Cần tưới rửa vùng bỏng bằng vòi nước sạch - Ảnh: firstaidforlife.org.uk
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm trên thế giới, tai nạn bỏng chiếm vị trí hàng đầu trong những loại tai nạn xảy ra tạỉ nhà ở trẻ em và là nguyên nhân đứng hàng thứ hai gây tử vong cho trẻ. Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của Viện Bỏng quôc gia, trong 100 nạn nhân bị bỏng phải nhập viện, có khoảng 2/3 là trẻ em. Tác nhân gây bỏng ở trẻ chủ yếu là nước sôi, lửa, hóa chất, điện và sử dụng đồ dùng không đúng cách.
Bỏng là tai nạn thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ ở độ tuổi từ 1 - 9. Ở lứa tuổi này, trẻ thường hiếu động, thích tò mò, khám phá nhưng chưa hiểu hết về sự nguy hiểm. Tai nạn bỏng không chỉ gây đau đớn, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, tâm lý của trẻ mà còn có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Đa số trường hợp trẻ bị bỏng là do sự bất cẩn của người lớn trong quá trình trông nom, chăm sóc trẻ.
Có những trẻ bị bỏng nặng do ngã vào nồi canh hay tiếp xúc với bàn ủi còn nóng/bàn ủi đang cắm điện, có cháu bị bỏng nước khi cùng mẹ pha nước tắm, có bé bị bỏng dầu mỡ sôi do tiếp xúc với bếp,... thậm chí có trẻ bị bỏng do ôm bình nước nóng siêu tốc vào lòng.
Theo các nhà chuyên môn, trong trường hợp trẻ bị bỏng, trước hết người lớn phải bình tĩnh, nhanh chóng tách rời trẻ ra khỏi nguồn gây bỏng. Sau đó, cần tưới rửa vùng bỏng bằng vòi nước sạch, phủ vùng bỏng bằng gạc sạch rồi nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế bằng phương tiện tốt nhất, không cần thiết phải bôi thuốc vào vết bỏng. Việc làm nguội vết thương bằng nước lạnh có tác dụng ngăn vết thương lan rộng (trong nhiều trường hợp, việc dùng đá lạnh để chườm sẽ làm giảm thân nhiệt của trẻ), vết bỏng nhỏ lại và làm giảm cảm giác đau đớn cho người bị bỏng nhưng phải chú ý việc xả nước vào vết bỏng cũng cần được thực hiện đúng cách, vặn vòi nước thật nhỏ, nhẹ nhàng tưới lên vết bỏng. Nếu trường hợp quần áo dính vào vết thương thì tuyệt đối không được cố làm mọi cách để lôi ra. Vết thương cần được đắp gạc để giữ độ ẩm cho da. Sau 2 tuần, đa số vết bỏng độ nhẹ sẽ lành và ít đế lại sẹo.
Để bảo vệ trẻ trước tai nạn bỏng, những gia đình có trẻ cần lưu ý: Bố trí bếp nấu ăn hợp lý, để bếp lò nơi bằng phẳng, cao ngoài tầm tay với của trẻ hoặc có vách ngăn không cho trẻ tới gần, khi nấu ăn, luôn luôn xoay cán xoong, chảo... vào phía trong. Không cho trẻ chơi, nô đùa ở nơi đang nấu ăn hoặc các nơi gần nguồn điện, dây dẫn điện, ổ cắm điện... Không để vật dụng chứa nước nóng hay vật dụng đang nóng trong tầm tay với của trẻ em như nồi canh, ấm nước, vòi nước nóng, bàn ủi, ống pô xe máy... Khi bưng bê nước nóng, thức ăn mới nấu... cần tránh xa trẻ để trẻ không va đụng. Luôn luôn cất giữ các chất dễ gây cháy, bỏng vào tủ có khóa hoặc để ở những nơi ngoài tầm tay với của trẻ em. Không được để trẻ nhỏ tiếp xúc với diêm quẹt, bật lửa, lửa, nước sôi, thức ăn nóng, bếp lửa, cồn, xăng, hóa chất,... Không nên để trẻ tự tắm với vòi nước nóng lạnh, luôn luôn kiểm tra nhiệt độ nước trước khi tắm rửa; nếu có điều kiện, nên lắp vòi nước nóng lạnh có chế độ điều chỉnh. Trong việc chăm sóc, phải luôn trông chừng trẻ đúng cách, cần thường xuyên để ý, để mắt đến trẻ; đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Khi chăm sóc trẻ nhỏ, không được vừa bồng bế trẻ, vừa ăn các thức ăn, đồ uống nóng hoặc bưng bê các loại thức ăn, đồ uống nóng.
Những bậc phụ huynh, những người chăm sóc trẻ nên quan tâm và thực hiện đầy đủ các công việc nêu trên, nếu không thì những hậu quả khó lường có thể xảy ra, thậm chí có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng của trẻ do sự bất cẩn của chính mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận