21/12/2024 12:50 GMT+7

Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình: Khoảng 100.000 cán bộ, công chức ảnh hưởng khi tinh gọn bộ máy

Theo Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình, việc tinh gọn bộ máy lần này số lượng người bị ảnh hưởng khá đông, có thể là đông nhất từ trước đến nay, với khoảng 100.000 người.

Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình: Khoảng 100.000 cán bộ, công chức ảnh hưởng khi tinh gọn bộ máy - Ảnh 1.

Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình - Ảnh: X.TRUNG

Sáng 21-12, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết của Bộ Nội vụ, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình nêu rõ trong thành công lớn của Chính phủ năm 2024 có sự đóng góp rất hiệu quả của Bộ Nội vụ.

Kết hợp tinh gọn với sắp lại đội hình, lựa chọn được tinh hoa

Dành nhiều thời gian đề cập đến vấn đề sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, phó thủ tướng thường trực cho biết ông cùng với lãnh đạo Bộ Nội vụ và các cơ quan tham mưu đã họp nhiều cuộc về chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức.

Phó thủ tướng nói ngày hôm nay phải "nộp bài" cho Bộ Chính trị về nội dung chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức để thông qua khi làm sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Không biết "ngày mai, ngày mốt" Bộ Chính trị thông qua như thế nào nhưng về cá nhân cảm thấy rất yên tâm, đảm bảo.

"Mặc dù bình diện số lượng người bị ảnh hưởng khá đông, có lẽ là đông nhất từ trước đến nay, khoảng 100.000 người, nhưng chúng ta mạnh dạn bỏ ra nguồn lực đáng kể. Với chính sách nếu được Bộ Chính trị đồng ý là chính sách đặc thù vượt trội, đảm bảo quyền lợi của cán bộ, công chức", ông Bình nêu rõ.

Bên cạnh các kết quả đạt được, phó thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ cần tập trung khắc phục các tồn tại, hạn chế.

"Chúng ta cần tiếp tục suy nghĩ làm sao đánh giá cán bộ cho đúng. Làm sao như Tổng Bí thư Tô Lâm nêu là loại bỏ được người lười biếng trong bộ máy, thu hút người tài cho nền hành chính công.

Bởi bộ máy có khoa học bao nhiêu, tinh gọn hợp lý bao nhiêu thì hiệu lực, hiệu quả của bộ máy phải do con người quyết định.

Làm sao kết hợp tinh gọn với sắp lại đội hình, lựa chọn được tinh hoa, những người thực sự tâm huyết, thực sự có đóng góp, có kinh nghiệm, bản lĩnh. Bài toán rất khó nhưng phải quyết tâm làm...", ông Bình lưu ý.

Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình: Khoảng 100.000 cán bộ, công chức ảnh hưởng khi tinh gọn bộ máy - Ảnh 3.

Quang cảnh hội nghị - Ảnh: T.Đ.

Tinh gọn cơ quan Đảng phải xong trước 10-2-2025

Ông Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh thêm một số nội dung về nhiệm vụ năm 2025 của ngành. Trong đó việc thực hiện tinh gọn bộ máy theo nghị quyết 18 đang được thực hiện rất khẩn trương, quyết liệt, quyết tâm. Đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải xác định đây là trách nhiệm, nhiệm vụ của toàn hệ thống, chứ không phải chỉ Bộ Nội vụ.

"Các cơ quan Đảng gương mẫu làm trước, nhập cái nọ, nhập cái kia. Hệ thống tạp chí của Đảng, một số tổ chức Đảng thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị thì tuần sau Bộ Chính trị kết luận và triển khai ngay. Hạn cuối cùng 10-2-2025 phải xong. Anh nào làm trước thì hoan nghênh", ông Bình nhấn mạnh.

Theo phó thủ tướng, trong tinh gọn bộ máy, dư luận quan tâm đến bộ nọ hợp nhất với bộ kia nhưng không phải như vậy, mà tất cả các bộ, địa phương phải tinh gọn từ bên trong và tối thiểu phải giảm 15-20%.

Cá biệt có đơn vị Chính phủ đặt ra yêu cầu phải giảm 40% như một số vụ, viện đang tổ chức riêng thì cần nhập lại thành một đơn vị chung. Các bộ, địa phương cần chủ động đề xuất phương án tinh gọn bên trong

Với riêng Bộ Nội vụ trong thực hiện tham mưu nghị quyết 18, ông Bình nói có 4 nhiệm vụ rất quan trọng.

Thứ nhất, phải tham mưu xây dựng mô hình bộ máy tinh gọn. Việc này đang thực hiện và hợp nhất của trung ương sẽ là cơ sở cho địa phương thực hiện.

Thứ hai, hình thành cơ chế, chính sách đủ mạnh, đủ ưu đãi để khuyến khích, hỗ trợ người lao động khi thực hiện tinh gọn bộ máy.

Thứ ba, hình thành hạ tầng pháp lý cho bộ máy hoạt động như nghị quyết của Quốc hội, nghị định của Chính phủ, chức năng nhiệm vụ, quy chế.

Thứ tư, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc này.

"Làm nhanh, khẩn trương nhưng rất khoa học. Chúng ta đổi mới, sáng tạo để tiến lên phía trước nhưng phải rất bình tĩnh đề phòng các rủi ro. Người lãnh đạo giỏi là người biết xông lên nhưng cũng phải phòng ngừa các rủi ro", ông Bình nêu thêm.

Về các rủi ro, theo ông Bình, cần tránh nhập nhưng nhập cơ học hay nhập nhưng có chỗ không hợp lý. Dù rằng rất khó nhưng phải lường hết tất cả các vấn đề này, hạn chế tối đa rủi ro. Đồng thời nên vừa làm vừa thăm dò, điều chỉnh...

Một việc khác cần lưu ý là các bộ, ngành, địa phương làm sao khi thực hiện tinh gọn nhưng nền hành chính công, bộ máy vẫn phải vận hành, phục vụ nhân dân đảm bảo, không bị ngắt quãng.

Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình: Khoảng 100.000 cán bộ, công chức ảnh hưởng khi tinh gọn bộ máy - Ảnh 4.Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ báo cáo, đề án liên quan tinh gọn bộ máy

Đây là thông tin được Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành nội vụ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên