Chân dung mẹ VNAH Hồ Thị Thang qua nét họa của họa sĩ Đặng Ái Việt |
Trong cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta, đồng chí Phan Đình Vinh đã anh dũng hi sinh vào ngày 8-12-1967. Đồng chí Vinh mất đi, Tổ quốc và nhân dân mất đi một người con trung hiếu, đơn vị mất đi một người đồng chí, gia đình mất một người thân yêu... |
(giấy báo tử của liệt sĩ Phan Đình Vinh) |
Mẹ Hồ Thị Thang, 92 tuổi, ngồi bần thần trước bàn thờ, nơi đặt ba tấm bằng Tổ quốc ghi công của ba liệt sĩ: Phan Hội, Phan Đình Vinh và Phan Đức Vĩnh.
Cái giỗ lần thứ 48 của chồng và con trai đã qua được hai tháng nhưng trên bàn thờ mấy cành hoa quả và bó nhang vẫn luẩn quẩn khói hương.
Chồng con và Tổ quốc
Quảng Nam - Đà Nẵng những năm 1964, gia đình mẹ Thang lúc ấy nằm ngay trong vùng chiến sự ác liệt của miền Trung. Mẹ sinh được tất cả bảy người con. Khi chiến tranh ập đến, bom đạn giội tới làng, mẹ động viên chồng mình là ông Phan Hội ra chiến trường rồi một mình ở nhà nuôi con.
“Lúc đó anh em chúng tôi còn nhỏ, bố công tác bí mật ở mặt trận xã nên ở nhà một tay mẹ lo hết. Trồng được củ khoai, hạt gạo nào mẹ cũng dành ra rồi ban đêm mang cho bộ đội” - bà Phan Thị Bốn, con gái thứ tư của mẹ Thang, nhớ lại.
Hai năm kể từ ngày ông Phan Hội - chồng mẹ - đi theo cách mạng, con đầu của mẹ là anh Phan Đình Vinh cũng lên 17 tuổi.
Một tay mẹ nuôi Vinh lớn lên, chuyện đi bộ đội là chấp nhận một mất một còn nhưng thấy bom nổ ngay kề bên làng mình mỗi ngày, mẹ sốt ruột bảo Vinh: “Con mạnh dạn vào chiến trường, ở nhà một mình mẹ tự lo được cho các em. Nếu có gặp cha con thì viết thư về cho mẹ biết để an lòng”.
Nghe lời mẹ, năm 1964 anh Vinh - người con trai cả của mẹ - cầm súng theo lứa thanh niên trẻ của làng vào trận, chiến đấu ở khu vực xã Bình Dương (huyện Thăng Bình, Quảng Nam).
Ba năm sau đó, mùa đông 1967, một người đưa tin tìm về Thăng Bình gặp mẹ báo tin anh Phan Đình Vinh đã hi sinh. Mẹ Thang nghe tin chỉ biết sững sờ bật khóc.
“Tui không còn nhớ năm đó thằng Vinh bao nhiêu tuổi, nhưng nghe người ta nói chết nhiều lắm, cả tiểu đội của nó” - mẹ Thang vừa nói vừa lần giở tấm giấy báo tử của Quân khu 5 gửi về cho mẹ, đó là kỷ vật duy nhất mà mẹ giữ được về người con của mình đã hi sinh vì Tổ quốc 50 năm về trước.
Giấy báo tử của liệt sĩ Phan Đình Vinh |
2 năm tiễn đưa, 3 lần đau đớn
Bà Bốn cho biết khi con trai đầu hi sinh, mẹ Thang đã khóc rất nhiều. Anh Vinh là con trai lớn nhất trong gia đình, giúp mẹ nuôi em trong những ngày cha đi biền biệt. Ngày anh mất, mẹ lập ngay bàn thờ để mỗi ngày thắp nhang cho con.
Trước khi anh Vinh hi sinh, cả nhà có chụp chung với nhau một tấm hình làm kỷ niệm nhưng trong một lần địch đi càn, ngôi nhà của mẹ bùng cháy như ngọn đuốc đã thiêu rụi mọi thứ. Vì thế, con trai hi sinh mà trên bàn thờ cho đến lúc này chỉ có tấm giấy báo tử chứ không có ảnh chân dung.
Sau khi để tang cho con trai lớn, mẹ Thang đã kìm nén mọi đau đớn để biến ngôi nhà của mình thành cơ sở bí mật che giấu các chiến binh cách mạng.
“Kiếm được củ khoai hay lon gạo nào mẹ cũng dành cho bộ đội, cho các con chứ mẹ chỉ ăn những thứ lặt vặt cầm hơi. Lúc đó chị em mình còn nhỏ quá, chưa biết gì nhưng bây giờ nghĩ lại mới thấy thương mẹ thắt từng khúc ruột” - bà Bốn nói.
Năm 1968, chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Sốt ruột vì chiến tranh, vì chồng đi biền biệt không thấy trở về, một lần nữa mẹ Thang lại động viên đứa con thứ của mẹ là Phan Đức Vĩnh, 16 tuổi, vác balô theo cha đi chiến đấu.
Ngày 23-5-1969, mẹ Thang rụng rời khi nhận tin từ chiến trường báo về: cả chồng và con mẹ cùng hi sinh trong lúc chống càn ở chung trong một chiến hào.
Người mẹ nghèo đổ sụp xuống vì đau khổ. Chẳng có nỗi đau nào lớn hơn khi mất cùng lúc cả chồng và con. “Bố và anh trai tôi hi sinh cùng một giờ, cùng một địa điểm. Giờ mỗi lần tổ chức giỗ đều làm chung cho hai bố con” - ông Phan Đức Na, người con út của mẹ Thang, nói.
Bà Bốn cho biết khi biết anh Vĩnh và cha hi sinh, mẹ Thang muốn tìm đến nơi đơn vị chôn cất tạm cho hai cha con để đưa xác về nhà nhưng chiến trường quá ác liệt nên nguyện vọng của mẹ không thể thực hiện.
Mẹ đành lặng lẽ nuốt nước mắt, quay trở lại với mái tranh nghèo để tiếp tục một mình còm cõi nuôi con.
Mẹ Thang với tấm bằng Tổ quốc ghi công của con trai mình - Ảnh: B.D. |
Mẹ Thang kể rằng mất hai con, địch lại giết cả chồng nên lòng quyết tâm hi sinh cho cách mạng của mẹ càng lớn thêm.
Trong những năm tháng cơ cực, bom đạn cày xới liên miên đến mức không một cọng rau ngọn cỏ nào mọc nổi nhưng mẹ vừa nuôi các con nhỏ, vừa phục vụ cuộc kháng chiến. Mẹ không đi bước nữa mà ở vậy để lo cho con cái, cho cách mạng.
“Những năm đó cơm ăn không có, đói khổ mà lại chiến tranh, cơ cực không thể kể hết thành lời” - mẹ Thang lục lọi trong ký ức mình rồi khóc, nước mắt chảy thành hàng trên khuôn mặt khắc khổ, chi chít vết nhăn.
Bàn thờ không di ảnh
Sau năm 1975, hòa bình lập lại, mẹ Thang lại bắt đầu một cuộc chiến mới khi rời bỏ quê hương dẫn theo đàn con lên Tây Nguyên làm kinh tế mới. Một tay mẹ tiếp tục gầy dựng cơ ngơi, nuôi con cái trưởng thành cho tới bây giờ.
Chiếc bàn thờ được mẹ Thang đặt trang trọng trong ngôi nhà tình nghĩa mà các đơn vị tặng cho bà. Do điều kiện chiến tranh không lưu giữ hình ảnh chồng con nên trên bàn thờ của ba liệt sĩ ấy không có lấy một di ảnh nào ngoài những kỷ vật duy nhất về họ là giấy báo tử và bằng Tổ quốc ghi công.
Bà Phan Thị Bốn cho biết dù chiến tranh đã qua hơn 40 năm, chồng và hai con trai của mẹ hi sinh đã rất lâu nhưng thỉnh thoảng ban đêm có tiếng đàn ông từ cửa bước vào, mẹ Thang lại ngóng tai hỏi: “Có phải thằng Vinh, thằng Vĩnh về đó không con?”.
Tuổi già bất khuất Tháng 6-2014, khi cả nước sôi sục vì Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép ở vùng biển VN, dùng tàu lớn uy hiếp và đâm hỏng nhiều tàu cảnh sát biển của VN, mẹ Thang đã nhờ con soạn một lá thư rồi thông qua Phòng LĐ-TB&XH huyện Cư Kuin để gửi cho các chiến sĩ hải quân đang làm nhiệm vụ. Trong lá thư tay này, mẹ bày tỏ ý định dành toàn bộ tiền mẹ lãnh được hằng tháng (do một doanh nghiệp phụng dưỡng) để tặng các chiến sĩ hải quân trực chiến ngoài đảo xa. |
>> Kỳ tới: Người mẹ trăm năm
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận