24/10/2013 00:01 GMT+7

"Phù phép" tài sản trôi nổi, nâng giá gấp 1.300 lần

MINH QUANG
MINH QUANG

TTO - Từ việc sở hữu một thiết bị lặn không rõ nguồn gốc, Vũ Quốc Hảo cùng đồng phạm đã lập mưu để Hải quan Hải Phòng bắt giữ, bán đấu giá và mua lại chỉ với 100 triệu đồng.

Ký khống, “ăn” thật 75 tỉ đồngThiệt hại gần 524 tỉ đồngNguyên Tổng giám đốc ALCII tiếp tục bị khởi tố

Thiết bị này sau đó đã được "phù phép" bán cho Công ty Cho thuê tài chính II (ALCII) với giá 130 tỉ đồng, cao gấp 1.300 lần giá trị ban đầu.

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa kết thúc điều tra vụ án “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra từ năm 2007-2009 tại Công ty ALCII (thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam - Agribank) và các đơn vị liên quan.

Theo đó, cơ quan điều tra đề nghị Viện KSND tối cao truy tố 10 bị can về tội danh trên gồm Vũ Quốc Hảo, Nguyễn Văn Tài - nguyên tổng và phó tổng giám đốc Công ty ALCII; Phạm Xuân Nghị, Nguyễn Văn Thọ, Đinh Nguyên Tý - nguyên trưởng và hai phó trưởng phòng cho thuê thuộc Công ty ALCII; Hoàng Lộc - tổng giám đốc Công ty cổ phần giám định thẩm định Việt Nam (Vivaco); Lê Phúc Đức - nhân viên Công ty Vivaco; Phạm Minh Tuấn - chủ tịch HĐQT Công ty Xuân Việt; Vũ Đức Hòa, Lê Thị Minh Huệ - giám đốc và kế toán trưởng Công ty cổ phần Cát Long Hải.

Trong số này có 5 bị can vừa bị Viện KSND tối cao đề nghị truy tố trong vụ án tham nhũng xảy ra tại Công ty ALCII trước đó.

Kết luận điều tra nêu rõ Công ty cổ phần Cát Long Hải được Vũ Quốc Hảo lập ra vào năm 2003 với các cổ đông Phạm Minh Tuấn, Lê Văn Phong, Đặng Văn Hai, Khương Minh Hiệp (đều là lãnh đạo các công ty sân sau của ông Hảo, đều là bị can trong vụ án tham nhũng tại ALCII sắp được đưa ra xét xử). Tuy nhiên, các cổ đông này chỉ có danh nghĩa, việc điều hành chính đều do Vũ Quốc Hảo thực hiện.

Đến năm 2006, Vũ Quốc Hảo được bổ nhiệm làm tổng giám đốc Công ty ALCII. Trong quá trình điều hành hoạt động kinh doanh công ty này đã thua lỗ, nhiều khoản nợ xấu, khó đòi. Vừa cần tiền giải quyết nợ xấu cho các công ty sân sau, vừa cần tiền mua đất nên Vũ Quốc Hảo đã bàn bạc với Phạm Minh Tuấn lấy tiền của Công ty ALCII.

Theo đó, Công ty cổ phần Cát Long Hải có một thiết bị lặn Tinro2 do Liên Xô sản xuất dùng để khảo sát, thăm dò đáy biển nhằm phát hiện, khai thác cổ vật và san hô đỏ. Thiết bị này do một người Nhật Bản mang sang làm ăn tại Việt Nam chuyển cho Phạm Minh Tuấn và được đưa vào Công ty Cát Long Hải dưới hình thức vốn góp. Do thiết bị này là hàng trôi nổi, để có thể ký hợp đồng mua bán, cho thuê tài chính với Công ty ALCII nhằm rút tiền sử dụng mục đích cá nhân, các bị can đã lập mưu mang thiết bị này ra cảng Hải Phòng để bị hải quan bắt, thu giữ, bán thanh lý và mua lại.

Cụ thể, tháng 6-2007, đội kiểm soát Hải quan Hải Phòng kiểm tra tàu Hải Dương 09 từ TP.HCM ra phát hiện lô hàng thiết bị Tinro2 nhưng chủ hàng là Phạm Minh Tuấn không xuất trình được giấy tờ. Sau đó, Phạm Minh Tuấn đã bị phạt hành chính 10 triệu đồng, thiết bị này bị tích thu. Tang vật được chuyển sang Sở Tài chính Hải Phòng để bán theo quy định.

Tháng 7-2007, Sở Tài chính và Hải quan Hải Phòng có biên bản khảo sát thiết bị lặn trên thị trường và đưa ra giá khởi điểm 70 triệu đồng. Sau đó, ngày 30-7-2007, chủ tịch hội đồng bán đấu giá tài sản sung quỹ nhà nước TP Hải Phòng quyết định điều chỉnh mức giá lên 100 triệu đồng và ra quyết định bán luôn trong ngày cho Công ty cổ phần Cát Long Hải. Tuy nhiên, chi phí thực tế do Lê Thị Minh Huệ chi trả trong thương vụ này lên đến hơn 1 tỉ đồng.

Sau khi hợp pháp hóa nguồn gốc thiết bị lặn Tinro2, Vũ Đức Hòa, giám đốc Công ty Cát Long Hải, đã thuê Công ty Vivaco thẩm định giá thiết bị lặn. Bị can Hoàng Lộc đã chỉ đạo Lê Phúc Đức lập khống biên bản giám định hiện trường, không kiểm tra thực tế thiết bị, lập chứng thư thẩm định ghi giá 130 tỉ đồng theo yêu cầu của Phạm Minh Tuấn, Vũ Đức Hòa, Lê Thị Minh Huệ.

Có chứng thư thẩm định, Vũ Quốc Hảo chỉ đạo làm hồ sơ để Công ty cổ phần Cát Long Hải ký hợp đồng thuê tài chính, hợp đồng mua bán với Công ty ALCII nhằm mua đất trạm dừng chân Miền Tây đứng tên Công ty Cát Long Hải và thanh toán nợ xấu cho công ty sân sau của mình.

Việc thực hiện các hợp đồng này đã được các bị can tại Công ty ALCII tạo điều kiện giúp đỡ, hoàn chỉnh hồ sơ. Do đó, Vũ Quốc Hảo đã ký giải ngân 130 tỉ đồng cho Công ty cổ phần Cát Long Hải. Số tiền này được sử dụng theo đúng ý đồ ban đầu của Vũ Quốc Hảo.

Trong vụ án này có một số cá nhân liên quan nhưng cơ quan điều tra xét thấy hành vi không cần thiết phải xử lý hình sự nên không xử lý.

MINH QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên