21/07/2017 10:46 GMT+7

​Phòng, chống dịch bệnh mùa mưa, lũ như thế nào?

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Các đợt mưa lớn, bão, lũ lụt… là thời điểm thuận lợi cho mầm bệnh phát sinh và bùng phát thành dịch bệnh, đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Thông thường, phải đến giữa tháng 7 mùa mưa mới chính thức bắt đầu. Nhưng từ hơn một tháng nay, nhiều đợt mưa lớn, bão đã xảy ra ở các tỉnh, thành phố trên cả nước, gây lũ lụt, ngập úng trên diện rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, đặc biệt tại các tỉnh miền núi phía bắc, duyên hải miền Trung.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp và vùng hội tụ gió trên cao vẫn hoạt động mạnh, nên các tỉnh Bắc Bộ vẫn có mưa vừa, mưa to trong thời gian tới.

Trong năm 2017, có khoảng từ 13-15 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, nhiều hơn so với trung bình nhiều năm, trong đó sẽ có khoảng 3-4 cơn bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Ngoài các thiệt hại về con người, vật chất, các đợt mưa lớn, bão, lũ lụt… cũng là thời điểm thuận lợi cho mầm bệnh phát sinh và bùng phát thành dịch bệnh, đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Trong và sau mưa, bão, lũ lụt, rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước lan đi khắp nơi, gây ô nhiễm môi trường và tăng nhanh khả năng lây lan các bệnh truyền nhiễm. Rác thải và xác động vật chết ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt của người dân, là nguyên nhân gây các loại dịch bệnh như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, tả, lỵ, thương hàn, các bệnh về da...

TS. Lâm Quốc Hùng (Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế) cho biết: Khi mưa, bão xảy ra, nhất là sau lũ lụt, sức khỏe và tính mạng người dân bị đe dọa do dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm. Nguyên nhân chính do nguồn cung cấp thực phẩm tươi, sạch, an toàn thường khan hiếm; lương thực, thực phẩm gặp thời tiết mưa ẩm dễ bị ôi, thiu, mốc, hỏng, sinh độc tố. Đặc biệt, người dân khó bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, bảo quản, kinh doanh và tiêu dùng.

Mặt khác, trong nhiều ngày người dân phải chống chọi với bão, lụt, dẫn tới sức khỏe bị giảm sút. Các tác nhân truyền bệnh sốt rét, sốt xuất huyết nhân cơ hội này phát triển gây nên các mầm bệnh tại cộng đồng.

Cũng do những diễn biến thất thường của thời tiết, Bộ Y tế nhận định, dịch bệnh sốt xuất huyết năm nay bùng phát sớm hơn mọi năm và đang gia tăng nhanh. Hiện, cả nước đã ghi nhận 15 trường hợp tử vong trong số hơn 50.000 ca mắc sốt xuất huyết. Số ca mắc sốt xuất huyết tập trung chủ yếu tại khu vực phía nam, miền Trung và Hà Nội.

Để chủ động phòng, tránh dịch trong mùa mưa lũ, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau: Bảo đảm lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và uống nước đun sôi; thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.

Cần loại bỏ nơi cư ngụ, sinh sản của tác nhân gây bệnh bằng cách tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi, đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng; mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày; thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Ngoài ra, cần thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy. Thu gom, xử lý và chôn xác súc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: dịch bệnh mưa lũ