27/02/2019 10:53 GMT+7

Phim về chuyện nhạy cảm của phụ nữ gây sốt ở Oscar

NGỌC ĐÔNG
NGỌC ĐÔNG

TTO - 'Em không biết cái đó', 'tôi không biết xài đâu' là hai trong số những câu trả lời cho câu hỏi 'em/chị có biết băng vệ sinh không?' mà bộ phim tài liệu Period. End of Sentence phản ánh.

Phim về chuyện nhạy cảm của phụ nữ gây sốt ở Oscar - Ảnh 1.

Cảnh trong phim cho thấy các cô gái mắc cỡ khi được hỏi về chuyện kinh nguyệt - Ảnh: Netflix

Câu chuyện tưởng như đùa, mà là thật, thật đến mức nó được người ta làm thành phim và rồi bộ phim đó giành luôn cả giải Oscar cho Phim tài liệu ngắn xuất sắc nhất năm 2019.

Trong đoạn trailer giới thiệu bộ phim, không chỉ các em gái trẻ, mà cả những người phụ nữ lớn hơn, cũng cười thẹn thùng mắc cỡ khi được hỏi về chuyện kinh nguyệt.

"Chúng tôi toàn dùng vải thôi", một người phụ nữ trả lời.

Trailer phim Period. End of Sentence

Dự án băng vệ sinh

Period. End of Sentence. là một phần của dự án The Pad Project (Dự án băng vệ sinh) được lập ra với mục đích giúp nữ giới ở những nơi khó khăn có thể tiếp cận các biện pháp vệ sinh trong chu kỳ kinh nguyệt của họ.

Có bối cảnh tại một ngôi làng nhỏ thuộc miền quê hẻo lánh ở Ấn Độ, bộ phim dài 26 phút kể câu chuyện về những người phụ nữ địa phương chống lại định kiến xã hội về chuyện kinh nguyệt của phụ nữ.

Họ dùng một chiếc máy để sản xuất ra những chiếc băng vệ sinh phân hủy sinh học giá rẻ, vừa cung cấp băng vệ sinh cho nhu cầu của nữ giới địa phương, vừa cải thiện sinh kế.

Chiếc máy này là phát minh của "vua băng vệ sinh" Ấn Độ Muruganantham và được The Pad Project tài trợ cho ngôi làng này.

Theo tạp chí Time, The Pad Project bắt đầu khi cô giáo Melissa Berton của Trường trung học Oakwood School ở Los Angeles (Mỹ) và một học sinh tham gia hội thảo của Liên Hiệp Quốc về phụ nữ và biết được những khó khăn mà phụ nữ ở nhiều nơi phải chịu vì chuyện kinh nguyệt.

Cô quyết định hành động, kêu gọi một nhóm học sinh đang tham gia các hoạt động vì phụ nữ ở trường cùng mình sáng lập dự án The Pad Project, hợp tác với các nhóm hoạt động gây quỹ để mua chiếc máy sản xuất băng vệ sinh.

Không chỉ cung cấp chiếc máy, The Pad Project còn muốn tạo nên một cuộc đối thoại, muốn tất cả mọi người cùng nói về vấn đề này, từ đó Period. End of Sentence. ra đời.

"Chúng tôi nghĩ sẽ hiệu quả hơn nếu chúng tôi cho mọi người thấy vấn đề, hơn là chỉ có chúng tôi nói về nó", một em học sinh trong nhóm tên Claire Sliney nói.

Số liệu cho thấy 23% nữ sinh ở miền quê Ấn Độ phải bỏ học khi đến tuổi dậy thì, vì các em không có khả năng chi trả cho các sản phẩm vệ sinh, trong khi đó 40% trường học địa phương cũng không có nhà vệ sinh riêng cho nữ để các em có thể thay băng vệ sinh.

"Có nhiều cô gái không có tiền mua băng vệ sinh, đồng nghĩa với việc mỗi khi đến kỳ kinh, họ phải dùng những thứ khác thay thế như giẻ bẩn, lá cây, hay là tro. Ngoài nguy cơ nhiễm trùng cao khi đến kỳ kinh, họ còn phải nghỉ học, và càng nghỉ học thì khả năng bỏ học hẳn lại càng cao", The Pad Project chia sẻ trên website dự án.

Video quảng bá cho dự án The Pad Project và bộ phim, có sự tham gia của nữ diễn viên nổi tiếng người Ấn Độ Priyanka Chopra

Nỗi xấu hổ mang tên kinh nguyệt

"Khi tôi đến đó, đối diện với những người phụ nữ đó, tôi nhận thấy rõ ràng rằng chuyện kinh nguyệt đối với họ là một điều rất xấu hổ. Nó đã cản trở nhiều phụ nữ trong một khoảng thời gian quá dài rồi", nữ đạo diễn Rayka Zehtabchi của Period. End of Sentence. kể lại trong một cuộc phỏng vấn với chương trình Today của Mỹ.

Quá trình làm phim khiến Rayka Zehtabchi thấy rõ được định kiến về kinh nguyệt đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân ở đó như thế nào.

Một trong những khoảnh khắc khiến êkip làm phim "nổi điên" nhất là khi họ nói chuyện với những phụ nữ lớn tuổi, Rayka chia sẻ với Glamour.

"Đó là những người đã sống với kinh nguyệt cả đời, là những người lẽ ra phải nói với con gái họ về chuyện kinh nguyệt, thì chính họ cũng không thể nói được vì sao họ lại có kinh nguyệt mỗi tháng, hay thậm chí tại sao họ lại có kinh nguyệt. Điều đó làm chúng tôi rất đau lòng", nữ đạo diễn 25 tuổi bày tỏ.

Khi Sneha, một cô gái trong phim, bắt đầu làm công việc sản xuất băng vệ sinh, cô nói với cha mình là đang làm tã lót cho trẻ em.

"Xấu hổ lắm, tôi còn chẳng thể nói với bạn bè chuyện đó thì làm sao nói với cha tôi được", Sneha chia sẻ với Time.

"Chuyện đó" là từ thường được nhiều người ở Ấn Độ dùng khi nói về kinh nguyệt, băng vệ sinh, sức khỏe phụ nữ, bởi "chuyện đó" vốn bị kỳ thị.

Ở Ấn Độ, phụ nữ khi hành kinh vẫn bị xem là "dơ" và thậm chí một ngôi đền còn cấm phụ nữ trong độ tuổi hành kinh đến vì họ bị xem là "không thuần khiết".

Trong kỳ kinh, nhiều phụ nữ bị cấm làm các công việc hằng ngày như đi viếng đền chùa và nấu ăn.

Thậm chí ở những thành phố lớn, cảm giác không thoải mái về chuyện kinh nguyệt được thể hiện ở chỗ nhiều cửa hàng gói bằng vệ sinh trong giấy báo hoặc giấy nâu cho kín đáo trước khi đưa cho khách hàng.

Period là một dấu chấm câu

Phần phát biểu khi nhận giải của cô Melissa Berton đã nhận được nhiều sự tán dương tại lễ trao giải Oscar 2019 tối ngày 24-2 (giờ Mỹ).

"A period should end a sentence, not a girl's education", cô phát biểu.

Trong tiếng Anh, từ "period" vừa có nghĩa là kinh nguyệt, cũng có nghĩa là dấu chấm câu, ý của Melissa Berton muốn nói ở đây là hãy để "period" là một dấu chấm kết thúc câu, chứ không phải "period" là dấu chấm kết thúc sự nghiệp học hành của nữ giới.

Phim về chuyện nhạy cảm của phụ nữ gây sốt ở Oscar - Ảnh 4.

Rayka Zehtabchi (váy đen) và Melissa Berton (váy xanh) nhận giải Phim tài liệu xuất sắc nhất tại lễ trao giải Oscar 2019 ngày 24-2 - Ảnh: AP

Trong khi đó, theo nữ đạo diễn Rayka Zehtabchi, không chỉ phụ nữ phải tự giải phóng mình ra khỏi những kỳ thị, mà nam giới cũng nên tham gia "cuộc chiến" này.

Trước đó, một thành viên ban giám khảo Oscar giấu tên cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều khi cho rằng nam giới sẽ không bình chọn cho bộ phim về kinh nguyệt này vì thấy "kỳ kỳ".

"Sau khi xem bộ phim này, tôi hi vọng mọi người hiểu rằng nỗi kỳ thị kinh nguyệt này không chỉ ảnh hưởng phụ nữ ở Ấn, mà cả ở Mỹ và những nên văn hóa khác cũng vậy. Tôi muốn khán giả nhận ra rằng việc ủng hộ quyền phụ nữ trên toàn cầu thật sự bắt đầu bằng những chuyện cơ bản như thế này, với những cuộc đối thoại cởi mở về kinh nguyệt" - Rayka Zehtabchi chia sẻ.

"Tôi cũng muốn mọi người nhận ra đây không chỉ là một bộ phim dành cho phụ nữ mà cũng cho cả nam giới. Họ chiếm 50% dân số, và nam giới cần có những cuộc đối thoại về chuyện này như phụ nữ" - cô nhấn mạnh.

Oscar 2019 bất ngờ và gây tranh cãi không chỉ với Green Book Oscar 2019 bất ngờ và gây tranh cãi không chỉ với Green Book

TTO - Giống năm ngoái với The Shape of Water, Oscar lần thứ 91 năm nay tiếp tục gây sốc khi hạng mục Phim hay nhất được trao cho Green Book - bộ phim gây nhiều tranh cãi, thay vì Roma - kiệt tác rất được lòng giới phê bình.

NGỌC ĐÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên