08/03/2015 11:04 GMT+7

Phụ nữ làm khoa học kiểu “nhà nghèo”

LAN ANH
LAN ANH

TT - Tập thể các nhà khoa học nữ ở bộ môn mô phôi Đại học Y Hà Nội và khoa kết giác mạc Bệnh viện Mắt trung ương đã nuôi cấy thành công tế bào gốc vùng rìa giác mạc và tế bào gốc biểu mô niêm mạc miệng thành tấm, dùng ghép cho bệnh nhân bị tổn thương bề mặt nhãn cầu.

PGS Nguyễn Thị Bình trong phòng nuôi cấy tế bào gốc - Ảnh: Thúy Anh

Đây là phương pháp hoàn toàn mới, lần đầu tiên được nghiên cứu ở VN.

Nhưng ít người biết rằng kinh phí ban đầu cho nghiên cứu này chỉ 890 triệu đồng, và các nhà khoa học nữ đã nghiên cứu đề tài theo kiểu “nhà nghèo”. Sự say mê khoa học đã đem đến thành công, ngày 7-3 các chị đã được nhận giải thưởng Kovalevskaia 2014 - giải thưởng thường niên dành riêng cho các nhà khoa học nữ.

Theo PGS.TS Hoàng Minh Châu - khoa kết giác mạc Bệnh viện Mắt trung ương, đề tài khoa học nào cũng bắt nguồn từ thực tiễn cuộc sống. Mọi người hết sức trăn trở trước tình trạng nhiều bệnh nhân bị tổn thương bề mặt nhãn cầu cả hai mắt, nguy cơ mù mà không có biện pháp nào điều trị hiệu quả. 

Thời điểm đó, những phương pháp đang áp dụng đều có hạn chế. Ví dụ ghép màng ối thì mảnh ghép sẽ chỉ là tạm thời, nếu ghép củng giác mạc tự thân của bệnh nhân thì chỉ áp dụng trong trường hợp người bệnh chỉ bị tổn thương ở một bên mắt, trường hợp tổn thương cả hai mắt sẽ gặp khó khăn. Bên cạnh đó, mảnh mô lấy để ghép phải có kích thước lớn nên sẽ ảnh hưởng tới mắt lành. Còn biện pháp ghép củng giác mạc dị thân thì bệnh nhân phải uống thuốc chống thải ghép suốt đời.

Áp dụng nghiên cứu trên thế giới, từ năm 2003 các chị bắt tay vào nghiên cứu nuôi cấy tế bào vùng rìa giác mạc, ứng dụng điều trị tổn thương bề mặt nhãn cầu. Kinh phí cho đề tài cấp bộ chỉ 890 triệu đồng. Nhiều loại hóa chất, môi trường, vật liệu không tìm được ở VN. Nhưng tập thể các nhà khoa học nữ ở bộ môn mô phôi Đại học Y Hà Nội đã mày mò, tìm những hóa chất thay thế phù hợp “điều kiện” nghiên cứu kiểu nhà nghèo. 

Sau bốn năm, đến năm 2007 các chị lần đầu tiên nuôi tạo thành công biểu mô từ tế bào gốc vùng rìa giác mạc của thỏ, các tấm biểu mô này được ghép cho thỏ bị bỏng mắt cho kết quả tốt. Đến năm 2008, các chị “dấn” tiếp khi nuôi tạo và ghép thành công trên người. Bệnh nhân được điều trị tổn thương giác mạc đầu tiên được ghép theo phương pháp này vào năm 2008, đến nay vẫn đang làm việc và sinh hoạt bình thường.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Bình - Đại học Y Hà Nội, từ ba nghiên cứu cấp bộ và cấp nhà nước, cho đến nay trên 20 bệnh nhân được điều trị tổn thương bề mặt nhãn cầu, từ biểu mô nuôi cấy từ tế bào gốc rìa giác mạc, với những bệnh nhân tổn thương cả hai mắt là tế bào gốc biểu mô niêm mạc miệng. Các chị cũng đã hoàn tất các thủ tục để xin phép Bộ Y tế đưa quy trình này ra rộng rãi các bệnh viện mắt, khoa mắt áp dụng điều trị cho bệnh nhân. 

Điều mong mỏi nhất của các chị hiện nay là có một nghiên cứu song song với nghiên cứu đã triển khai, nhưng được thực hiện theo quy trình chuẩn của thế giới, khi đó các bác sĩ có thể hẹn lịch trình chuẩn cho bệnh nhân tới ghép, sau khi lấy mảnh mô và tiến hành nuôi cấy.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên