23/10/2017 16:50 GMT+7

Phòng chống bệnh tiêu chảy cấp

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Bà Rịa - Vũng Tàu
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Bà Rịa - Vũng Tàu

Bệnh tiêu chảy cấp là bệnh có khả năng lây lan rất nhanh qua đường tiêu hóa. Bệnh có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng thường gặp là do vi khuẩn E. coli.

Phòng chống bệnh tiêu chảy cấp - Ảnh 1.

Vi khuẩn E. coli là gì?

Vi khuẩn E. coli sống cộng sinh chiếm ưu thế nhất trong hệ vi sinh vật đường ruột của người và động vật (gọi là vi khuẩn đại tràng, ký sinh trong đường ruột). Bình thường chúng không gây hại, khi có điều kiện thích hợp, một số nhóm E. coli sẽ gây độc tăng sinh mạnh, trở thành nguyên nhân quan trọng gây tiêu chảy trên người và gia súc.

E.coli bị thải ra môi trường bằng đường phân. Nếu vệ sinh kém thì E.coli dễ vấy nhiễm vào thịt tươi, quá trình giết mổ. Việc bảo quản và chế biến thực phẩm không thích hợp sẽ gây ra tiêu chảy.

E.Coli là tác nhân phổ biến gây tiêu chảy cấp tính. E.coli được xem là vi khuẩn chỉ danh ô nhiễm thực phẩm và nước được đánh giá dựa vào số lượng của nó. E. coli tiềm ẩn khắp nơi: đất, nước bị ô nhiễm (được sử dụng để rửa thực phẩm) và chúng có trong móng tay, bàn tay của những người chế biến thực phẩm khi không rửa sạch tay.

Trong môi trường bên ngoài

E.coli có sức đề kháng khá cao, có thể tồn tại lâu dài trong đường tiêu hóa và nhiều vị trí trên da, niêm mạc của cơ thể người và động vật, đồng thời có mặt ở khắp nơi trong môi trường ngoại cảnh. Vi khuẩn bị tiêu diệt ở nhiệt độ 60 độ C sau 30 phút, 100 độ C sau 5 phút, nhiều giờ dưới ánh sáng mặt trời cường độ cao. Các hóa chất khử trùng hiện đang lưu hành có thể tiêu diệt E.coli ở nồng độ thông thường. Hiện vi khuẩn E.coli có thể kháng với nhiều loại kháng sinh.

Ngộ độc thực phẩm do E.coli lây truyền theo đường tiêu hóa, từ người sang người hay từ động vật sang người, thông qua các yếu tố truyền nhiễm như thức ăn, nước uống, bàn tay bẩn, đồ dùng cá nhân, dụng cụ ăn uống bị nhiễm E.coli gây bệnh.

Phương thức lây truyền bệnh tiêu chảy cấp thường gặp

Do ăn, uống phải thực phẩm, nguồn nước nhiễm E.coli gây bệnh không được đun nấu chín; do ăn uống thực phẩm đã bị ô nhiễm qua bàn tay bẩn, dụng cụ chế biến, ăn uống, đồ dùng cá nhân nhiễm E.coli.

Ngoài ra, ruồi, nhặng, gián là vật trung gian gây nhiễm vi khuẩn E. coli gây bệnh tới người. Mọi người, mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm và mắc bệnh tiêu chảy cấp do E.coli gây bệnh.

Trẻ em thường dễ nhiễm một số nhóm E. Coli gây bệnh do mức độ lưu hành phổ biến của chúng cũng như do hệ thống miễn dịch đường tiêu hóa chưa phát triển ở trẻ em dưới 3 tuổi.

Biện pháp phòng bệnh

Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh do nhiễm vi khuẩn E.Coli.

Vì vậy chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh có ý nghĩa rất quan trọng, trong đó cần chú trọng công tác vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng; không phóng uế bừa bãi, xử lý phân, nước, rác hợp vệ sinh; vệ sinh môi trường sạch sẽ; bảo vệ và sử dụng nước sạch; đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín. Đồng thời mọi người, mọi nhà cần thực hiện đúng theo "10 nguyên tắc vàng để chế biến thực phẩm an toàn", đó là:

1. Chọn thực phẩm an toàn. Chọn thực phẩm tươi. Rau, quả ăn sống phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch. Quả nên gọt vỏ trước khi ăn. Thực phẩm đông lạnh để tan đá, rồi làm đông đá lại là kém an toàn.

2. Nấu chín kỹ thức ăn. Nấu chín kỹ hoàn toàn thức ăn, bảo đảm nhiệt độ trung tâm thực phẩm phải đạt tới trên 70 độ C.

3. Ăn ngay sau khi nấu. Hãy ăn ngay sau khi vừa nấu xong vì thức ăn càng để lâu thì càng nguy hiểm.

4. Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín. Muốn giữ thức ăn quá 5 tiếng đồng hồ, cần phải giữ liên tục nóng trên 60 độ C hoặc lạnh dưới 10 độ C. Thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại.

5. Nấu lại thức ăn thật kỹ. Các thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng nhất thiết phải được đun kỹ lại.

6. Tránh ô nhiễm chéo giữa thức ăn chín và sống với bề mặt bẩn. Thức ăn đã được nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thức ăn sống hoặc gián tiếp với các bề mặt bẩn (như dùng chung dao, thớt để chế biến thực phẩm sống và chín).

7. Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và sau mỗi lần gián đoạn để làm việc khác. Nếu bạn bị nhiễm trùng ở bàn tay, hãy băng kỹ và kín vết thương nhiễm trùng đó trước khi chế biến thức ăn.

8. Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn. Do thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, bất kỳ bề mặt nào dùng để chế biến thức ăn cũng phải được giữ sạch. Khăn lau bát đĩa cần phải được luộc nước sôi và thay thường xuyên trước khi sử dụng lại.

9. Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác. Che đậy giữ thực phẩm trong hộp kín, chạn, tủ kính, lồng bàn... Đó là cách bảo vệ tốt nhất. Khăn đã dùng che đậy thức ăn chín phải được giặt sạch lại.

10. Sử dụng nguồn nước sạch an toàn. Nước sạch là nước không màu, mùi, vị lạ và không chứa mầm bệnh. Hãy đun sôi trước khi làm đá uống. Đặc biệt cẩn thận với nguồn nước dùng nấu thức ăn cho trẻ nhỏ.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Bà Rịa - Vũng Tàu
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên