Bệnh xảy ra nhiều nhất ở trẻ nhũ nhi 3-9 tháng, thanh thiếu niên (15-24 tuổi) và người già trên 65 tuổi, mắc nhiều nhất ở trẻ dưới 5 tuổi. Một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh: mật độ đông (trại lính, ký túc xá…), rối loạn miễn dịch, hút thuốc lá, nhiễm trùng hô hấp trên, điều kiện vệ sinh kém, nhiều ca bệnh xảy ra trong mùa đông-xuân, hay khi thay đổi thời tiết.
Bệnh não mô cầu gây ra bởi vi khuẩn Nesseria meningitidis. Vi khuẩn này gồm nhiểu nhiều serogroup, trong đó 5 serogroup A, B, C, Y và W135 gây bệnh chiếm trên 90% các trường hợp trên thế giới.
Biểu hiện bệnh
Các triệu chứng viêm màng não và nhiễm trùng huyết như nhức đầu, cứng cổ, sợ hãi, nhầm lẫn, ói mửa, kích thích, khàn tiếng, xuất hiện tử ban… xảy ra đột ngột, diễn tiến nhanh và có thể đe dọa đến tính mạng.
Tử ban xuất hiện do đông máu nội mạch rải rác. Vị trí thường thấy ở thân và 2 chân, đôi khi xuất hiện ở mặt, tay và niêm mạc. Nếu không được điều trị kháng sinh thích hợp, tử ban tiếp tục lan rộng và xuất hiện nhiều tử ban mới, có trường hợp tạo mụn nước hay bóng nước trên nền tử ban, tình trạng hoại tử thiếu máu có thể lan rộng tới cơ và xương.
Tỉ lệ tử vong của bệnh não mô cầu chiếm khoảng 5 - 15% các trường hợp bệnh; bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỉ lệ từ 10 - 20%.
Đường lây bệnh
Vi khuẩn não mô cầu thường khu trú ở vùng họng, mũi hơn là xâm lấn gây bệnh. Ở thời điểm chưa xảy ra dịch, tỷ lệ người mang trùng khoảng 10% và có thể lên đến 30% ở những nơi sống chật chội. Người là nguồn bệnh duy nhất, bao gồm người bệnh, người lành mang trùng.
Bệnh lây truyền chủ yếu qua chất tiết đường hô hấp, thường xảy ra ở những người sống chung nhà, dùng chung đồ ăn thức uống, hay đồ vật sinh hoạt với người mang bệnh dễ bị lây lan. Thời gian ủ bệnh trung bình 4 ngày, nhưng có thể dao động từ 2-10 ngày. Có từ 10% đến 20% dân số chung của thế giới mang vi khuẩn Nesseria meningitidis trong cổ họng vào bất kỳ thời điểm trong cuộc đời. Tỉ lệ lan truyền bệnh có thể cao hơn vào các dịp dịch bệnh, khí hậu khắc nghiệt hoặc ăn uống, vệ sinh, phòng bệnh kém.
Phòng bệnh
Bệnh có vắc-xin phòng bệnh. Tiêm vắc-xin là giải pháp phòng bệnh chủ động, nhưng không phải là biện pháp phòng bệnh duy nhất. Bên cạnh đó, cần có những biện pháp dự phòng không dùng thuốc như:
- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay bằng nước và xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.
- Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở: thông thoáng nơi ở, nơi làm việc.
- Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị.
- Khi phát hiện người nghi ngờ mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu cần thông báo cho các cơ sở y tế ở địa phương để được điều tra giám sát và xử lý kịp thời.
Trong hoàn cảnh không có vắc-xin phòng bệnh thì những biện pháp dự phòng không dùng thuốc nêu trên rất hiệu quả để phòng lây lan bệnh.
Khi có ca bệnh, lưu ý cách phòng ngừa lây lan trong cộng đồng:
- Sử dụng kháng sinh dự phòng ngay khi có thể, tốt nhất là trong vòng 24 giờ sau khi xác định ca bệnh. Ưu tiên trước cho người tiếp xúc trong thời gian gần nhất, vì ủ bệnh dưới 4 ngày, không sử dụng cho những người tiếp xúc tình cờ hay chỉ tiếp xúc thời gian ngắn. Đặc biệt, lưu ý việc sử dụng kháng sinh dự phòng cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Người tiếp xúc có triệu chứng (sốt, nhức đầu, cổ cứng; kèm theo ói mửa, sợ ánh sáng, phát ban và thay đổi trạng thái tâm thần kinh như ngủ gật, mê sảng, kích động): cần nhập viện để chẩn đoán và điều trị ngay.
- Tăng cường vệ sinh cá nhân và thường xuyên rửa tay bằng nước và xà phòng, đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc gần với người bệnh, khử khuẩn môi trường bằng chloramin B hoặc javel.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận