05/03/2017 12:30 GMT+7

Phụ nữ viết văn: viết để không rảnh rỗi và nhàm chán

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - “Sau bao nhiêu thế hệ, sự gia trưởng có thể vẫn còn nguyên, nhưng công việc của người phụ nữ ngày nay đã khác nhiều..." - Tác giả Ann Lee chia sẻ về một trong những lý do người phụ nữ hôm nay viết văn.

Ba nữ tác giả (từ trái qua): Tiểu Quyên, Lê Đỗ Quỳnh Hương, Ann Lee gặp nhau, cùng tâm sự về câu chuyện viết văn thời bây giờ - Ảnh: L.ĐIỀN
Từ trái qua: Tiểu Quyên, Lê Đỗ Quỳnh Hương, Ann Lee cùng tâm sự chuyện viết văn - Ảnh: L.ĐIỀN

Chị nói thêm: "...Bà tôi ngày xưa nấu ăn nhất thiết phải làm từng món một, xong món này mới đến món khác để tránh cháy cá hỏng canh. Nhưng tôi bây giờ vừa nấu ăn vừa nghe điện thoại, vừa nói chuyện bài vở và bán hàng qua mạng...” 

Cùng với Ann Lee - tác giả của Tuổi 40 yêu dấu, hai tác giả Lê Đỗ Quỳnh Hương và Tiểu Quyên gặp nhau tại diễn đàn “Chúng ta viết gì khi viết về phụ nữ?” do NXB Trẻ tổ chức sáng 4-3 tại Đường sách TP.HCM. Nhiều bạn đọc thoạt đầu chỉ là đi ngang ghé lại, nhưng đã bị cuốn hút bởi câu chuyện viết văn của những người nữ hôm nay.

Trở lại với câu chuyện bộn bề muôn thuở, MC Quỳnh Hương cho rằng chính cuộc sống bận rộn và công việc đa đoan như “làm dâu trăm họ” của cô là một mạch nguồn để viết.

“Tôi chỉ viết khi nào trong mình chất chứa đã đầy - Cô nói thêm - Viết là một niềm vui lớn, mình không bao giờ đặt việc viết trở thành thêm một gánh nặng cho cuộc sống của mình nên viết mà không hề chịu sự áp lực nào”.

Có lẽ nhờ cách xếp đặt việc viết an nhiên như vậy nên đến nay, Quỳnh Hương đã có ba đầu sách ra mắt bạn đọc và đều bán chạy.

Chọn cho mình ba từ để theo đuổi là: chân thành, cả tin và kiên nhẫn, Ann Lee tự nhận mình là một người của công việc, ngay cả chuyện viết cô cũng ý thức là “viết để không rảnh rỗi và nhàm chán”.

Đáng quý hơn, từ góc độ một phụ nữ, Ann Lee cho rằng tất cả những gì cô viết ra đều có điểm chung: viết những điều lạc quan, trước hết cho mình và cho cả mọi người. “Nếu mình bi quan rồi viết cái bi quan ra cho mọi người cũng bi quan thì thật kinh khủng” - Ann Lee nhận định.

Quỳnh Hương cũng chia sẻ quan điểm này. Với Hương, trong công việc và đời sống có những thứ không buông bỏ được, có những chuyện đáng chán mà vẫn phải làm, thế thì bắt buộc mình phải nhìn nó rồi hoán chuyển thái độ của mình để ứng xử: nếu đã không làm không được, vậy sao không làm với thái độ cứ vui đi? Như vậy cuộc sống sẽ trôi qua ổn hơn, nhẹ nhàng hơn.

Lý giải bằng cảm xúc, nhà báo Tiểu Quyên cho rằng viết văn là công việc yêu thương của mình, “mà đã yêu thương thì tôi không dùng từ “bận”, lúc nào tranh thủ được tôi đều viết”.

Cả ba tác giả cũng gặp nhau ở quan điểm: người phụ nữ ngày nay nên biết yêu thương trân trọng mình trước đã, rồi mới đủ sức yêu thương người khác; mình an lạc đã rồi mới giúp người khác an lạc. Và viết là chuyển tải thông điệp sống đến với mọi người.

Ann Lee nhớ về một tuổi thơ êm đềm ở Nam Định với mẹ, với bà và những bài học quý giá. Ngày nay người phụ nữ đã khác, cuộc sống gia đình đã khác, cách dạy con cũng khác, nhưng cái không khác là làm sao để tạo cho con cái mình cảm giác cũng bình yên như hồi nhỏ mình bình yên.

Như thế, mỗi người phụ nữ viết văn còn ý thức được rằng mình đang truyền tải kinh nghiệm sống xuyên thế hệ. Như Quỳnh Hương bộc bạch một hình dung: “Những phụ nữ như mình sống và viết kiểu như có một sứ mệnh: làm, rút kinh nghiệm và truyền tải lại cho mọi người.

Những thế hệ phụ nữ sau tôi đọc những gì chúng tôi viết về những trải nghiệm, những vấp ngã, những trả giá... cũng có thể rút ra từ đó các tham khảo để sống tốt hơn...”.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên