18/10/2015 14:51 GMT+7

​Phong trào đô thị Huế bên trang sách sử

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Giữa chừng buổi ra mắt sách, có người đề nghị nhạc sĩ Tôn Thất Lập đang có mặt hát một bài. Cả hội trường ồ lên: Hát cho đồng bào tôi, Hát cho dân tôi nghe

Ông Huỳnh Tấn Mẫm phát biểu về tính liên kết của phong trào đô thị tại miền nam - Ảnh: L.Điền
Ông Huỳnh Tấn Mẫm phát biểu về tính liên kết của phong trào đô thị tại miền Nam - Ảnh: L.Điền

Và nhạc sĩ Tôn Thất Lập đứng lên, cùng nhà báo Lê Nhược Thủy bắt nhịp bài Hát cho dân tôi nghe.

Cả hội trường NXB Trẻ sáng 18-10 đã có những giây phút vang rộn tiếng hát “mộc” và tiếng vỗ tay đánh nhịp, vừa ngẫu hứng và cũng thật xúc động, khiến buổi ra mắt tập sách Lịch sử phong trào đô thị Huế 1954-1975 bỗng như thoáng quay về với không khí của phong trào đô thị dạo nào…

Cảm xúc dâng trào, nhạc sĩ Miên Đức Thắng cũng được mọi người đề nghị “hát đi”, “hát từ đồng hoang đi”, và ông xúc động đứng lên nói về một thời tuổi trẻ sôi nổi đầy máu lửa, “vì bài Hát từ đồng hoang này và tham gia phong trào mà tôi bị chính quyền Sài Gòn xử 5 năm khổ sai” - ông kể.

Rồi trong sự xúc động của người nhạc sĩ tuổi đã thuộc cổ lai hi, cả hội trường vỗ tay và hát, Đất hoang ta phá/ đất khô ta gầy/ đất mang hoa thắm/ tương lai ta đầy/ đất ta ta xới/ đất ta ta bồi/ đất ta ta tới/ đất ta ta ngồi….

Cứ hình dung những người thanh niên, sinh viên học sinh hồi trước năm 1975 trong phong trào đô thị Huế nay cũng tròm trèm sáu, bảy mươi tuổi, bỗng gặp nhau tay bắt mặt mừng, cầm trên tay tập sách dày dặn “nóng hổi” vừa in xong, bảo nhau ký tặng làm lưu niệm… cũng đủ thấy chất sôi nổi ngày xưa quả chưa mất đi trong những con người đặc biệt ấy.

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập cho biết đến nay đã tròn 50 năm ngày ông viết ca khúc Hát cho dân tôi nghe tại giảng đường đại học ở Huế. Cái năm 1965 ấy, khởi đi từ bài này, phong trào đô thị Huế hình thành một dòng chảy “Hát cho đồng bào tôi nghe” lan rộng khắp các đô thị và bùng lên ở Sài Gòn thành sức mạnh đáng kể.

Điểm lại quá trình hình thành bản thảo tập sách Lịch sử phong trào đô thị Huế 1954-1975, ông Nguyễn Kim Dũng - nguyên bí thư Thành ủy Huế - cho biết việc viết lại lịch sử phong trào đô thị Huế trong những năm chống Mỹ là ý nguyện, mong muốn của nhiều thế hệ lãnh đạo kể từ sau 30-4-1975, tuy nhiên mãi đến gần đây mới thực hiện được. Buổi ra mắt sách hôm nay tại TP.HCM còn có cả đương kim Bí thư Thành ủy Huế Huỳnh Cư và đại diện ban biên soạn vào dự cùng các thành viên phong trào năm xưa.

Ông Lê Văn Thuyên - nguyên chủ tịch Tổng hội sinh viên Huế 1971-1972, đại diện ban biên soạn tập sách - trình bày các phần nội dung và lược thuật những nét chính trong diễn biến phong trào đô thị Huế từ 1954-1975, mà các mốc quan trọng như phong trào năm 1963, tình hình thử lửa năm 1965, cuộc biến động miền Trung năm 1966…

Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, vị thủ lãnh thanh niên, nguyên chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn - Gia Định, phát biểu nhắc lại tính liên kết của phong trào các đô thị tại miền Nam lúc bấy giờ có tác dụng tạo nên mặt trận liên kết, tiếp thêm sức mạnh cho thanh niên, sinh viên học sinh nhiều vùng miền.

Ông Lê Văn Thuyên nhắc lại bức thư ông Huỳnh Tấn Mẫm viết vào ngày 24-6-1971 gửi cho ông, yêu cầu phối hợp đấu tranh chống chính quyền Nguyễn Văn Thiệu…

Có một bạn đọc nêu câu hỏi rằng sau bao nhiêu năm tháng đã qua, nay quyển sách này được biên soạn, thế hệ các chú, các bác muốn gửi thông điệp gì cho thế hệ trẻ hôm nay?

Ông Trần Hoài - đại diện ban biên soạn - cho biết: “Mỗi thế hệ đều có nhu cầu riêng của thời đại để giải quyết, nhưng chúng ta cùng một tâm nguyện là làm cho đất nước, cho cuộc đời tốt đẹp hơn lên. Bởi thế hệ chúng tôi cũng có nguyện ước là mong đất nước yên ổn để chúng tôi được học hành, trên cơ sở đó đóng góp cho đất nước, để đất nước phát triển có thể sánh vai với thế giới, thế lực nào cản trở khát vọng này là chúng tôi đấu tranh”.

Nhà thơ Võ Quê điểm lại mảng đấu tranh bằng nghệ thuật thơ, nhạc, kịch, họa trong phong trào đô thị ở Huế. Và ông cũng hào hứng góp vào buổi ra mắt sách bằng tiết mục diễn ngâm bài thơ Thừa Phủ ơi! Lòng ta hồng biển lửa từng vang dội một thời: “một sáng ven sông/ lũ chúng bạo hành em/ lưỡi lê ghìm đầu súng/ mẹ rên xiết gào lên uất hận/ con tôi! tội nghiệp con tôi/ Hai ơi con đã đi rồi/ vườn hoang cỏ cháy mẹ ngồi khóc con…”.

Nhiều ý kiến đề nghị NXB Trẻ nên tổ chức mảng sách lịch sử về các phong trào đô thị khắp miền Nam thời chống Mỹ để làm tài liệu cho thế hệ mai sau. Ông Lê Hoàng, phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, người từng tham gia phong trào đô thị Sài Gòn - Gia Định, cho biết sắp tới sẽ có tập sách cùng chủ đề được ấn hành, đó là quyển Phan Duy Nhân - thơ và đời, “đây là quyển sách mang dấu ấn cá nhân nhưng là cá nhân trong phong trào đô thị lúc bấy giờ, cũng rất đáng quan tâm”, ông Lê Hoàng cho biết.

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập (đứng, đội mũ) và nhà báo Lê Nhược Thủy bắt nhịp bài Hát cho dân tôi nghe - Ảnh: L.Điền
Nhà thơ Võ Quê diễn ngâm bài thơ Thừa Phủ ơi! Lòng ta hồng biển lửa - Ảnh: L.Điền
LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên