26/09/2011 09:21 GMT+7

Phụ nữ Saudi Arabia được bỏ phiếu và ứng cử

HẢI MINH
HẢI MINH

TTO - Ngày 26-9, Quốc vương Saudi Arabia đã tuyên bố rằng phụ nữ nước này sẽ được quyền bỏ phiếu và ra ứng cử trong các hoạt động chính trị.

Read this on Tuoitrenews.vn

Động thái này được cho là can đảm tại quốc gia quân chủ Hồi giáo cực kỳ bảo thủ này, trước sức ép của những đòi hỏi dân chủ và cải cách xã hội ở vùng Trung Đông.

vZSot8ai.jpgPhóng to

Quốc vương Abdullah phát biểu trước hội đồng Shura ngày 25-9 - Ảnh: AP

Theo Reuters, đây là thay đổi mang tính lịch sử ở quốc gia vùng Vịnh này dưới thời Quốc vương Abdullah bin Abdulaziz al-Saud, 88 tuổi, lên nắm quyền sáu năm trước với nhiều kỳ vọng cải cách.

Nữ quyền từ lâu đã là một chủ đề gây tranh cãi ở Saudi Arabia. Phụ nữ nước này phải nhận được sự đồng ý của người giám hộ, cha, chồng, anh em trai hoặc con trai, để được phép ra nước ngoài, đi làm hay thậm chí là khám chữa bệnh.

Năm 2002, cảnh sát tôn giáo Saudi Arabia từng khiến cả thế giới bị sốc khi họ ngăn không cho các nữ sinh sơ tán khỏi một tòa nhà đang bốc cháy vì các em không choàng khăn Hồi giáo che kín mặt. Mười lăm người thiệt mạng trong bi kịch đó.

Trên thực tế, quyền bỏ phiếu và ứng cử của phụ nữ nhìn chung không mang lại nhiều thay đổi trong bối cảnh chính trị ở Saudi Arabia, nơi chỉ một nửa số ghế ở các hội đồng địa phương ít quyền lực là được quyết định thông qua tuyển cử. Ngoài ra, trong các cuộc bầu cử diễn ra vào tuần này, vẫn chỉ nam giới được bầu cử, phụ nữ sẽ được đi bỏ phiếu kể từ năm 2015.

Chính quyền Saudi Arabia cũng chưa đề cập đến các quyền phụ nữ khác ở quốc gia này, nơi phụ nữ không được phép lái xe và phải được sự đồng ý của một người thân là nam giới trong gia đình nếu muốn đi làm hoặc ra nước ngoài.

Nhưng dẫu sao, tuyên bố mới vẫn nhận được sự tán thưởng từ các nhà hoạt động vì nữ quyền và hoạt động xã hội.

“Thật là một tin tức tốt lành”, Reuters dẫn lời nhà hoạt động vì nữ quyền người Saudi Arabia Wajeha al-Huwaider. “Những tiếng nói của phụ nữ rốt cuộc cũng sẽ được lắng nghe. Đã đến lúc dỡ bỏ những rào cản như cấm phụ nữ lái xe và không thể sống, làm việc một cuộc đời bình thường mà không có sự cho phép của những người bảo hộ nam giới”.

Trong bài phát biểu dài năm phút, Vua Abdullah cũng nói phụ nữ sẽ được phép tham gia hội đồng tư vấn không do dân bầu Shura, hội đồng có chức năng đề xuất các điều luật, nhưng không có quyền lực thông qua.

“Vì chúng tôi từ chối hạn chế phụ nữ trong tất cả các vai trò xã hội theo luật Sharia (luật Hồi giáo), chúng tôi đã quyết định, sau khi tham khảo kỹ lưỡng ý kiến của các giáo sĩ cấp cao và những người khác… cho phép phụ nữ tham gia hội đồng Shura, bắt đầu từ nhiệm kỳ tiếp theo”, ông Abdullah nói. “Phụ nữ còn được ra tranh cử trong các cuộc bầu cử hội đồng địa phương và thậm chí sẽ có quyền bỏ phiếu”.

Vua Abdullah được biết đến như một nhà cải cách thận trọng kể từ khi ông kế vị phụ thân, Thái thượng hoàng Fahd. Ông đã xây một trường đại học mới cho sinh viên cả nam lẫn nữ và khuyến khích phụ nữ tham gia nhiều hơn vào thị trường lao động.

Nhưng trong lĩnh vực chính trị, các cải cách là rất chậm trễ, với quyền lực tuyệt đối vẫn tập trung trong hoàng tộc.

Hoa Kỳ, đồng minh của Saudi Arabia, ngay lập tức ca ngợi các động thái mới, mà theo Washington “mở ra những cách thức mới cho phụ nữ tham gia vào các quyết định sẽ ảnh hưởng đến đời sống và cộng đồng của họ”.

“Những tuyên bố hôm nay là một bước quan trọng để mở rộng nữ quyền ở Saudi Arabia”, Reuters dẫn một thông báo từ Nhà Trắng. “Chúng tôi ủng hộ Vua Abdullah và nhân dân Saudi Arabia tiến hành những cải cách này và các cải cách khác nữa”.

Trong những cuộc cách mạng vừa rồi ở Trung Đông, các nhà hoạt động ở Saudi Arabia cũng kêu gọi biểu tình, nhưng không nhận được sự hưởng ứng đáng kể. Nhà nước Saudi Arabia đã cấm các cuộc tụ tập đông người đồng thời tuyên bố chi thêm 130 tỉ USD cho các phúc lợi xã hội vào tháng 3.

HẢI MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên