay

Kết quả nghiên cứu khảo sát của các nhà chuyên môn VN và nước ngoài tại Bảo tàng Mỹ thuật VN gần đây cho thấy: hầu hết các tác phẩm nghệ thuật hội họa tại đây đã và đang chịu ảnh hưỏng từ sự tiếp xúc quá lâu của các tác động thiên nhiên và môi trường, nhất là nhiệt độ và độ ẩm cao không được kiếm soát và khống chế.

Những tác phẩm có niên đại và kỹ thuật sáng tác khác nhau có cùng những biểu hiện giống nhau về sự tác động và hủy hoại, là sự chứng minh trong thực tế nhận định đó.

Đối với các tác phẩm sơn mài, nhiều tác phẩm bị bong vóc (do lớp gỗ dán bị ẩm lâu năm tự rộp) các góc bị sứt mẻ, mặt tranh bị xước hoặc bị nứt rạn.

Do tác động của một số hóa chất, đặc biệt là axít nên những chỗ có sử dụng bạc bị chuyển sang màu xám, lớp véc ni trên bề mặt tranh bị bay, mòn không còn đủ chức năng bảo vệ. Nhiều tác phẩm sơn dầu bị rạn và bong sơn, toan chùng, mất sự liên kết giữa lớp sơn và lớp vải.

Một yếu tố góp phần vào sự bong tróc này là chất liệu mà các họa sĩ VN đã sử dụng. Nhiều tác phẩm bị mốc, bụi bám trên mặt tranh làm biến dạng những lớp màu nguyên gốc, ảnh hưởng nghiêm trọng tới những giá trị của tác phẩm. Thậm chí có không ít tác phẩm còn bị rạn nứt, vỡ; lóp sơn bong rụng khỏi mặt vải. Bức tranh Em Thúy của danh họa Trần Văn Cẩn cùng nhiều tác phẩm khác trong bộ sưu tập tác phẩm sơn dầu đã ở trong tình trạng này.

Bộ sưu tập tranh lụa của Bảo tàng Mỹ thuật VN rất độc đáo và quan trọng. Tuy nhiên, hầu hết các tác phẩm quan trọng nhất của thể loại tranh lụa của các danh họa VN sáng tác trong các năm từ 1925 đến 1945 đang được trưng bày tại bảo tàng đều đã và đang bị xuống cấp, bị mất độ bóng, bị phai nhạt và biến màu; đồng thời, còn bị các loại côn trùng, nấm mốc phá hoại.

Việc phục chế tranh lụa đã được đặt ra rất cấp bách và cần được ưu tiên hàng đầu ở Bảo tàng Mỹ thuật VN.

Phục chế không theo kịp tốc độ hư hỏng

Công bằng mà nói, từ đầu năm 2003 đến nay, Bảo tàng Mỹ thuật VN đã có nhiều cố gắng nhằm đổi mới công tác bảo quản những di sản văn hóa nghệ thuật vô giá này. Bảo tàng đã tiến hành tu sửa, phục chế được một số tranh.

Tuy nhiên, so với mức độ hư hỏng của tranh thì tốc độ bảo quản phục chế lại quá chậm. Mới có vài chục tác phẩm hội họa được bảo quản, tu sửa. Việc phục chế hiện nay vẫn phải trông cậy vào sự ủng hộ của các chuyên gia và tổ chức nước ngoài.

Có một nguyên tắc cơ bản nhất là nhiệt độ và độ ẩm trong không gian trưng bày cần được duy trì ổn định. Tuy nhiên điều này cũng khó được thực hiện tại Bảo tàng Mỹ thuật hiện nay (điều hòa không khí chỉ được bật khi Bảo tàng mở cửa càng góp phần đẩy nhanh sự xuống cấp do sự liên tục sốc về nhiệt của các tác phẩm nghệ thuật).

Theo ông Trương Quốc Bình - Giám đốc Bảo tàng thì việc chi trả tiền điện cho hệ thống điều hòa trong các tháng mùa hè cũng đã là vấn đề nan giải cho các nhà quản lý bảo tàng ở VN hiện nay, trong đó có Bảo tàng Mỹ thuật VN.

Việc Bộ Văn hóa - Thông tin mới đây đã cho phép thành lập Trung tâm Bảo quản tu sửa tác phẩm nghệ thuật trực thuộc Bảo tàng Mỹ thuật VN khiến người ta có thể hy vọng rằng di sản hội họa sẽ được cứu chữa kịp thời.

Theo Đại đoàn kết
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên