07/05/2006 09:05 GMT+7

"Phó thường dân Nam bộ" viết dự án...

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TTCT - Năm nào cũng vậy, mỗi khi đến mùa nước lũ là ông buộc phải ra tay cấp cứu những đứa trẻ đi học không may bị té sông. Và không ít lần ông rơi nước mắt bất lực nhìn những đứa trẻ bất hạnh ra đi mãi mãi.

2iXPvtgA.jpgPhóng to
Ông Tuấn đang viết dự án
TTCT - Năm nào cũng vậy, mỗi khi đến mùa nước lũ là ông buộc phải ra tay cấp cứu những đứa trẻ đi học không may bị té sông. Và không ít lần ông rơi nước mắt bất lực nhìn những đứa trẻ bất hạnh ra đi mãi mãi.

Năm năm qua ông Năm Tuấn đã mày mò viết được hơn chục dự án như vậy. Chỉ có khoảng nửa số dự án đó nhận được tiền tài trợ, nhưng hiệu quả mang lại cho xóm làng thì không thể tính được bằng tiền.

Bạn của người nghèo

Trò chuyện với tôi nhưng đôi mắt ông cứ dán chặt vào màn hình máy tính đặt trong gian bếp chật chội. Ông bảo tôi thông cảm vì đang gấp rút làm hồ sơ xin mổ tim miễn phí cho cháu Nguyễn Thị Phương Thảo ở xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành. Hiện nay sức khỏe của cháu Thảo diễn tiến rất xấu, cần mổ gấp. “Cháu Thảo mới 5 tuổi mà đã bị thông liên thất, thông liên nhĩ, tăng áp động mạch phổi. Gia đình cháu rất nghèo, nên Hội Chữ thập đỏ huyện làm văn bản đề nghị Hội Alain Carpentier và Viện Tim TP.HCM giúp đỡ mổ miễn phí. Hi vọng còn kịp cứu cháu…”.

Từ ngày về nghỉ mất sức năm 1991 đến nay, lương y Võ Văn Tuấn (tên thật của ông Năm Tuấn, hiện là chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Bình Đức) đã hiến hết tâm huyết, sức lực của mình cho công tác từ thiện. Công việc mưu sinh của gia đình ông hơn chục năm qua do người vợ gánh vác hết. Bà còn khuyến khích ông an tâm lo nghĩ và làm tất cả những gì có thể đem lại hạnh phúc cho những người bất hạnh.

Ông giải thích về việc làm của mình rất đơn giản: “Trước giải phóng, tôi từng tham gia phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh Sài Gòn - Mỹ Tho và rất nhiều hoạt động hướng đạo. Chính những hoạt động đó đã giúp tôi hiểu rằng cuộc sống chỉ đẹp, có ý nghĩa khi mình biết giúp đỡ người khác”.

Năm 1991, ông đứng chân vào Hội Chữ thập đỏ xã Bình Đức quê hương ông để có điều kiện thực hiện ý nguyện tốt đẹp đó. Và từ nhiều năm nay hiệu thuốc tây nhỏ ở Khu công nghiệp Mỹ Tho không chỉ là chiếc cần câu cơm của gia đình ông, mà còn là tổ y tế ấp, nơi ông đón tiếp khám bệnh miễn phí cho người nghèo. Đêm hôm khuya khoắt hễ nghe tin gia đình nào có người đau yếu, ông đều có mặt rồi giúp kêu xe đưa đến bệnh viện.

Ở trong xã có bao nhiêu hộ nghèo cần cứu trợ thường xuyên, có bao nhiêu người mắc bệnh nan y mà không có tiền thuốc thang, bao nhiêu đứa trẻ thất học vào đời sớm… ông đều biết rõ. Hôm cùng ông đi một vòng trong xã Bình Đức khảo sát những nơi có thể thả cá bảy màu diệt lăng quăng phòng bệnh sốt xuất huyết, tôi rất ngạc nhiên khi người dân liên tục gọi tên ông hỏi thăm sức khỏe. Những đứa trẻ nhỏ lấm lem bùn đất trong xóm thấy ông đến đều đứng dậy khoanh tay “thưa bác Năm” như thể ông là người thân vậy.

“Phải làm điều gì đó căn cơ hơn để giải quyết được cái gốc của vấn đề. Cách mà Hội Chữ thập đỏ của tôi làm hiện nay giống như anh lính chữa cháy vậy. Làm sao không để xảy ra cháy mới tốt chứ. Chẳng hạn thay vì cứ lo canh chừng rồi phải lo cấp cứu bọn trẻ té sông thì phải dạy cho chúng biết bơi để tự cứu mình” - ông Năm Tuấn nói.

Suy nghĩ đó đã thôi thúc ông làm một việc chẳng giống ai: viết dự án xin tài trợ những chương trình hỗ trợ cộng đồng. Lạ một điều là những dự án ấy đều do chính ông nghĩ ra và tự tổ chức thực hiện luôn. Mỗi dự án chỉ có giá trị vài ba chục triệu đồng, nhưng hiệu quả mang lại không nhỏ tí nào. Chính quyền địa phương từng đề nghị khen thưởng, nhưng ông một mực từ chối vì những gì ông làm xuất phát từ cái tâm chứ không vì… thành tích. Chính quyền địa phương xác nhận rằng tất cả những dự án ông Tuấn được tài trợ đều được báo cáo, công khai chi phí, không hề mẻ một đồng nào.

Viết dự án... cầu may!

pnhBcfy4.jpgPhóng to
Ông Năm Tuấn (thứ hai, từ phải) và các bậc lão nông ở xã Bình Đức, huyện Châu Thành trên sân đình An Đức đã được tu sửa, bảo vệ từ số tiền tài trợ của Ford VN
Tháng 5-2001, tình cờ đọc được một mẩu tin trên báo giới thiệu về Tổ chức Education For Development (EFD), ông Năm Tuấn chong đèn viết thử dự án “Huấn luyện, trang bị đội cấp cứu đường sông chữ thập đỏ và dạy bơi cho trẻ em”. Ông bảo viết cầu may thôi chứ từ trước tới giờ ông chưa nghe ai nói có thường dân nào viết dự án mà được hỗ trợ cả. Vì quá đau đớn khi năm nào cũng có trẻ em chết đuối nên ông làm liều.

Dự án gửi đi rồi, hi vọng sẽ được hỗ trợ thì ít, nhưng sợ địa phương biết chuyện mời ông tới “làm việc” thì nhiều. Cuối cùng thì EFD có thư phúc đáp chấp nhận tài trợ ông thực hiện dự án này với kinh phí 19,2 triệu đồng.

Sau khi báo cáo toàn bộ sự việc cho chính quyền địa phương, ông Năm Tuấn tổ chức thuê xe đưa đón 20 em học sinh trong xã đến Trung tâm văn hóa thiếu nhi tỉnh học bơi mỗi ngày. Số này sau khi học xong về dạy lại cho hàng chục em khác trong xóm.

Sau khi đã huấn luyện cho bọn trẻ biết bơi, ông đưa chúng ra sông Tiền… thực tập. Ngoài ra ông còn tổ chức một đội cấp cứu đường sông nòng cốt là thanh niên xung kích chữ thập đỏ và ngư dân chài lưới ven sông sẵn sàng ứng cứu những trường hợp tai nạn đường thủy trên địa bàn.

Cho tới nay đội cấp cứu này vẫn còn hoạt động. Và điều đáng mừng là từ năm 2001 tới nay không còn đứa trẻ nào ở xã Bình Đức bị chết đuối nữa. “Kết quả lớn nhất mà dự án này mang lại là giúp nâng cao nhận thức cho phụ huynh về việc bảo vệ tính mạng con em mình khi sống ở nơi có nhiều ao, hồ, sông, rạch” - ông Tuấn kết luận.

Cũng trong năm 2001 ông Năm Tuấn còn viết dự án xin kinh phí xây bờ kè bảo vệ đình An Đức ở xã Bình Đức - nơi dân địa phương ghi dấu chiến thắng của nghĩa quân Quang Trung Nguyễn Huệ đánh tan 5 vạn quân Xiêm tại đoạn Rạch Gầm - Xoài Mút năm 1875. Trải qua thời gian, khu vực này bị sóng xâm thực sạt lở tới mép cửa đình. Thấy địa phương không có kinh phí đầu tư, ông Năm Tuấn đã viết dự án và được Công ty Ford VN tài trợ hơn 20 triệu đồng.

Thấy các dự án của mình được “tiếp thu”, năm 2002 ông Năm Tuấn hào hứng viết một loạt dự án khác, nhưng chỉ có mỗi dự án “Xây dựng nhà vệ sinh ở xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành” được VICOM chọn hỗ trợ 15 triệu đồng. Sau khi nhận được vốn, ông Năm Tuấn phối hợp chính quyền địa phương chọn 10 hộ khó khăn nhất cấp vốn xây dựng nhà vệ sinh. Mỗi hộ được cấp 1,5 triệu đồng.

Sau khi làm xong, hằng tháng các hộ này trả lại 100.000 đồng. Tổng số tiền thu được trong tháng là 1,5 triệu đồng sẽ tiếp tục được chuyển cho một hộ khác xây nhà vệ sinh. Đến nay dự án đã kết thúc, với 50 hộ dân xây được nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn. Và toàn bộ số tiền dự án hỗ trợ hồi năm 2002 đã được ông Năm Tuấn hoàn trả cho Tổ chức VICOM.

Đầu năm 2006, dự án “Phục hồi đàn cá thiên nhiên bảo vệ môi trường nước huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang” của ông tiếp tục được Công ty Ford VN đồng ý tài trợ 1.500 USD để thực hiện. Theo quan sát của ông Năm Tuấn, nguồn nước sông rạch ở địa phương ngày càng bị ô nhiễm nặng.

Việc thả các giống cá ở vùng sông nước ĐBSCL như cá bảy màu, cá lia thia, cá trắng Tân Châu… sẽ có tác dụng làm sạch môi trường nước; đồng thời góp phần tiêu diệt lăng quăng phòng chống bệnh sốt xuất huyết cho cộng đồng. Theo kế hoạch, ông sẽ dành phần lớn số tiền Công ty Ford VN tài trợ để đặt mua cá giống thả ở 10 xã trong huyện Châu Thành.

Ông diễn giải kế hoạch của mình: “Tôi không làm theo phong trào như ngành y tế những năm trước đây đâu. Tôi sẽ chọn những nơi có thể bảo tồn và nhân rộng đàn cá để thả; phối hợp với các trạm y tế xây dựng bể lớn, lúc nào cũng đủ cung cấp cá cho dân thả ra môi trường. Như vậy ở các khu dân cư lúc nào cũng có cá diệt lăng quăng phòng bệnh”.

Đầu tháng 5-2006 này Ford sẽ chuyển cho ông số tiền trên để triển khai dự án. Dù chưa nhận được tiền nhưng ông Năm Tuấn đã tất bật đi tìm nơi đặt hàng mua cá, học cách làm bể nuôi, chăm sóc, nhân rộng đàn cá… ngay tại nhà. Ông hi vọng sau một năm thực hiện dự án này, trong cộng đồng dân cư huyện Châu Thành sẽ hình thành được thói quen nuôi cá bảy màu, cá lia thia trong nhà để diệt lăng quăng.

Nói về công việc viết dự án, ông Năm Tuấn thở dài: “Tôi muốn nhiều lắm, nhưng ngặt nỗi không phải cái gì mình muốn cũng được. Có nhiều dự án tôi đầu tư viết nghĩ là sẽ giúp ích nhiều cho cộng đồng nhưng lại không được duyệt, có lẽ do dự án nhỏ quá cũng nên”.

Trong số những dự án bị “vuột”, ông tiếc nhất là dự án “Tín dụng nhỏ cho trẻ em bán vé số”. Chứng kiến cảnh nhiều bé gái bị cha mẹ ép bỏ học đi bán vé số, do không có vốn nên tiền lời không nhiều mà còn tiềm ẩn nguy cơ bị dụ dỗ, xâm hại…, ông viết dự án với ý định hỗ trợ vốn để các em lấy vé số trực tiếp của đại lý, tiền lời sẽ nhiều hơn mà còn tránh được những nguy cơ. Ông tính toán: “Với số tiền 200.000 đồng vốn, mỗi ngày các em sẽ kiếm được khoảng 30.000 đồng tiền lời.

Dự án sẽ thu hồi 10.000 đồng trong số đó để góp lại hỗ trợ cho em khác. 20.000 đồng còn lại các em sẽ đưa cho cha mẹ mua gạo. Chỉ trong một tháng là các em có thể trả hết tiền vốn cho dự án mà vẫn còn nguyên 200.000 đồng đã hỗ trợ trước đó. Dự án sẽ luân phiên hỗ trợ số trẻ em khác cùng hoàn cảnh”. Thế nhưng, ước muốn nhỏ bé của ông Năm Tuấn đã không trở thành hiện thực vì chưa có nhà tài trợ. Nhưng dù gì đi nữa thì ông cũng đã thề: “Hễ còn sức khỏe, còn minh mẫn là tôi sẽ còn tiếp tục viết dự án”.

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên