07/01/2012 09:00 GMT+7

Phụ huynh trăn trở định hướng nghề cho con

NHÓM PV TTO
NHÓM PV TTO

TTO - Sáng 7-1, chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp “Cùng con chọn nghề” do Bộ GD-ĐT, báo Tuổi Trẻ tổ chức diễn ra tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM).

Phần 1 Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2012: Cùng con chọn nghề
Phần 2 Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2012: Cùng con chọn nghề

Ban tư vấn của chương trình gồm 12 thầy cô, chuyên gia tư vấn, giải đáp những băn khoăn của phụ huynh trước quyết định chọn nghề vào đời của con em.

6mbObxFL.jpgPhóng to
Hai chị em bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ cùng đến buổi tư vấn - Ảnh: Thanh Đạm

Chương trình mang đến cho phụ huynh những thông tin thiết thực nhất về nội dung đào tạo, cơ hội việc làm các ngành nghề cùng những thông tin mới nhất liên quan đến những điểm mới trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2012.

Ngay từ 7g sáng, nhiều phụ huynh đã có mặt tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ. Mỗi người mang một tâm trạng khác nhau nhưng đều cùng băn khoăn trước ngưỡng cửa vào đời của con mình. Đáng chú ý trong buổi sáng hôm nay có cả gia đình đi để tư vấn cho con.

Gia đình ông Nguyễn Văn Minh và bà Huỳnh Thị Thu (Q.Thủ Đức) đã đưa cháu ngoại 18 tháng tuổi đi để nghe tư vấn. Con gái ông Minh, Nguyễn Thu Minh Tâm đang học lớp 12 Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức). Năm nay, Tâm định hướng thi khối A theo các ngành nghiên cứu. Tuy nhiên gia đình chưa biết nên cho Tâm thi ngành nào. Ông Minh tâm sự: “Tôi đến để nghe ban tư vấn giải đáp về những ngành như công nghệ sinh học, y dược thì ra làm gì, ở đâu”.

Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ ở Q.Tân Phú cũng mang những băn khoăn khi cô con gái Trần Khắc Gia Linh (học sinh Trường THPT Mạc Đỉnh Chi, Q.6, TP.HCM) thi ĐH vào năm nay. Bà Lệ nói: “Nhà tôi hướng cho con thi vào ngành tiếng Anh nhưng chưa biết thế nào, mong các thầy cô tư vấn”.

Đúng 8g30, chương trình tư vấn bắt đầu. Mở đầu chương trình, ông Tăng Hữu Phong - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ phát biểu: việc giúp con em lựa chọn ngành nghề là mối quan tâm rất lớn của quý phụ huynh. Do đó, Bộ GD-ĐT và báo Tuổi Trẻ đã dành hẳn một chương trình để tư vấn cho phụ huynh. Chương trình sẽ cung cấp tối đa thông tin cho phụ huynh. Đây là năm thứ 10 chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp đến với học sinh cả nước và là năm thứ hai tổ chức chương trình “Cùng con chọn nghề” dành cho phụ huynh.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cung cấp những thông tin trước kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012. Tiến sĩ Nghĩa cung cấp những điểm lưu ý trước kỳ thi đến các phụ huynh. Ông nói: “Có thể chúng ta sẽ thi ba chung đến 99% (chung đợt thi, đề thi và chung kết quả xét tuyển). Trong chỉ thị của Bộ trưởng về tuyển sinh 2012 vẫn tổ chức kỳ thi ba chung. Việc các trường ĐH lớn tổ chức thi riêng còn xa. Chúng tôi hi vọng khâu xét tuyển Bộ giao cho trường ĐH tự chủ nhưng còn nhiều ràng buộc về điểm sàn, NV2, NV3. Nếu như vậy, học sinh đã quen, nghe và biết như thế nào rồi”.

Chỉ có thay đổi nhỏ về đợt thi. Hai đợt ĐH và một đợt CĐ. Mọi năm đợt một được giữ cố định nhưng năm nay nếu những ngày thi rơi vào ngày thường dẫn đến kẹt xe nên đợt thi diễn ra vào ngày thứ bảy, và chủ nhật còn cụ thể như thế nào tháng 2 sẽ có chính thức.

Thêm cụm thi ở Hải Phòng, thêm cụm thi Vinh. Những thí sinh nào thi vào các trường ĐH tại TP.HCM và thí sinh ở phía Bắc có thể thi tại cụm thi này. Về đề thi, có thay đổi nhỏ là thêm khối A1 (toán, lý, ngoại ngữ). Đây là bổ sung chứ không phải là thay. Thí sinh nào muốn thi khối A1 sẽ thi thêm khối A1. Chúng tôi dự kiến thí sinh thi khối A1 cũng không nhiều vì đã chuẩn bị khối A.

Về xét tuyển dự kiến thay đổi: Các thí sinh đạt giải quốc gia từ giải ba trở lên được tuyển thẳng vào ĐH,CĐ. Nhưng thực tế, thi chọn học sinh giỏi quốc gia diễn ra và đến đầu tháng ba hàng năm mới có kết quả thi. Lúc đó, nhiều em đã nộp hồ sơ đăng ký dự thi rồi. Nhưng các em đạt giải quốc gia thì có thể làm đơn xét tuyển. Nếu các em đi thi ĐH theo hồ sơ đã nộp thì được cộng thêm điểm.

CHWRPkw8.jpgPhóng to
Đông đảo phụ huynh, học sinh tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp “Cùng con chọn nghề” tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Tiến Thành
dlW8pgIS.jpgPhóng to
Bác Nguyễn Văn Thái, 60 tuổi, trú tại quận Thủ Đức, TP. HCM đặt ba câu hỏi với ban tư vấn về vấn đề tuyển sinh, cơ hội nghề nghiệp của sinh viên sau khi ra trường - Ảnh: Tiến Thành

NỘI DUNG TƯ VẤN

* Tôi đang phân vân không biết định hướng cho con theo nghề nào vì cháu không có năng khiếu hay thế mạnh nào nổi trội. Cháu nên chọn ngành nào?

- TS Đinh Phương Duy, chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục TP.HCM: Đây là câu hỏi của nhiều phụ huynh. Hiện nhiều học sinh cũng chưa biết định hướng học và chọn ngành nào phù hợp. Do đó vai trò của phụ huynh là rất lớn. Phụ huynh có thể biết được một số điểm mạnh qua sinh hoạt và học tập hàng ngày của con em mình. Cần xem con mình muốn làm gì.

Phụ huynh cần cố gắng gần gũi với con để cháu bộc lộ sau này muốn làm gì. Khi trao đổi, con bộc lộ ý muốn của mình, phụ huynh qua hiểu biết của mình có thể xem xét ngành nào phù hợp hợp kinh nghiệm sống của gia đình, điều kiện kinh tế và sức học phù hợp với loại hình công việc nào. Đôi khi học sinh có tiềm năng nhưng chưa bộc lộ. Do đó có thể tìm hiểu qua các bài kiểm tra trắc nghiệm sở thích. Từ đó phụ huynh có thể định hướng được ngành nghề phù hợp.

e4zia7d8.jpgPhóng to
TS Đinh Phương Duy, chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục TP.HCM giải đáp các thắc mắc về tâm lý của các phụ huynh, học sinh trong chương trình - Ảnh: Tiến Thành
0GAHnR8n.jpgPhóng to
ThS Lâm Tường Thoại, ĐH Quốc gia TP.HCM tư vấn về ngành học marketing cho một học sinh đã đặt câu hỏi trong chương trình - Ảnh: Tiến Thành

Tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai tiếp lời TS Duy: tôi xin được bắt đầu từ câu chuyện thực tế. Một em học sinh đạt giải quốc gia ngành tiếng Anh và rất thích ngành này nhưng gia đình “ép” phải theo quản trị kinh doanh. Sau khi học được một năm, em tâm sự không thể nào theo học tiếp ngành này được. Em xin chuyển từ Trường ĐH Quốc tế sang Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn. Về quy chế thì không có cho chuyện này. Nhưng chúng tôi giải quyết bằng các nếu các em thấy không phù hợp với ngành này có thể chuyển qua ngành khác. Tuy nhiên, phải qua một hội đồng kiểm tra giữa hai trường.

Qua câu chuyện trên có thể thấy phụ huynh hãy để cho con em muốn chọn ngành theo các em thích. Cha mẹ hãy để con em mình nói ra những điều các em mong muốn và đưa ra hướng chọn cùng em. Bên cạnh đó, cùng một ngành học nhưng vị trí việc làm rất nhiều nên không nên bó buộc các em vào một ngành nào đó. Những con đường nghề nghiệp có rất nhiều hướng rẽ.

Thứ ba, nhu cầu nhân lực trong tương lai chỉ có tính chất tham khảo tương đối chứ không phải là quyết định. Cuối cùng, tại TP.HCM chúng ta có thể cùng con em đến các trường ĐH tham gia tìm hiểu các ngành nghề tại trường. Hiện các trường có ngày hội “mở” để giới thiệu ngành nghề, cơ sở vật chất của trường nên phụ huynh cùng con đến để tìm hiểu kỹ hơn.

* Có một số em hộ khẩu ở quê và chỉ thích làm giáo viên. Nhưng có thông tin không có hộ khẩu ở TP.HCM sẽ không được học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM?

- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Hàng năm Bộ GD-ĐT có phát hành cuốn những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ với chỉ tiêu, khối, vùng tuyển của các trường. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các trường đều có vùng tuyển sinh cả nước. Riêng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tuyển sinh cả nước. Năm 2012, Bộ GD-ĐT sẽ không phát hành cuốn những điều cần biết, việc công bố thông tin năm nay sẽ do các trường tự công bố. Do đó, phụ huynh cần theo dõi thông tin về tuyển sinh của các trường từ website.

lo9irkv7.jpgPhóng to
Một phụ huynh đặt câu hỏi cho ban tư vấn - Ảnh: Thanh Đạm
vRIlHWat.jpgPhóng to
Phụ huynh đặt câu hỏi cho ban tư vấn - Ảnh: Thanh Đạm

* Một phụ huynh hỏi: Năm nay Bộ GD-ĐT không in cuốn “Những điều cần biết…”, nếu lên mạng tất cả hệ thống các trường thì…mệt lắm. Tôi không hiểu sao Bộ GD-ĐT lại không in quyển này đó là chưa kể vùng sâu, vùng xa nông dân họ biết gì về mạng đâu? Thứ hai, tôi muốn hỏi giả sử năm nay vẫn dùng cuốn năm trước để tìm hiểu có được không?

- TS Huỳnh Thanh Hùng: In Những điều cần biết…thí sinh phải mất tiền mua nhưng chỉ sử dụng được một lần. Cuốn cũ không dùng được vì hầu hết mã ngành đều thay đổi. Không sử dụng được để làm hồ sơ đăng ký dự thi. Thí sinh chú ý có nhiều nguồn thông tin là website của trường về ngành, khối thi, mã ngành…Bộ GD-ĐT cũng lập website chung để đưa tất cả các thông tin này. Với học sinh vùng sâu, vùng xa Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm tải những thông tin này và gởi đến thí sinh nên các phụ huynh, thí sinh yên tâm.

* Con gái tôi học chuyên toán Nguyễn Hữu Huân, Thủ Đức. Cháu thích ngành công nghệ sinh học nhưng lo lắng về cơ hội việc làm sau này. Quan niệm chọn cuộc sống sau này rồi mới chọn nghề, tôi khuyên cháu chọn ngành ngân hàng có được không? Cho hỏi sự khác biệt giữa ngành kế toán và tài chính ngân hàng?

- TS Lê Thị Thanh Mai: Ngành Công nghệ sinh học phù hợp cho cả nam và nữ. Ngành này liên quan đến nhiều lĩnh vực của cuộc sống như môi trường, thực phẩm, y dược... Nếu chọn chuyên về y dược có thể làm việc trong bệnh viện hoặc nghiên cứu. Cơ hội việc làm ngành này rất nhiều. Nếu khá tiếng Anh thì cơ hội việc làm sẽ nhiều hơn. Mức lương có thể từ 5 triệu/tháng trở lên. Tuy nhiên ngành học này đòi hỏi người học phải đam mê bởi có đam mê mới có thể khám phá và theo đuổi nghề. Hai ngành CNSH và tài chính ngân hàng đòi hỏi các tố chất hoàn toàn khác nhau, nên phụ huynh cần cân nhắc kỹ.

6RGz8vX2.jpgPhóng to
Tiến sĩ Lê Thị Thanh Mai tư vấn cho phụ huynh và học sinh - Ảnh: Thanh Đạm

- ThS Trần Thế Hoàng: Tài chính ngân hàng là lĩnh vực đang phát triển rất mạnh. Rất nhiều trường ĐH đào tạo ngành này. Tuy nhiên, để đảm bảo được việc làm đúng như hoài bão của gia đình và bản thân (công việc ổn định, thăng tiến, lương cao) thì cần cân nhắc. Bởi ngành này khi làm viêc không hề nhẹ nhàng, phải nỗ lực không ngừng. Trường ĐH chỉ cung cấp kiến thức nền tảng. Khi vào làm việc phải đầu tư kiến thức chuyên sâu cho ngành này. Phụ huynh không nên nặng nề bắt học sinh phải chọn ngành nào bởi sở thích có thể thay đổi theo thời gian hoặc vị trí công việc.

* Một phụ huynh hỏi: Qua nhiều năm tư vấn tuyển sinh, thầy cô có thể cho biết những sai lầm có thể mắc phải khi chọn ngành nghề?

- TS Nguyễn Kim Quang: Mong muốn của học sinh ở năm lớp 12, mỗi em có sự bộc lộ khác nhau, không xuất phát từ bản thân mà còn bạn bè, dư luận xã hội. Do đó, việc chọn ngành thi của các em cũng bị “nhiễu”. Nhiều em khi trúng tuyển vào rồi thấy không vừa lòng với lựa chọn của mình bởi các em muốn làm vừa lòng cha mẹ, chọn ngành “hot” theo bạn bè.

Hiện nay, quá trình đào tạo của chúng ta rất thuận lợi cho thí sinh chuyển đổi ngành nghề, học thêm văn bằng hai. Bên cạnh đó, một số ngành là nền tảng để phát triển những ngành khác. Chẳng hạn như một em học ngành toán cơ bản nhưng muốn học thêm kinh tế học rất tốt vì có nền tảng tốt, tư duy khoa học. Những ngành mà các em theo học cũng là những kiến thức bổ ích để theo tiếp các ngành khác. Nên đây chưa hẳn là một sai lầm mà hãy xác định lại và học thêm những ngành khác. Tôi cũng đã gặp một số em chọn lại đến 4-5 lần nhưng chưa đạt được ý muốn. Tóm lại, chúng ta mong rằng các em có được ngành phù hợp năng lực, khả năng và đạt được mức lương như mong muốn.

* Con học khá khối D1, định chọn ngành marketing. Ngành này có yêu cầu gì về năng lực của người lao động?

ThS Lâm Tường Thoại: Học lực không liên quan đến việc chọn ngành nghề mà học lực khá liên quan đến việc chọn trường. Học lực này nên chọn trường nào cho phù hợp. Ngành này có rất nhiều trường đào tạo. Có 4 chữ: sản phẩm, giá cả, phân phối và quảng cáo khuyến mãi. Do đó ngành này rất rộng nên cần xác định rõ mình thích cái nào để chọn chuyên về yếu tố nào. Có trường đào tạo marketing tổng hợp hoặc đào tạo chuyên sâu theo chuyên ngành. Cơ hội việc làm của ngành này khá lớn bởi công ty, đơn vị nào cũng cần quảng bá sản phẩm của mình. Người làm marketing phải có khả năng ăn nói, giao tiếp, tư duy sáng tạo. Đó là các yêu tố cơ bản.

* Con tôi là con gái có nên học ngành kỹ thuật hay không, có cần năng khiếu gì hay không?

- PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Với các ngành kỹ thuật như cơ khí, chế tạo máy…rất ít nữ theo học. Tại trường tôi, trong 80 em thì chỉ có 5-6 em nữ. Tuy nhiên, trong xu thế hiện nay số lượng nữ có tăng lên. Trong những năm gần đây, kỹ sư không phải làm những công việc chân tay nữa mà làm những công việc điều khiễn kỹ thuật cao. Do đó, ngành kỹ thuật đang xóa đi ranh giới giữa nam và nữ. Nữ học kỹ thuật cơ hội việc làm rất cao. Tại trường tôi, những em nữ học về ngành kỹ thuật ôtô thì các công ty đến đặt hàng rất nhiều. Bởi các em có kỹ thuật thì làm trong dịch vụ ôtô rất tốt.

- TS Nguyễn Văn Thư: Trường kỹ thuật có sinh viên nữ khá ít. Tuy nhiên, nếu nữ học ngành kỹ thuật cũng có nhiều ưu thế. Với những ngành khô khan như cầu đường, những em nữ có cơ hội rất lớn. Khi đi thực tập các bạn nữ được ưu tiên và xin việc rất dễ. Trường kỹ thuật cũng có nhiều ngành phù hợp với nữ như kinh tế xây dựng, kinh tế ôtô…có rất nhiều nữ theo học. Những ngành này đào tạo chuyên về quản trị dự án nên cơ hội việc làm của các em rất tốt.

* Hiện con trai tôi có khuynh hướng chọn ngành kiến trúc. Năm nay nghe nói trường sẽ thay đổi môn thi. Điều này có áp dụng trong năm nay hay không? Nếu không trúng tuyển ĐH Kiến trúc TP.HCM có thể học ngành này ở trường nào?

- TS Nguyễn Đức Nghĩa: ĐH kiến trúc thường thi 3 khối A, V, H. Năm nay trường vẫn phải thi theo khối này còn bổ sung khối nào do trường thông báo nhưng vẫn phải thi các khối cũ. Nếu không trúng tuyển có thể xét tuyển NV2 vào ngành kiến trúc ở một số trường như Tôn Đức Thắng, Văn Lang...

* Một học sinh: Con có một niềm đam mê với nghề bếp và có một ít năng khiếu về nấu nướng. Vấn đề là con học chuyên khối A ba năm rồi. Bố mẹ phản đối quyết liệt nên mong quý thầy cô cho con một lời khuyên?

- PGS Đỗ Văn Dũng: Ngành kỹ thuật nữ công (nay đổi thành kinh tế gia đình) có nghề bếp, cắm hoa, cắt may… Hiện nay, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM tuyển vào ngành này không đủ chỉ tiêu vì nhiều lý do và gần như thi là đậu. Một hướng nữa là một số trường đào tạo kỹ thuật nhà hàng, khách sạn tại các trường dân lập nhưng học phí hơi cao hơn các trường công lập.

safPcZha.jpgPhóng to
Trả lời thắc mắc cho thí sinh và phụ huynh - Ảnh: Thanh Đạm
lpvqeaY2.jpgPhóng to
Tiến sĩ tâm lý Đinh Phương Duy tư vấn cho học sinh - Ảnh: Thanh Đạm

- TS Đinh Phương Duy: Cách đây hai năm tại Cần Thơ, có ông ngoại dắt cháu đi nghe tư vấn tuyển sinh. Nhà này toàn tiến sĩ, thạc sĩ nhưng em này lại thích đi làm bếp. Lúc đó, tôi dẫn ra nhiều tiến sĩ, thạc sĩ cũng rất thành công bắt đầu từ nghề bếp. Nhiều người khác làm doanh nhân thành đạt cũng từ những công việc tưởng chừng không ai để ý. Những việc này là nền tảng để học vươn lên trong cuộc sống.

Gần đây, trong bảy công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM có tuyên dương một công dân bắt đầu từ trường trung cấp du lịch nghề bếp. Nghề nào cũng quý nếu chúng ta yêu thích và đam mê với ngành này. Ngành nào cũng quý nếu chúng ta biết khai thác, phát huy thế nào để thành công và có cuộc sống hạnh phúc.

* Con tôi học trội Anh văn nên gia đình muốn cháu thi ngành Anh văn. Cháu nên chọn ngành nào, trường nào?

- TS Phạm Tấn Hạ: Học sinh khá Anh văn, nếu thích học Anh văn thì có rất nhiều trường đào tạo. Vấn đề là chọn trường nào? Học sinh xem khả năng mình thi được bao nhiêu điểm, căn cứ vào điểm chuẩn một số năm trước để chọn trường phù hợp. Học sinh khá Anh văn và toán có thể chọn thi khối D1. Khối này có rất nhiều ngành đào tạo như Anh văn, quan hệ quốc tế... Cần dựa vào năng lực và sở thích của mình để chọn trường và ngành phụ hợp. Mỗi trường đều có thế mạnh riêng, học sinh cần cân nhắc và tìm hiểu kỹ trước khi quyết định chọn trường.

* Trường nào, ngành nào dễ đậu?

- ThS Lê Văn Hiển: Trước tiên, phụ huynh, thí sinh nên tham khảo ngành nghề mình yêu thích trường nào đào tạo. Sau đó, tham khảo điểm chuẩn của trường đó bao nhiêu và năng lực của mình ở mức nào để chọn trường phù hợp. Chọn đúng “hạng cân” của mình thì cơ hội trúng tuyển sẽ cao.

- TS Lê Thị Thanh Mai: Tôi xin trả lời câu hỏi sáu từ của thí sinh bằng sáu từ: “Ngành thích, điểm thấp, lương cao”

* Con tôi có học lực khá giỏi, có nguyện vọng thi vào bác sĩ đa khoa nhưng chưa biết Trường ĐH Y Dược TP.HCM giống và khác Trường ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch như thế nào?

- Ths.BS Trương Tấn Trung: Nếu con em mình có học lực khá, giỏi và đam mê ngành bác sĩ đa khoa nên khuyên các cháu dự thi vào ngành y đa khoa. Còn việc chọn Trường ĐH Y Dược TP.HCM, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch hay khoa Y ĐH Quốc gia thì những trường này có chương trình đào tạo giống nhau. Chỉ khác những điều sau đây: Trường ĐH Y Dược TP.HCM, khoa Y ĐH Quốc gia TP.HCM tuyển sinh cả nước còn Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch chỉ tuyển những bạn có hộ khẩu TP.HCM.

* Con gái tôi học giỏi toán lý, khá cá tính, muốn thi vào ngành QTKD. Không biết ngành này ra trường có dễ xin việc làm hay không để cháu có thể tự lực cánh sinh?

- TS Trần Thế Hoàng: Nữ chọn thi nhóm ngành kinh tế rất phù hợp. Tỷ lệ sinh viên nữ trường ĐH Kinh tế TP.HCM khá cao. Bước vào trường ĐH không thể tự mãn, phải liên tục cố gắng và nỗ lực. Trong ngành QTKD có nhiều chuyên ngành khác nhau như QTKD tổng hợp, kinh doanh quốc tế, ngoại thương... Phụ huynh có thể tư vấn cho con em mình để chọn ngành hay chuyên ngành phụ hợp.

* Nghe nói năm nay có việc tích hợp điểm của các khối thi có đúng không, tích hợp thế nào?

- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Đây là ý kiến của Bộ GD-ĐT nhưng sẽ rất khó làm được việc này. Chắc chắn các trường sẽ không làm được vì về mặt kỹ thuật rất khó. Do đó năm nay sẽ chưa thể thực hiện việc này.

* Một phụ huynh hỏi: Con tôi là con gái, có cá tính, có khả năng nói, ngoại hình tương đối. Cháu học khối A, cháu rất thương thú vật. Cháu vừa thích luật lại vừa thích ngành thú y nhưng nghe nói ngành thú y chắc nghèo lắm. Cháu cũng nói là ngành thú y lại làm việc ở rừng và xa gia đình. Giữa luật và thú y nên cho cháu theo ngành nào?

- PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng: Ngành bác sĩ thú y của Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM đào tạo trong 5 năm. Tốt nghiệp ngành này, học sinh có thể làm việc tại các cơ quan nhà nước. Ngoài đó, cũng có thể làm thêm ở những nơi chữa bệnh cho chó, mèo. Các thầy cô ở trường, ngoài thời gian ở trường còn có phòng mạch chữa bệnh thú y. Ngoài ra, có thể làm những việc như kiểm dịch vật nuôi. Ngành này không nhất thiết phải lên núi mà ở thành phố làm rất tốt.

- ThS Lê Văn Hiển: Hai lĩnh vực này khá trái ngược nhau, về phần luật ở trình độ đại học chỉ trang bị kiến thức nền tảng. Các bạn tốt nghiệp công tác tại tòa, viện kiểm sát, công chứng…Ngoài ra, có lĩnh vực khác nữa là tư vấn pháp luật. Chị nói cháu có khả năng giao tiếp, tiếng Anh tốt nên có thể làm tốt và thu nhập cao.

LG8fSPBT.jpgPhóng to
Phụ huynh chăm chú theo dõi, ghi chép những giải đáp thắc mắc của ban tư vấn tuyển sinh - Ảnh: Tiến Thành
ouKj1MTh.jpgPhóng to
ThS Lê Văn Hiển giải thích về sự quan trọng của sở thích và năng lực của thí sinh cho câu hỏi thú vị “Thi ngành nào dễ đậu nhất”? - Ảnh: Tiến Thành
wizpF11O.jpgPhóng to
Bác Nguyễn Văn Sơn, 52 tuổi, sống tại Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đặt câu hỏi về vấn đề cho con du học nước ngoài - Ảnh: Tiến Thành

* Con gái tôi học Anh văn giỏi, văn khá, hóa và lý khá. Tôi muốn con thi vào ngành hàng không nhưng con muốn thi vào ĐH Tài nguyên môi trường. Không biết vì sao học lực vậy mà sao cháu lại thích thi vào trường này?

- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng: Trường ĐH Tài nguyên môi trường TP.HCM trực thuộc Bộ Tài nguyên môi trường. Trường vừa được nâng cấp lên ĐH năm 2011. Các ngành của trường này là trắc địa, tài nguyên, môi trường, địa chính....

Nhiều trường ĐH khác tại TP.HCM cũng đào tạo các ngành này. Khi ra trường có thể làm ở phòng quản lý đô thị, phòng tài nguyên môi trường, xử lý môi trường ở các khu công nghiệp. Quản lý đất đai có thể làm ở sở tài nguyên môi trường, giải quyết các vấn đề liên quan đến lĩnh vực đất đai. Gia đình và học sinh cân nhắc xem các lĩnh vực công việc này phụ hợp với sở thích và năng lực của mình hay không trước khi quyết định.

* Con tôi đang học lớp 10, tôi muốn xin một vài ý kiến: Theo trào lưu bây giờ là cho con đi du học nước ngoài, tôi không biết có phù hợp hay không. Nếu cho con đi du học sẽ chuẩn bị những nước nào?

- TS Lê Thị Thanh Mai: Việc định hướng cho các cháu đi du học là khả năng tài chính của gia đình, tìm hiểu các trường sẽ dự định theo học xem được kiểm định chưa. Dù học trong hay ngoài nước cũng phải chú ý đến khả năng phù hợp với ngành nghề của các em. Các ĐH nước ngoài rất khắt khe việc này, nếu các em không thuyết phục được việc đam mê, yêu thích ngành học sẽ rất khó được cấp visa để đi học. Ngoài ra, ngay từ bây giờ có thể học thêm tiếng Anh để chuẩn bị.

- PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng: Các trường ĐH đang có nhiều chương trình liên kết vừa học ở Việt Nam vừa học ở nước ngoài. Học để tiết kiệm chi phí cho gia đình vì năng lực tiếng Anh chưa đủ nên cần bồi dưỡng thêm cho các em ở Việt Nam. Rất nhiều trường ĐH có chương trình này. Bên cạnh đó, các chương trình tiên tiến của các trường cũng có thể được cấp bằng ở nước ngoài. Chương trình này dạy 100% tiếng Anh, toàn bộ chương trình nước ngoài, giáo viên nước ngoài sang dạy. Chương trình này được Bộ GD-ĐT hỗ trợ nên chi phí khoảng 20-25 triệu đồng/năm.

- TS Đinh Phương Duy: Ngoài chuẩn bị tài chính, vẫn chú ý thêm những vấn đề “xung đột” về văn hóa, thói quen. Nếu không chuẩn bị nền tảng về con người để tiếp thu những tiên tiến ở nước ngoài sẽ “lơ lơ lửng lửng”. Do đó, đây là vấn đề cần chú ý cân nhắc chuẩn bị tâm lý cho các em.

* Gia đình em nhiều người theo ngành Sư phạm, mọi người khuyên em thi ngành này cho nhẹ nhàng nhưng không biết mình có phù hợp không?

- TS Đinh Phương Duy: Gia đình em theo ngành sư phạm, đó là một lợi thế nếu em theo ngành này. Vì chính cuộc sống nghề nghiệp của người thân diễn ra trước mắt mình hàng ngày. Cũng lưu ý em rằng sư phạm không hẳn là nghể nhàn hạ. Quan trọng là bản thân em có hợp với ngành nghề này không. Để có thể làm tốt ngành sư phạm, em cần xác định mình có năng lực sư phạm không, có thể nói tốt trước HS không, thương yêu học trò không, có dễ dàng nắm bắt tâm lý HS không, có khả năng thuyết phục không.

* Ngành tài chính - ngân hàng và kế toán khác nhau thế nào?

- TS. Trần Thế Hoàng: Ngành tài chính ngân hàng sẽ dạy các nghiệp vụ về ngân hàng. Sinh viên ra trường sẽ làm việc tại các ngân hàng. Nhưng không phải các ngân hàng chỉ tuyển sinh viên ngành tài chính ngân hàng. Trong ngân hàng có rất nhiều ngành. Sinh viên tốt nghiệp ngành kế toán vẫn có thể làm việc trong các ngân hàng. Ngành kế toán đào tạo các kiến thức liên quan tới kế toán, kiểm toán tại các doanh nghiệp.

* Con tôi chỉ biết ăn rồi học thôi, cái chén cháu cũng không rửa nên tôi băn khoăn không biết cháu có thể tự lập trong chọn ngành, chọn trường để theo học.

- TS Đinh Phương Duy: Anh phải tạo điều kiện cho cháu quan tâm đến gia đình như nhờ cháu mua đồ gì, nấu cho ba tô mì…để tạo sự gắn kết cha con, mẹ con trong gia đình. Về mặt giới tính, cha con cũng có thân thuộc nhưng không phải có chuyện nào cũng kể cho cha nghe được. Trong việc chọn trường, nếu cháu thụ động anh có thể in ra, tải xuống để cho con xem. Hai cha con cùng làm, tạo sự tương tác sẽ dễ dàng cho cha con hơn.

Hình ảnh người mẹ cũng quan trọng, làm cho các cháu thấy được tình thương của gia đình. Bên cạnh đó, anh cũng nên “nhào vô” sở thích của con để tăng tính tương tác giữa gia đình. Anh cũng không nên lo lắng lắm vì đôi khi cháu cũng xác định rồi nhưng chưa nói ra với anh thôi.

* Con tôi học các môn khối A đều trên 8 điểm, như vậy có đủ sức thi ĐH các trường khối kinh tế? Điểm chuẩn của trường ĐH Kinh tế TP.HCM năm tới có cao hơn năm vừa qua không?

- TS. Trần Thế Hoàng: Với sức học như vậy là tốt, đủ sức thi ĐH. Hiện ĐHQG TP.HCM có một số đề thi ĐH, thí sinh có thể thi thử xem sức của mình tới đâu. Điểm chuẩn được xác định trên chỉ tiêu và điểm của thí sinh. Điểm chuẩn cao thấp thường phụ thuộc vào chất lượng của thí sinh từng năm, thí sinh giỏi điểm chuẩn sẽ cao và ngược lại.

* Thưa thầy, học ngành tâm lý ở đâu và ra trường làm gì?

- TS Đinh Phương Duy: Học tâm lý ở TP.HCM có ba trường là ĐH Sư phạm TP.HCM (đào tạo chuyên viên tâm lý, giáo viên), Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (đào tạo chuyên viên tâm lý) và Trường ĐH Văn Hiến. Những người này sẽ ra tư vấn tâm lý về tình yêu, xã hội, tư vấn nhân sự cho các công ty, tổ chức nhà nước. Cũng có thể làm công tác nghiên cứu, ứng dụng về tâm lý học.

Ngoài ra, những trường học cũng có chuyên viên tâm lý nên nhiều sinh viên ra trường có thể làm ở đây. Khó khăn là nghề tâm lý không rõ ràng vì “còn mông lung”. Tuy nhiên, giáo viên tâm lý học đường hiện rất rõ ràng. Bên cạnh đó, có thể làm công việc chuyên viên tâm lý và hiện tại rất nhiều người làm ở lĩnh vực này.

* Làm sao để giải tỏa mâu thuẫn chọn ngành nghề giữa con cái và bố mẹ?

- TS Đinh Phương Duy: Việc chọn lựa ngành nghề là việc của chính các em. Mặc dù cha mẹ lúc nào cũng muốn điều tốt cho con mình nhưng nếu mong muốn của người thân và ước mơ của mình không trùng khớp nhau thì chính các em phải quyết định. Để thuyết phục được bố mẹ, ngoài việc tham khảo thêm ý kiến nhiều người xung quanh (thầy cô, bạn bè), các em cũng cần thử khảo sát xem mình hợp ngành nghề nào. Sau đó mới có đủ thông tin để trình bày lý do chính đáng vì sao mình chọn nghề đó, triển vọng nghề đó như thế nào... để thuyết phục bố mẹ.

* Em rất thích một ngành nhưng sợ không đủ sức thi đậu?

- TS Đinh Phương Duy: Em có thể làm thử đề thi, xem mình được khoảng bao nhiêu điểm, có thể đậu vào những nhóm ngành nào? Không chỉ thích là đủ. Thích nhưng sức mình không thể đậu được phải tính cách khác. Cùng một ngành nghề, có nhiều trường đào tạo, có nhiều bậc học từ ĐH, CĐ đến trung cấp, học nghề. Nếu không đủ sức vào ĐH, có thể chọn những bậc học thấp hơn. Sau này em vẫn có thể học lên cao theo dạng liên thông.

* Giữa yêu cầu của gia đình và sở thích của bản thân thì nên chọn vế nào?

- TS Đinh Phương Duy: Chúng ta có thể tham khảo ý kiến người lớn nhưng sự quyết định cuối cùng là của mình. Để sư chọn lựa của mình không làm cha mẹ phiền lòng, tạo sự căng thẳng trong gia đình, trước hết em cần chứng minh cho cha mẹ biết sự chọn lựa của mình là có cơ sở. Giải thích cho cha mẹ nghe những thông tin về ngành nghề mình yêu thích. Cuối cùng là chọn dịp nào nói chuyện, thương lượng với bố mẹ. Hãy chọn dịp thuận lợi để trình bày chứ không nên bướng bỉnh cho rằng mình đúng.

* Một phụ huynh trước kia làm giáo viên cho biết thực tế không thể “truyền lửa” lại cho con. Phụ huynh này nói trước đây, chị đi dạy học trò quây quần, nên rất vui. Phụ huynh này hỏi: Nếu con theo sư phạm chỉ thấy được những “hào quang” của nghề, tôi đang băn khoăn quá không biết có nên cho con theo sư phạm tiếng Anh hay không?

- TS Phạm Tấn Hạ: Sư phạm bây giờ khác với thế hệ chị trước đây. Nếu cháu thích, cứ để cháu mạnh dạn theo. Ấn tượng của nghề chị theo đã tạo cho cháu một ấn tượng rất đẹp. Nếu cháu theo nghề, sau khi tốt nghiệp cháu sẽ học thêm để có thể dạy bậc ĐH, CĐ. Quan trọng là cháu sống thoải mái, theo những điều gì cháu thích. Bất kỳ ngành nghề nào cũng có “hào quang” và phía sau của nó. Mình sẽ phân tích cho cháu hiểu được điều này. Điều đầu tiên là theo đam mê, giới trẻ bây giờ không đam mê thì không học được. Khi cháu đã chọn gì đó rồi mà không phải theo đam mê của mình thì cháu không thể học được. Mình không nên ép cháu theo một ngành nào đó mà cháu không thích. Quan trọng là cháu có chọn con đường đó là lối đi của cháu hay không.

* Trường ĐH Kinh tế TP.HCM thường lấy điểm chuẩn trúng tuyển chung cho tất cả các ngành. Vậy việc đăng ký tuyển sinh theo ngành có ý nghĩa gì?

- TS. Trần Thế Hoàng: Đúng là Trường ĐH Kinh tế TP.HCM lấy điểm chuẩn trúng tuyển chung cho tất cả các ngành đào tạo của trường. Việc yêu cầu thí sinh làm hồ sơ đăng ký dự thi phải chọn một ngành học nào đó chỉ mang tính tham khảo. Sau khi trúng tuyển, thí sinh học ba học kỳ sau đó chọn một ngành nào đó phù hợp. Các ngành học của trường sẽ đưa ra điều kiện tuyển chọn sinh viên. Sinh viên dựa vào kết quả học tập của mình để đăng ký vào những ngành học phù hợp năng lực của mình.

* Sức học của em chỉ ở mức trung bình, xin thầy cô cho em lời khuyên nên thi ĐH hay học trung cấp rồi liên thông lên ĐH? Xin cho em biết những quy định mới về tuyển sinh liên thông.

- PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng: Nếu cảm thấy không tự tin với sức học của mình thì bạn nên đăng ký học trung cấp sau đó hoàn toàn có thể học liên thông lên ĐH. Bộ GD-ĐT vừa đưa ra trong dự thảo quy định “Đào tạo liên thông trình độ ĐH, CĐ”. Theo đó, để được đào tạo liên thông từ trung cấp và CĐ lên trình độ ĐH chính quy, thí sinh phải tham dự cùng kỳ thi tuyển sinh ĐH hệ chính quy theo quy chế tuyển sinh CĐ, ĐH chính quy hiện hành theo các khối đăng ký dự thi, chứ không được thi theo kỳ thi riêng của các trường tự tổ chức như trước đây.

Bộ GD-ĐT tạo điều kiện cho SV học liên thông trình độ ĐH chính quy được miễn giờ lên lớp các môn đã học. Tuy nhiên, SV liên thông vẫn phải bảo đảm thi toàn bộ các môn học chuyên ngành cùng với SV hệ chính quy của năm thứ 3 theo niên chế hoặc theo số lượng tín chỉ.

* Con tôi thích thi khối A vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM và khối D vào Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn. Cháu thích phân tích tâm lý con người và muốn học song song hai ngành này. Tôi băn khoăn quá?

- TS Phạm Tấn Hạ: Nhiều em đang phân vân không biết nên chọn trường nào nên con chị đã xác định được là điều đáng mừng. Tuy nhiên, cháu phải xác định nên học ngành nào trước, ngành nào sau vì nếu học song song hai ngành sẽ không phân phối được về thời gian. Khi đi vào chuyên ngành sẽ rất khó khăn. Hiện xu hướng học văn bằng hai tương đối nhiều nên chị yên tâm.

Có nhiều em có thiên hướng xã hội rất nhiều nhưng khi học xong lại thấy mình không phù hợp. Khả năng quan sát, phân tích, ứng xử của cháu rất tốt như chị nói là rất hay. Nếu cháu đã định hướng như vậy thì được chứ không có vấn đề gì hết. Cháu nên xác định sau khi học xong sẽ làm công việc gì thì mới chọn được ngành phù hợp. Trong lãnh vực kinh tế, có thể những người chuyên về tâm lý, nhân sự vẫn liên quan đến tâm lý. Làm kinh tế, muốn thành công phải rất giỏi về tâm lý như tâm lý bán hàng, tâm lý giao tiếp.

* Một học sinh hỏi: Em muốn học ngành quan hệ quốc tế nhưng chưa biết chọn trường nào?

- TS Phạm Tấn Hạ: Nếu em thực sự thích học về quan hệ quốc tế thì có thể tìm hiểu ở những trường đào tạo như ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), Trường ĐH Sư phạm TP.HCM (ngành quốc tế học) và Trường ĐH Ngoại ngữ - tin học TP.HCM. Ở mỗi trường chương trình đào tạo giống nhau khoảng 70%, còn lại là thế mạnh riêng của từng trường.

* Ngành báo chí cần những tố chất gì?

- TS Phạm Tấn Hạ: Ngành này cần năng khiếu về viết lách và phụ thuộc nhiều vào khả năng quan sát, xử lý và nhìn nhận tình huống. Trường sẽ dạy cho em kỹ năng làm báo như viết tin tức, phóng sự, truyền hình, kỹ năng làm MC, biên tập viên… Đa số sinh viên thích ngành này nhưng áp lực công việc rất lớn.

Tuy nhiên, những người không học báo cũng có thể làm báo được. Chẳng hạn em thích học tiếng Anh, sau đó có thể làm biên dịch tin tức cho cơ quan báo chí, sau đó học thêm văn bằng hai về báo chí. Nói tóm lại, học nhiều ngành khác cũng có thể làm báo được.

--------------------

Đến 11g30, chương trình tư vấn kết thúc nhưng một vài học sinh, phụ huynh vẫn nán lại khu vực tư vấn riêng để nhờ ban tư vấn giải đáp những băn khoăn trong việc chọn ngành, nghề trong kỳ tuyển sinh sắp tới. TS Đinh Phương Duy, ThS Lâm Tường Thoại, Bác sĩ Trương Tấn Trung… giải đáp đến câu hỏi cuối cùng cho thí sinh, phụ huynh.

Ban tư vấn chương trình "Cùng con chọn nghề":

1. TS Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM2. PGS TS Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM3. PGS TS Đỗ Văn Dũng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM4. TS Nguyễn Văn Thư, hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM5. TS Lê Thị Thanh Mai, ĐH Quốc gia TP.HCM6. TS Nguyễn Kim Quang, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM)7. TS Phạm Tấn Hạ, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM)8. TS Trần Thế Hoàng, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM9. ThS Lê Văn Hiển, Phó Phòng Đào tạo trường ĐH Luật TP.HCM10. ThS Trương Tấn Trung, ĐH Y dược TP.HCM11. ThS Lâm Tường Thoại, ĐH Quốc gia TP.HCM12. TS Đinh Phương Duy, chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục TP.HCM

NHÓM PV TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên