"Chúng ta thiếu tôn trọng cuộc sống"
![]() |
Bà Wangari Maathai tại Hội nghị Copenhagen ở Đan Mạch ngày 15-12-2009 - Ảnh: Getty Images |
Bà Maathai sinh ngày 1-4-1940 tại Kenya, sự nghiệp của bà gắn liền với các hoạt động trong lĩnh vực môi trường, đấu tranh vì nhân quyền và thúc đẩy vai trò phụ nữ. Cuộc đời bà có nhiều dấu ấn đáng chú ý so với thân phận người phụ nữ ở châu Phi trong quá khứ.
Bà là phụ nữ đầu tiên ở vùng Đông và Trung Phi đạt được học vị tiến sĩ vào năm 1971 sau khi du học ở Mỹ. Trở về Kenya, bà nhận nhiệm vụ điều hành Hội Chữ thập đỏ Kenya và tham gia giảng dạy thú y tại Trường đại học Nairobi - nơi bà là nữ giáo sư duy nhất khi ấy.
Hơn 10 năm kể từ năm 1980, bà là chủ tịch Hội đồng Phụ nữ quốc gia Kenya và tham gia phong trào đấu tranh chống nhà độc tài Daniel Arap Moi. Trong giai đoạn này, bà dấy lên chiến dịch nổi tiếng chống lại việc xây dựng một tòa nhà cao tầng ở công viên tại trung tâm thủ đô Nairobi, ngăn chặn việc phá một khu rừng bên ngoài thủ đô và vận động thành công trong việc đòi thả 51 tù chính trị.
Năm 2002, bà được bầu vào Quốc hội Kenya với 98% số phiếu ủng hộ và sau đó giữ vai trò trợ lý bộ trưởng môi trường dưới chính phủ của tổng thống Mwai Kibaki từ năm 2003-2005. Tuy nhiên, do bản tính ngay thẳng nên bà không thể giữ im lặng trước một số vấn đề. Hậu quả là bà ra đi chỉ sau một nhiệm kỳ.
Tạp chí Time trong năm 2005 đã vinh danh bà là một trong 100 người ảnh hưởng nhất thế giới. Tạp chí Forbes cũng từng xếp tên bà trong danh sách thường niên 100 phụ nữ quyền lực nhất. Đến tháng 4-2006, nước Pháp trao cho bà huân chương danh giá nhất, Huân chương Bắc đẩu bội tinh.
Cây xanh, biểu tượng của dân chủ
Nhận ra sự suy thoái môi trường nhanh chóng ảnh hưởng nhiều đến đời sống phụ nữ, bà sáng lập chương trình Green belt (Vành đai xanh) năm 1977, chuyên trồng cây gây rừng, nâng cao nhận thức về hoang mạc hóa, đồng thời giúp bảo đảm nguồn cung về gỗ cho sinh hoạt thường ngày, bảo tồn nguồn nước và vụ mùa. Đến nay, chương trình đã trồng được 40 triệu cây xanh.
Năm 2004, bà được trao giải Nobel hòa bình vì những nỗ lực thúc đẩy phát triển bền vững, dân chủ và hòa bình. Bà là phụ nữ đầu tiên từ lục địa đen nhận vinh dự này. Phát biểu nhận giải vào năm 2004, bà Maathai cho biết nguồn cảm hứng trong công việc của bà xuất phát từ hình ảnh thời ấu thơ, khi chứng kiến người ta đốt rừng để lấy đất xây nhà máy thương mại, phá hủy đa dạng sinh học.
Dù mục đích ban đầu của Green belt không đề cập các yếu tố hòa bình và dân chủ, nhưng bà Maathai nói vấn đề này chỉ là yếu tố thời gian, rằng sẽ không thể quản lý môi trường hiệu quả nếu không có nền dân chủ. "Cho nên hình ảnh cây xanh đã trở thành biểu tượng của đấu tranh vì dân chủ ở Kenya. Mọi công dân được huy động để chống lại tình trạng lạm quyền, tham nhũng và quản lý môi trường yếu kém" - bà Maathai nói.
Ngoài dự án Green belt ở Kenya, bà Maathai còn tham gia dự án bảo tồn lưu vực rừng ở Congo, là khu rừng nhiệt đới lớn thứ hai thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận