Phóng to |
Bệnh này chủ yếu do virus Lelystad thuộc họ Togaviridae gây ra. Ông BÙI QUANG ANH (ảnh), cục trưởng Cục Thú y, cho biết thêm:
- PRRS được phát hiện trên đàn heo nhập từ Mỹ (10/51 con có huyết thanh dương tính) vào khoảng năm 1987. Đến tháng 3-2007, bệnh xuất hiện lần thứ hai tại một số tỉnh phía Bắc. Heo mắc PRRS thường bị bội nhiễm: dịch tả heo, tụ huyết trùng, phó thương hàn, bệnh do xoắn khuẩn Leptospira spp, bệnh do Steptococcus spp, Mycoplasma spp, E.coli... Đây là những nguyên nhân chính gây chết nhiều heo mắc bệnh.
* Làm sao để nhận biết heo bị mắc bệnh tai xanh, thưa ông?
- Triệu chứng lâm sàng của bệnh có thể khác nhau tùy từng loài heo. Ở heo nái giai đoạn cai sữa: biếng ăn, sốt 40-42 độ C, sẩy thai thường vào giai đoạn cuối, tai chuyển màu xanh trong khoảng thời gian ngắn, đẻ non, động dục giả hoặc chậm động dục trở lại sau khi đẻ, ho và có dấu hiệu viêm phổi.
Heo nái giai đoạn đẻ và nuôi con có biểu hiện: biếng ăn, lười uống nước, mất sữa và viêm vú, đẻ sớm, da biến màu (màu hồng), lờ đờ hoặc hôn mê, thai gỗ hoặc heo con chết ngay sau khi sinh (khoảng 30%). Heo con yếu, tai chuyển màu xanh (khoảng dưới 5%). Tỉ lệ chết ở đàn con có thể tới 70% ở tuần thứ 3-4 sau khi xuất hiện triệu chứng. Ở heo con theo mẹ: thể trạng gầy yếu, mắt có ghèn màu nâu, da có vết phồng rộp, tiêu chảy nhiều, ủ rũ, run rẩy.
* Khi heo mắc bệnh, chữa trị sao cho hiệu quả?
- Bệnh hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Việc điều trị, xử lý gia súc bệnh theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Cách tốt nhất là phòng bệnh cho heo. Hiện đã có ba loại văcxin phòng bệnh là: Porcilis PRRS của Intervet - Hà Lan; BSL.PS 100 của Besta - Singapore; Amervac PRRS của Hipra - Tây Ban Nha. Tuy nhiên, giá văcxin PRRS tương đối cao, tối thiểu khoảng 10.000 đồng/liều.
* Bệnh này được đánh giá rất dễ lây lan, vậy công tác phòng ngừa như thế nào?
- Bệnh có tốc độ lây lan nhanh, trong vòng 3-5 ngày cả đàn có thể bị nhiễm bệnh. Độ dài của bệnh khoảng 5-20 ngày tùy theo sức khỏe của heo. Virus có thể phát tán thông qua các hình thức: vận chuyển heo mang trùng, theo gió (có thể đi xa tới 3km), bụi, bọt nước, dụng cụ chăn nuôi và dụng cụ bảo hộ lao động nhiễm trùng, thụ tinh nhân tạo và có thể do một số loài chim hoang...
Hiện nay, dịch đang diễn biến rất phức tạp ở Quảng Nam và có chiều hướng lây lan nhanh, nguy cơ lây lan ra các tỉnh khác rất cao. Cần phát hiện sớm, bao vây dập tắt các ổ dịch; không để dịch phát tán, lây lan sang các địa phương chưa có dịch.
Cụ thể, phải tiêu hủy gia súc mắc bệnh bị chết; vệ sinh tiêu độc chuồng trại nơi có dịch và khu vực xung quanh; thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch động vật; kiểm soát chặt chẽ biên giới, không cho nhập heo và sản phẩm từ heo chưa qua chế biến chín không rõ nguồn gốc vào địa phương. Đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu đúng về bệnh, không bán chạy heo ốm vì bệnh không lây sang người, không gây bệnh cho người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận