Phóng to |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Sau khi phần hai bộ phim Truyền thuyết Jumong kết thúc, thời điểm 21g trên VTV1 sẽ chính thức trở thành giờ chuyên phát sóng phim Việt.
120 tập phim do Trung tâm Sản xuất phim truyền hình VN (VFC) đã sẵn sàng chờ đến giờ “G” là xuất quân. Sau đó đến các phim của những đơn vị khác thực hiện. Xung trận đầu tiên sẽ là phần tiếp theo bộ phim Cảnh sát hình sự (35 tập) với hai bộ phim Đột kích và Kẻ giấu mặt. Bên cạnh đó, có một số phim đáng chú ý khác như Ma làng, Luật đời, Cổng trường thời mở cửa...
Ông Trần Đăng Tuấn, phó tổng giám đốc VTV, cho Tuổi Trẻ biết thêm thông tin xung quanh lần “ra quân” rầm rộ này.
* Ông có đánh giá ban đầu như thế nào về những bộ phim này, liệu chúng có thể “níu kéo” được khán giả trước màn ảnh nhỏ?
- Để hấp dẫn khán giả, yếu tố chất lượng phim là hàng đầu. Nhưng yếu tố khác không kém phần quan trọng là tính ổn định của giờ phát. Vì điều này sẽ tạo thành thói quen khán giả đón xem phim VN vào giờ cố định, liên tục.
Làm một bộ phim nhiều tập, đứng ở góc độ chuyên môn rất khó tìm được những bộ phim tuyệt mỹ. Nhưng bù lại yếu tố “nhiều tập” là quan trọng bởi nó khiến khán giả càng xem càng thấy gần gũi với nhân vật, bối cảnh. Từ đó, sự gắn bó với nhân vật tăng lên.
Một đạo diễn Mỹ khi được hỏi tại sao lại làm phim dài tập, ông ta trả lời rằng vì chưa biết cách làm phim thật hay. Vậy đó, phim dài tập khiến suy nghĩ khán giả không bị ngắt đoạn, hiệu ứng từng người cùng tham gia phim là yếu tố quan trọng quyết định thành công.
* Xem ra ông chấp nhận quan điểm làm phim dài tập có thể... không hay?
- Làm phim nhiều tập hay là mong muốn của bất kỳ ai. Nhưng sự thật hiện nay là không có nhiều phim hay lại kèm theo nội dung không sai sót. Phim điện ảnh chỉ diễn ra trong khoảng 100 phút vì thế có thể dốc toàn lực lượng để thực hiện, cũng như trong trận chung kết bóng đá người ta sẽ đá hết mình vì không còn gì để mất. Còn phim nhiều tập lại khác. Có thể nếu tách riêng từng tập khán giả sẽ không cảm thấy hay lắm. Nhưng nếu số lượng tập dài, cuộc sống của nhân vật sẽ trở nên quen thuộc, gắn bó, vì thế tác phẩm ấy cũng sẽ được hưởng lợi, được yêu thích.
Phóng to |
Ông Trần Đăng Tuấn |
- Về xã hội hóa, thật ra VTV làm đầu tiên. Nhưng tiến trình thực hiện chậm. Có nhiều lý do cho vấn đề này. Thứ nhất, truyền hình VN không thực hiện những hợp đồng giao trọn một giờ phim cho một công ty nào mà theo hướng làm từng phim một. Một hội đồng thẩm duyệt sẽ đọc và chọn các kịch bản do các đơn vị gửi đến. Sau đó khi kịch bản chi tiết được thông qua, chúng tôi mới ký hợp đồng hợp tác cùng công ty đó làm phim. Ngoài ra, thời gian cho những cuộc thương thảo, văn bản, pháp chế cũng ràng buộc chúng tôi nhiều.
Mấy năm trước, khi đặt vấn đề xã hội hóa nhiều người lo là sẽ không có ai cùng làm, nhưng xã hội có nhu cầu thì ắt sẽ có nguồn lực để thực hiện và thực tế đã diễn ra đúng như dự đoán. Điều này là đáng mừng. Nhưng chính trong giai đoạn này lại không được chủ quan. Vấn đề không phải là số lượng mà là chất lượng của phim. Có thể trong giai đoạn đầu tạm chấp nhận những bộ phim “tàm tạm”, nhưng không nên vì số lượng mà hi sinh chất lượng.
Chúng tôi cũng rất lo ngại vì hiện tại phim truyền hình đã đề cập quá nhiều đến lối sống, tình yêu tay ba, tay tư... Không khéo giờ phim Việt các đài cứ giông giống nhau. Giai đoạn đầu không nên khắt khe nhưng theo tôi, VTV cần tìm ra một dòng phim khác với các đài truyền hình khác.
* Vậy theo ông, định hướng dòng phim của VTV sẽ như thế nào?
- Nếu là tôi, tôi muốn thực hiện dòng phim theo chủ nghĩa hiện thực, tính xã hội phải cao. Tôi không phủ nhận vai trò các phim đề cập đến mối tình tay ba tay tư, chuyện lối sống bây giờ hay những vấn đề về giới trẻ, nhưng chúng ta cũng cần tỉ lệ lớn các phim phản ánh xã hội. Tôi nghiêng về những phim như Chạy án. Xét cho cùng, phim này không hay hơn các phim khác nhưng lại thu hút đông người xem vì có tính xã hội cao. Trước đây phim VTV cũng theo kiểu đó như Chuyện làng Nhô... chẳng hạn.
* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.
600 tập phim/năm "Theo Luật điện ảnh, tỉ lệ phát sóng phim Việt Nam trên truyền hình đạt 30% so với tổng lượng phát sóng, như vậy mỗi năm sẽ có khoảng 600 tập phim được phát sóng trên VTV. VFC có thể cáng đáng thực hiện được 50%, còn lại là các bộ phim do các đơn vị bạn thực hiện. Số lượng là quan trọng nhưng chất lượng còn quan trọng hơn. Phim của VFC không đi theo hướng làm những bộ phim nói về các mối tình tay ba tay tư, mà sẽ chú trọng làm những phim có vấn đề” - ông Nguyễn Khải Hưng, giám đốc VFC, cho biết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận