17/03/2017 12:37 GMT+7

Phòng khám Trung Quốc vi phạm: sai, phạt là xong

LAN ANH - QUỲNH LIÊN
LAN ANH - QUỲNH LIÊN

TTO - Các phòng khám Trung Quốc liên tục sai phạm nhưng do vướng quy định nên rất khó đóng cửa các phòng khám này. Cứ sai, cứ phạt và cho tồn tại...

Phòng khám 168 Hà Nội, nơi bác sĩ Trung Quốc làm cho thai phụ T. hôn mê, chết não và tử vong - Ảnh: Q.Liên
Phòng khám 168 Hà Nội, nơi bác sĩ Trung Quốc làm cho thai phụ T. hôn mê, chết não và tử vong - Ảnh: Q.Liên

Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đang xử phạt một phòng khám Trung Quốc với mức 90 triệu đồng, mức phạt vào loại cao và đây là lần thanh tra thứ hai trong vòng 3 tháng với phòng khám này. Tuy nhiên chiếu theo các quy định hiện hành, rất khó để đóng cửa phòng khám Trung Quốc.

Cần có hướng xử lý khác

Theo bà Trần Thị Nhị Hà, phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, trong 10 năm cấp phép hoạt động cơ sở y tư nhân, bà ghi nhận đã có khoảng 50 bằng giả các loại gồm bằng bác sĩ giả, dược sĩ, điều dưỡng, gần đây có cả bằng phiên dịch giả. Riêng ở nhóm phòng khám Trung Quốc, bà Hà cho biết lỗi thường gặp là vẽ bệnh, vẽ thêm dịch vụ để thu tiền.

"Như chị T. (điều trị ở phòng khám 168 Hà Nội, đã tử vong) nếu điều trị phụ khoa chỉ cần kê đơn cho chị T. mua thuốc về đặt là khỏi, nhưng để thu tiền, phòng khám đã vẽ ra dịch vụ khí dung. Với rạch bao quy đầu là thủ thuật đơn giản cũng bị “vẽ” để thu tiền"- bà Hà nói.

Phòng khám 168 Hà Nội (Ngọc Hồi, Thanh Trì) trong 4 năm gần đây năm nào cũng phát hiện có sai phạm, từ quảng cáo quá mức, quảng cáo ngoài phạm vi dịch vụ được phép, nhập khẩu thiết bị y tế chưa được cấp phép...

“Nhưng căn cứ quy định hiện hành khó có thể đóng cửa được phòng khám dù họ liên tiếp sai phạm. Quy định hiện chỉ cho phép đóng cửa phòng khám khi họ có giấy phép nhưng không hoạt động trong 12 tháng, giấy phép hoạt động cấp không đúng thẩm quyền. Chúng tôi đề nghị nên bổ sung các phòng khám vi phạm quy định về hành nghề trong 3 lần liên tiếp là có thể đóng cửa”- một lãnh đạo thanh tra Sở Y tế Hà Nội đề nghị.

Biến người bệnh thành "mồi ngon"

Không chỉ xảy ra các trường hợp sai phạm ở phòng khám 168 Hà Nội, mà còn rất nhiều trường hợp khác vẫn chưa xử lý được. Tháng 12-2016, chị Đ.T.H. (34 tuổi, ở Lào Cai) đã đến phòng khám Trung Quốc trên phố Thái Hà điều trị phụ khoa. “Phòng khám đã tiêm thuốc ngủ làm tôi ngủ lịm từ 10h-15h chiều mà không biết có làm thủ thuật gì hay không, thu 16 triệu đồng”- chị H. cho biết.

Chị H. nghi ngờ nên đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khám lại, kết quả chị chẳng hề bị viêm nhiễm nặng cần điều trị với giá “cắt cổ” như phòng khám Trung Quốc. Hiện Sở Y tế Hà Nội lại đang tiếp nhận một loạt khiếu nại về phòng khám này.

Hà Nội hiện có khoảng 3.000 phòng khám tư, trong đó có 53 phòng khám có bác sĩ nước ngoài, 6/53 là phòng khám Trung Quốc. Số phòng khám Trung Quốc tuy ít nhưng sai phạm lại rất nhiều, đã xảy ra nhiều vi phạm nghiêm trọng làm người bệnh tử vong. Cần sớm bổ sung những quy định pháp luật để xử phạt nghiêm những sai phạm này.

Đình chỉ thêm phòng khám Trung Quốc sai phạm

* Mất 66 triệu vẫn không khỏi bệnh

Theo Sở Y tế Hà Nội, cơ quan này vừa phát hiện thêm một sai phạm tại phòng khám Trung Quốc số 11 Thái Hà, Hà Nội. Qua kiểm tra, đoàn thanh tra của sở phát hiện bác sĩ Vương Sùng Anh, quốc tịch Trung Quốc, siêu âm sản khoa, là quá phạm vi chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh. Phòng khám cũng không đủ nhân lực trong quá trình khám chữa bệnh. Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã đình chỉ hoạt động của phòng khám.

* Chị L.T.H. (36 tuổi, Q.7, TP.HCM) bức xúc phản ảnh chị bị bác sĩ một phòng khám ở Q.1, TP.HCM điều trị bệnh không đúng quy trình chuyên môn nhưng lấy của chị gần 66 triệu đồng tiền chữa trị. Theo các chứng từ chị H. cung cấp, bác sĩ của phòng khám này chẩn đoán chị bị rò hậu môn, trĩ ngoại, u nhú hậu môn.

Ngày 9-3 chị H. đến phòng khám, được đưa vào phòng và bảo nằm lên bàn, bác sĩ đưa ngay dụng cụ gì đó vào hậu môn khiến chị đau điếng mà không giải thích gì. Xong bác sĩ bảo chị bị rò hậu môn, nếu không điều trị sẽ dẫn đến ung thư.

Bác sĩ đưa cho chị xem hình ảnh nội soi, bảo nếu không điều trị sẽ bị biến chứng này khác. Bác sĩ còn nói phòng khám có phương pháp điều trị mới không đau, cam kết hết bệnh và không tái phát với giá hơn 40 triệu đồng. Nghe vậy chị H. đồng ý.

Khi đi đóng tiền, số tiền đóng không phải hơn 40 triệu đồng như bác sĩ nói mà là hơn 56,8 triệu đồng khiến chị rất bức xúc. Sau đó, truyền thuốc chị phải đóng thêm gần 7,9 triệu đồng nữa (ngoài số tiền xét nghiệm và nội soi 1 triệu đồng). Ngày 16-3, chị H. cho biết hiện chị vẫn rất đau, sút mất 3kg, vẫn đi tiêu ra máu.

L.ANH - L.TH.H.

LAN ANH - QUỲNH LIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên