09/10/2005 19:58 GMT+7

Phóng đãng với "Heroin Chic"

Theo Phụ Nữ Chủ Nhật
Theo Phụ Nữ Chủ Nhật

Thượng tuần tháng 9-2005, cảnh sát Anh đã đột nhập một phòng thu băng nơi siêu mẫu Kate Moss bị bắt quả tang hít cocaine. Cuối tháng 9-2005, con gái của Kate Moss mừng sinh nhật mình mà không có mẹ bên cạnh bởi Kate Moss đã sang Mỹ, nhập viện ở trại cai nghiện Meadows (chi phí 4.000 USD/ngày).

QEa6QQR2.jpgPhóng to
Thượng tuần tháng 9-2005, cảnh sát Anh đã đột nhập một phòng thu băng nơi siêu mẫu Kate Moss bị bắt quả tang hít cocaine. Cuối tháng 9-2005, con gái của Kate Moss mừng sinh nhật mình mà không có mẹ bên cạnh bởi Kate Moss đã sang Mỹ, nhập viện ở trại cai nghiện Meadows (chi phí 4.000 USD/ngày).

Loạt hợp đồng làm mẫu cho Burberry, Chanel và H&M bị hủy và thậm chí cả cảnh sát Anh có khả năng đưa Kate Moss ra tòa. Sự nghiệp của cô siêu mẫu (gia sản khoảng 53 triệu USD) này đã bị hoen ố từ lối sống phóng đãng nghiện ngập như vậy…

Sự việc bắt đầu từ ngày 17-9-2005, siêu mẫu Kate Moss thú nhận mình sử dụng cocaine, đúng như tường thuật trên tờ Daily Mirror. Với Kate Moss, ma túy đã là "một phần tất yếu của cuộc sống".

Từ khi Kate Moss trở thành siêu mẫu cách đây hơn một thập niên, không ai có thể thống kê cô bao nhiêu lần hiện diện trên mặt báo kèm theo xìcăngđan ma túy. Hình ảnh người mẫu ủ rũ, đờ đẫn… trông như con nghiện từng được hãng Calvin Klein quảng bá trong các mẫu giới thiệu thời trang và Kate Moss là cái đinh của xu hướng mà báo chí phương Tây gọi là "heroin Chic" (tạm hiểu là "vẻ đẹp nghiện ngập"), khi làm "phát ngôn" cho Calvin Klein.

Năm 1988, Kate Moss (khi mới 14 tuổi) được Sarah Doukas (người sáng lập hãng người mẫu Storm Model Agency) phát hiện tại phi trường John F. Kennedy (New York) lúc cô đáp máy bay sang Luân Đôn nghỉ hè cùng gia đình. Chỉ vài tháng sau, Doukas móc nối nhiều hợp đồng cho Kate Moss và cô nhanh chóng trở thành một trong những gương mặt nóng nhất làng thời trang.

Năm 1992, nhiếp ảnh gia Patrick Demarchelier đưa Kate Moss đến với nhà thiết kế Calvin Klein. Thú nhận chưa bao giờ bị cuốn hút mạnh như vậy trước một người mẫu, Calvin Klein lập tức ký hợp đồng 1,2 triệu USD và Kate Moss trở thành gương mặt hái ra tiền cho hãng.

Và Kate Moss cũng nhanh chóng trở thành tiêu điểm của xìcăngđan. Nhậu nhẹt, quậy phá (từng bị khách sạn Hotel du Cap tại Cannes - Pháp tống cổ), nghiện ngập, thay người tình như thay áo, vào trại cai nghiện như cơm bữa... Kiểu sống phóng đãng như Kate Moss thật ra không hiếm trong thế giới người mẫu phương Tây.

Tại sao tỷ lệ nghiện ma túy trong giới người mẫu cao hơn so với các lãnh vực giải trí khác? Lối sống là một phần, nhưng lý do quan trọng hơn chính là nỗi ám ảnh giảm cân. Và việc chống béo bằng mọi giá đã đưa đến nhiều bi kịch. Năm 1995, siêu mẫu Anh Debbie Linden, từng là gương mặt được biết nhiều nhất ở Anh, bắt đầu dùng ma túy để giảm cân, kèm chế độ ăn kiêng.

Trong thực tế, Linden không ăn kiêng mà nhịn đói. Có ngày, cô chỉ ăn một mẫu bánh mì và uống một thìa nước cam. Nỗi sợ càng tăng khi Linden nghe nhiều đến khả năng bị đẩy khỏi sàn diễn.

Trong thế giới của người đẹp, hình ảnh của một người mẫu tàn héo với ngoại hình nhão nhoẹt không tồn tại. Từ việc dùng heroine để kiểm soát trọng lượng, Linden bắt đầu nghiện và bê tha. Hôm đó, Linden tổ chức "tiệc quậy" tại nhà và nhờ bạn trai Russell Ainsworth tiêm ma túy cho mình. Thế rồi, Linden bỗng ngã gục. Mấy cô bạn người mẫu òa khóc và lao đến bế Linden. Đã quá muộn. Liều tiêm quá mạnh đã khiến Linden tắt thở…

Ở một góc độ hẹp, công nghiệp thời trang phải chịu trách nhiệm một phần việc cổ súy hình ảnh "siêu gầy". Từ thập niên 1990 trở lại đây, hình ảnh "siêu mỏng" của Kate Moss đã trở thành "chuẩn" và các người mẫu tiếp tục khổ sở bởi ám ảnh tăng cân.

"Có quá nhiều cô gái ngây thơ hẳn đã không nghiện ngập ma túy nếu họ không bước vào con đường người mẫu. Chúng ta phải quan tâm nhiều và cẩn thận đối với ngành công nghiệp này để có thể thay đổi trước khi quá muộn. Người mẫu trẻ không nên sử dụng heroine để giảm cân và công nghiệp người mẫu phải điều chỉnh lại những tiêu chuẩn nghề nghiệp. Nếu không, họ phải chịu trách nhiệm và đối mặt hậu quả" - đây không phải là phát biểu của một nhà xã hội học hoặc mô phạm mà là từ Tổng thống Bill Clinton, không lâu trước khi ông rời Nhà Trắng.

Theo Phụ Nữ Chủ Nhật
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên