27/06/2015 09:21 GMT+7

Phụ nữ vẫn phải “ba đảm đang”?

LAN ANH
LAN ANH

TT - Khảo sát mới nhất do Viện Nghiên cứu kinh tế, xã hội và môi trường (iSEE) vừa công bố cho thấy một tỉ lệ rất lớn phụ nữ chưa thỏa mãn với cuộc sống gia đình.

Các lý do chủ yếu là lo chồng ngoại tình, thấy sự phân công việc nhà chưa công bằng...

Gia đình đúng nghĩa khi thật sự là tổ ấm, là nơi yêu thương, che chở các thành viên - Ảnh: Quân Nam
Gia đình đúng nghĩa khi thật sự là tổ ấm, là nơi yêu thương, che chở các thành viên - Ảnh: Quân Nam

Gia đình đương đại đã bắt đầu chú ý đến những giá trị mới, như chỉ số tôn trọng sự riêng tư của các thành viên, nhưng vẫn lấn cấn với những giá trị khuôn mẫu như sự ba đảm đang của người phụ nữ.

Phụ nữ không phải “ba đầu, sáu tay”

Điều phối viên của khảo sát này, chị Vũ Phương Thảo, là mẫu phụ nữ hiện đại, từng đi học ở nước ngoài, hiện làm việc ở tổ chức phi chính phủ nên luôn đánh giá cao những giá trị mới và cho rằng cần vun đắp những giá trị ấy.

Theo chị Thảo, chồng chị chia sẻ với chị công việc nhà nhưng nhiều đồng nghiệp, người thân quen của chị thì luôn cảm thấy bức xúc: phụ nữ cũng đi làm, cũng lo cho kinh tế gia đình, cũng làm giám đốc, lãnh đạo nhưng về đến nhà thì chị em phải làm hết việc nhà.

“Có chị con nhỏ, vừa chuyển công việc mới bận rộn nên chỉ làm được hơn nửa công việc nhà, nhưng anh chồng phàn nàn người cô họ vừa kiếm được nhiều tiền, vừa làm hết việc nhà, vợ đâu có làm được như vậy đâu mà kêu ca. Có lẽ nhiều đàn ông có tâm lý như vậy, nhưng phụ nữ đâu phải ba đầu sáu tay” - chị Thảo nêu ý kiến.

Theo chị Thảo, khảo sát tiến hành (trên 1.500 người) cho thấy kết quả rất đáng ngạc nhiên. Một tỉ lệ khá cao, tới 49%, ủng hộ gia đình có vợ/chồng là người nước ngoài, tỉ lệ 18% ủng hộ gia đình đồng tính cũng cho thấy sự cởi mở trong suy nghĩ của người dân với những mô hình gia đình mới.

Tuy nhiên, chị Thảo cho rằng vẫn còn khoảng cách giữa suy nghĩ, mong muốn và thực tế, như tới trên 19% nữ giới thấy không bình yên, không thỏa mãn với cuộc sống gia đình, nhưng họ lại không dám phá vỡ vỏ gia đình vì lo ngại định kiến.

“Tôi luôn bất bình với những khẩu hiệu kiểu như phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà, hay những suy nghĩ kiểu con không cha như nhà không nóc. Những khẩu hiệu, lối suy nghĩ ấy hiện đã trở nên trói buộc phụ nữ. Có những gia đình vợ bị bạo hành cũng cố chịu, cố giữ vì lo ngại những lối nghĩ này, thay vì vun đắp những giá trị rất cần và đáng vun đắp như hạnh phúc, sự riêng tư, sự trung thực giữa các thành viên” - chị Thảo chia sẻ.

Đàn ông cũng chịu áp lực

Không chỉ có một tỉ lệ lớn phụ nữ bất bình với cuộc sống gia đình, một tỉ lệ khá lớn trong số nam giới tham gia khảo sát cho biết họ không hài lòng và chịu áp lực. Trong đó, đàn ông áp lực về việc họ phải chịu trách nhiệm kiếm tiền nuôi gia đình, đối đãi với họ hàng, phụng dưỡng người già...

Khảo sát trên một diễn đàn có đông thành viên là nữ giới, đề tài sự bức xúc của chị em với cha mẹ, anh em chồng luôn thu hút sự quan tâm bàn luận, ai cũng cho rằng gia đình chồng đang bất công với con dâu.

Đây có lẽ là lý do khiến trên 93% người tham gia khảo sát này ủng hộ mô hình gia đình hai thế hệ, tức là chỉ có cha mẹ và con, thay vì ủng hộ mô hình tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường như truyền thống.

Trả lời câu hỏi về vấn đề đáng quan tâm nhất ở khảo sát này, bà Phạm Quỳnh Phương, ở Viện Nghiên cứu văn hóa, cho rằng trước đây nhiều người nghĩ gia đình có vai trò duy trì nòi giống là quan trọng nhất, giờ đây chức năng tình cảm được đặt lên hàng đầu. Gia đình đúng nghĩa khi thật sự là tổ ấm, là nơi yêu thương, che chở các thành viên.

Bà Phương nhận định tỉ lệ ly hôn cao hơn cũng cho thấy các thành viên gia đình quan tâm hơn tới vấn đề tình cảm, nếu không đạt được vai trò đó thì các thành viên sẵn sàng phá đi cái vỏ gia đình!

Quan tâm đến tính riêng tư

Ông Hoa Hữu Vân, phó vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, cho rằng mô hình gia đình hai thế hệ cha mẹ và con cũng là loại hình gia đình lớn nhất trong xã hội Việt Nam hiện nay, phản ánh sự dịch chuyển trong đời sống gia đình người Việt, họ bắt đầu gần với gia đình hiện đại ở các nước, quan tâm đến các giá trị trước đây ít được chú ý như sự riêng tư và cá nhân của từng thành viên.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên