Nhiều người quá khích lao vào đập phá ôtô của anh Hải đêm 20-7 - Ảnh: TRỊNH KHƯƠNG |
“Nhiều nhà trường hiện nay chỉ lo dạy kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin mà không giáo dục, cảnh báo về việc cần sàng lọc thông tin, thận trọng khi tham gia cộng đồng mạng. Chính điều này đã góp phần hình thành một hiện trạng “ném đá hội đồng” trên mạng |
TS KHUẤT THU HỒNG |
Sau khi xảy ra các vụ việc, công an các địa phương đã vào cuộc và đều kết luận chỉ là... hiểu lầm. Dù cảnh giác là đúng nhưng các chuyên gia cho rằng cần thông tin cho người dân, giáo dục học sinh biết sàng lọc thông tin trên mạng.
Hoang mang vì lòng người
Hai ngày sau khi bị hàng chục người dân ở xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội vây đánh vì nghi bắt cóc trẻ em, bà Nguyễn Thị Phúc (52 tuổi, trú tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội) và bà Lê Thị Bảy (40 tuổi, trú tại huyện Mỹ Đức, Hà Nội) vẫn chưa hết sợ hãi.
Sau khi điều trị trong bệnh viện một ngày, bà Phúc đã được người thân đưa về nhà với nhiều vết bầm tím trên người. Do vết thương nặng hơn nên bà Bảy hiện vẫn phải nằm lại bệnh viện.
Sáng 24-7, ngồi tựa lưng vào tường nhà mình với tâm trạng mệt mỏi, hai mắt tím bầm, bà Phúc cho biết “hai ngày nay tôi không ngủ được”...
Ông Nguyễn Văn Thiện, trưởng thôn Áng Thượng, xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, cho biết gia đình bà Bảy thuộc hộ nghèo gần 20 năm nay. Nghề nông không đủ sống nên bà Bảy đã tranh thủ đi bán tăm cho hội người mù.
Mới đi được 3 ngày, sáng 22-7, bà vào một nhà dân nhưng không thấy người lớn nên gọi một cháu bé ra để hỏi thì bị nghi ngờ bắt cóc trẻ em và bị đánh.
Trước đó, tại thôn Đồng Hới, xã Hồng Lạc, huyện Thanh Hà, Hải Dương, anh Trịnh Minh Hải (giám đốc kinh doanh Công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi DanbReds) và người bạn cũng bị vây và đốt xe vì nghi ngờ thôi miên một phụ nữ.
Công an huyện Thanh Hà đã phải điều cảnh sát cơ động đến nhưng tận rạng sáng 21-7 mới đưa được nhóm anh Hải rời khỏi đám đông đang hô hào đòi “đánh chết”...
Ngày 24-7, tìm về nơi anh Hải bị đốt xe, anh Phạm Đắc Bắc (người đã giữ anh Hải trong nhà) cho biết đến giờ anh vẫn bàng hoàng vì ban đầu sự việc rất nhỏ, nhưng quá nhiều người hiếu kỳ kéo đến, không nắm được thông tin mà chỉ nghe theo lời đồn đoán đã hùa nhau đòi “đánh chết” hai người đàn ông lạ.
Anh Bắc phải đóng cửa lại ngăn không cho ai vào.
Bà Lê Thị Bảy vẫn phải nằm viện do bị hành hung - Ảnh: GIANG LONG |
Bất an vì mạng xã hội?
Theo ông Bùi Văn Thoa, trưởng thôn Đồng Hới, hiện dân ở địa phương xôn xao bởi những thông tin trên mạng xã hội nói về bắt cóc trẻ con mổ lấy nội tạng. Do đó, dân luôn... cảnh giác.
Lý giải về một trong những nguyên nhân dẫn đến việc đánh người, TS Khuất Thu Hồng, viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, nhận định những thông tin một chiều, tiêu cực được đồn thổi và lan truyền quá nhiều trên mạng xã hội, một số phương tiện truyền thông đã đưa đến tác động.
“Điều đó khiến nhiều người dân, nhất là người dân ở những khu vực dân trí không cao, mang một cảm giác bất an. Cảm giác bất an này cũng là hệ quả của sự gia tăng tình trạng mất an ninh, những biện pháp để bảo vệ người dân không hữu hiệu dẫn tới hành động bột phát, manh động” - bà Hồng nói.
TS Nguyễn Tùng Lâm, chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cũng cho rằng người dân hiện nay nói chung và thế hệ trẻ nói riêng đang bị lung lay về giá trị sống.
Đây là cái “gốc” lẽ ra cần được quan tâm thì lại bị xem nhẹ. Trong khi đó, những thông tin tiêu cực quá ồ ạt, không được sàng lọc sẽ dẫn con người đến những hành vi ứng xử lạnh lùng, nặng tính bạo lực và thiếu sự cảm thông.
Giáo dục việc sàng lọc thông tin
Ở góc độ giáo dục ý thức cộng đồng, bà Khuất Thu Hồng cho rằng “có quá nhiều người trẻ hiện nay thiếu các kỹ năng sống sơ đẳng, thiếu hiểu biết pháp luật và bị lôi kéo bởi tâm lý đám đông trong thế giới mạng”.
Nhà trường lại chủ yếu lo “nhồi” kiến thức toán, lý... mà xem nhẹ những nội dung rất cần thiết như cung cấp hiểu biết về pháp luật, kỹ năng để chung sống trong cộng đồng, ứng xử văn hóa...
Việc chỉ lo dạy học sinh công nghệ thông tin trong khi chưa chú trọng giáo dục về việc cần sàng lọc thông tin, thận trọng khi tham gia cộng đồng mạng, theo bà Hồng, đã góp phần hình thành hiện trạng “ném đá hội đồng” trên mạng, hùa theo đám đông để đẩy các vấn đề không được kiểm chứng...
TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng cần khuyến khích và phổ biến rộng rãi hơn những câu chuyện về ứng xử tốt đẹp, câu chuyện tử tế trong cộng đồng để tạo nên một sự “lây lan” mới mang màu sắc tích cực.
"Chính điều đó sẽ là nhân tố để đẩy lùi, hạn chế những việc làm thiếu văn hóa, thiếu nhân văn” - ông Lâm nói.
Triệu tập người hành hung, hủy hoại tài sản Ngày 24-7, thông tin từ Công an huyện Sóc Sơn, Hà Nội cho biết cơ quan này đã triệu tập một số người dân trú tại xã Mai Đình để lấy lời khai điều tra làm rõ hành vi hành hung bà Nguyễn Thị Phúc và bà Lê Thị Bảy vì nghi ngờ bắt cóc trẻ em. Trung tá Lê Minh Hoàn, phó trưởng Công an huyện Thanh Hà, Hải Dương, cho biết kết quả xác minh xác định không có chuyện anh Trịnh Minh Hải thôi miên người phụ nữ ở huyện Thanh Hà mà người dân tố cáo. Do xảy ra đốt ôtô của anh Hải nên cơ quan công an đang triệu tập một số người để điều tra về hành vi hủy hoại tài sản. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận