22/09/2020 13:48 GMT+7

Phó thủ tướng: Nhu cầu sở hữu ôtô ngày càng nhiều, phải có ôtô thương hiệu Việt

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ có nhiều giải pháp khuyến khích phát triển ngành ôtô Việt Nam trước xu hướng ôtô hóa, nhu cầu sở hữu ôtô ngày càng tăng.

Phó thủ tướng: Nhu cầu sở hữu ôtô ngày càng nhiều, phải có ôtô thương hiệu Việt - Ảnh 1.

Khởi động Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công Việt Hưng - Ảnh: Chinhphu.vn

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã phát biểu như vậy tại buổi lễ khởi động Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ôtô Thành Công Việt Hưng (tỉnh Quảng Ninh) sáng 22-9. Tổ hợp là kết quả hợp tác giữa Quảng Ninh và Tập đoàn Thành Công (TC Motor).

Theo Phó thủ tướng, xu hướng "ôtô hoá" đang gia tăng mạnh mẽ khi nhu cầu sở hữu ôtô ngày càng tăng. Tuy vậy, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu nhiều ôtô để tiêu dùng, trong khi ôtô sản xuất trong nước đạt tỷ lệ nội địa hoá rất thấp.

Do đó, ông nhấn mạnh mục tiêu của Chính phủ là phải có ôtô thương hiệu Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam có chất lượng tốt, đẹp, thuyết phục được người tiêu dùng sử dụng.

"Các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm cách tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị ngành ô tô, tăng dần tỉ lệ nội địa hóa của ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước cũng như tiến tới tham gia các chuỗi giá trị công nghiệp ôtô toàn cầu" - Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Hạn chế lớn nhất của ngành công nghiệp ôtô là thiếu sự vào cuộc của các doanh nghiệp "đầu tàu", dẫn dắt các doanh nghiệp hỗ trợ phát triển thông qua việc đặt hàng, hỗ trợ công nghệ, quản lý, nhân lực...

Vì vậy, Phó thủ tướng kỳ vọng với các thương hiệu ôtô của Tập đoàn Thành Công, tổ hợp công nghiệp phụ trợ sẽ không chỉ là nguồn cung cho các hoạt động sản xuất kinh doanh hiện có, mà còn hướng tới xuất khẩu, giúp ngành công nghiệp phụ trợ ôtô Việt Nam tiếp cận tới các thị trường khu vực và thế giới.

Ông Lê Ngọc Đức, tổng giám đốc Tập đoàn Thành Công, cho biết Tổ hợp công nghiệp phụ trợ Việt Hưng là nơi thu hút và quy tụ nhiều doanh nghiệp trong ngành phụ trợ ôtô, sản xuất linh kiện và phụ tùng, đặc biệt là những bộ phận có hàm lượng công nghệ cao.

Các sản phẩm không chỉ là nguồn cung cho hoạt động sản xuất kinh doanh ôtô cốt lõi của Tập đoàn Thành Công, mà còn hướng tới xuất khẩu ra khu vực và thế giới. Đây là hướng đi nhằm phù hợp với định hướng của Chính phủ là gia tăng tỉ lệ nội địa hóa, tăng khả năng tự chủ trong sản xuất ôtô Việt Nam, đưa ngành công nghiệp ôtô trở thành ngành quan trọng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Phó thủ tướng: Nhu cầu sở hữu ôtô ngày càng nhiều, phải có ôtô thương hiệu Việt - Ảnh 2.

Phó thủ tướng nhấn mạnh tạo mọi thuận lợi cho phát triển ngành công nghiệp ô tô - Ảnh: Chinhphu.vn

Để thúc đẩy ngành ô tô, Phó thủ tướng khẳng định Chính phủ, Thủ tướng đặc biệt coi trọng và đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để khuyến khích phát triển ngành công nghiệp ô tô. Xuất phát từ sự thay đổi quan niệm, thay vì đặt ra những chỉ tiêu nội địa hóa không sát với thực tế, là cách tiếp cận hài hòa, theo hướng chuỗi giá trị toàn cầu.

Đồng thời, khuyến khích các nhà sản xuất ô tô lớn thay vì nhập khẩu sẽ chuyển sang lắp ráp tại Việt Nam thông qua các chính sách hỗ trợ bình đẳng, hấp dẫn. Doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu phát triển các mẫu ô tô Việt Nam với tỉ lệ nội địa hóa cao, các doanh nghiệp lắp ráp đầu tư dây chuyền, đổi mới công nghệ.

"Chính phủ khẳng định sẽ ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp ô tô nói chung, trong đó có các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, với mục tiêu nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, giảm giá thành, tăng chất lượng sản phẩm. Mục tiêu cuối cùng là phát triển được ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên