22/09/2014 09:50 GMT+7

Phim lịch sử: đứng giữa các “làn đạn”

NAM PHÚ
NAM PHÚ

TT - Không thể đòi hỏi phải có ngay những bộ phim hoàn hảo về thể loại một khi chưa thể có đủ các phương tiện kỹ thuật, các điều kiện dàn dựng, trường quay...

Các phim truyện về lịch sử Việt Nam - nhất là lịch sử chiến tranh cách mạng - gần đây vừa ít lại vừa không gây được những hiệu ứng phòng vé tích cực. Trong ảnh: cảnh trong phim Sống cùng lịch sử - Ảnh: ĐPCC
Các phim truyện về lịch sử Việt Nam - nhất là lịch sử chiến tranh cách mạng - gần đây vừa ít lại vừa không gây được những hiệu ứng phòng vé tích cực. Trong ảnh: cảnh trong phim Sống cùng lịch sử - Ảnh: ĐPCC

Trong hơn 100 ý kiến bạn đọc bày tỏ sự thất vọng dành cho các phim lịch sử làm xong chỉ để “đắp chiếu” (Tuổi Trẻ ngày 18, 19 và 20-9), tiền bạc nhà nước và tấc lòng đau đáu của khán giả bị phung phí lẫn xem nhẹ dường như luôn được kê ra làm nguyên cớ đầu tiên.

Làm phim lịch sử thường dựa vào một nhân vật, câu chuyện hay sự kiện lịch sử có thật. Điều tưởng là thuận lợi vì đã có sẵn chất liệu ấy thực tế có thể gây lúng túng cho người làm phim.

Nệ thực hay hư cấu

Những phim lịch sử, sau khi xong sứ mệnh phục vụ khán giả miễn phí, đi về đâu?

Kênh phát hành mở rộng đến hệ thống nhà trường, thiển nghĩ sẽ hữu ích nếu đôi bên coi đây là động thái nhắm đến giáo dục.

Nhiều phim chiến tranh của ta, khi ra nước ngoài, thường được chiếu ở các trường đại học như một cách để họ thông hiểu về Việt Nam.

Một bối cảnh giáo dục đang cần vươn tới tri thức đa nguồn như hiện tại thì phim ảnh không nên đứng ngoài cuộc.

Truyền thống nệ thực, nệ sử quá dai dẳng trong văn học nghệ thuật ở ta rất dễ chặn đứng những ý đồ hư cấu, thêm bớt hoặc làm mới sự thật từng có.

Truyền thống ấy mách bảo khán giả Việt rằng câu chuyện vừa xem hôm nay vô lý, rời xa những hiểu biết đã mặc định như thế nào.

Nhưng chắc chắn đối với điện ảnh thế giới, không mấy ai, kể cả những người ưa sự chính xác tuyệt đối, lại đeo kính lúp để bắt bẻ những Waterloo (đạo diễn - ĐD - Sergei Bondarchuck), Gettyburg (ĐD Ronald F. Maxwell), Pearl Harbor (ĐD Michael Bay), Letters from Iwo Jima (ĐD Clint Eastwood) hay thậm chí Đại chiến Xích Bích (ĐD Ngô Vũ Sâm)... đã sai khác ra sao so với các trận đánh có thực (hoặc huyền thoại hóa) rất nổi tiếng mà họ lấy làm cảm hứng tái dựng.

Vì nệ thực nên ngay cả Đường thư (ĐD Bùi Tuấn Dũng) hay Mùi cỏ cháy (ĐD Nguyễn Hữu Mười), những phim dựa trên nhiều chất liệu cá nhân (của chính người biên kịch), cũng có nhiều trường đoạn đạo diễn xử lý thiếu tự nhiên về cảnh chiến trận, chỉ cốt chú trọng vào việc gửi gắm thông điệp những người lính trẻ đã sống hồn nhiên, trẻ trung và hi sinh anh dũng.

Hoa ban đỏ (ĐD Bạch Diệp), Ký ức Điện Biên (ĐD Đỗ Minh Tuấn), Sống cùng lịch sử (ĐD Nguyễn Thanh Vân) đều mô tả Điện Biên Phủ trong môtip khoét núi ngủ hầm, dân công hỏa tuyến, y tá - chiến sĩ mặt trận, không phải vì tài năng ĐD hạn chế mà do áp lực kể chuyện “y chang như thật” khiến họ bỏ ngỏ những mãnh lực hư cấu.

Cảm giác “một tí gọi là” trong nhiều sự thật ở đây chỉ có thể gây xúc động với thế hệ có chung ký ức, chứ rất khó chạm đến những thế hệ mà sự trải nghiệm quá khứ chỉ hiện hữu trong tưởng tượng.

Đường đến khán giả

Những nhà làm phim lịch sử, chiến tranh không phải không có những nỗ lực vận dụng nhiều thủ pháp phá vỡ thể loại, hướng đến bán hư cấu (docu-fiction) để vượt khỏi tính chất gò bó, công thức vốn từng gây nhàm chán.

Tuy nhiên, ngay cả khi có dấu ấn cá nhân mạnh mẽ thì những Ngã ba Đồng Lộc (ĐD Lưu Trọng Ninh), Đời cát (ĐD Nguyễn Thanh Vân), Sống trong sợ hãi (ĐD Bùi Thạc Chuyên), Đừng đốt (ĐD Đặng Nhật Minh)... vẫn không thật sự kéo được khán giả đến rạp, nơi mà trên thực tế đang tỏ ra bảo vệ thành lũy thẩm mỹ phim giải trí đơn thuần.

Thậm chí trong số khán giả đông đảo này, lựa chọn vé xem, nghịch lý thay, vẫn dành cho những phim thuộc thể loại chiến tranh, lịch sử của nước ngoài với háo hức rằng chúng hoành tráng, hấp dẫn và “có thực” hơn.

Lớp khán giả đáng lẽ của phim chiến tranh cách mạng Việt Nam, đối tượng sang trọng và đáng chờ đợi ấy, có thể đang bận dạy ca ba hoặc chỉ nằm nhà xem phim online.

Trước tình thế oái oăm đó, nhà làm phim lịch sử có lẽ là tấm bia di động mà dù chạy về phía nào, phục vụ khán giả hay “hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao”, cũng đều bị bắn trúng.

Không thể đòi hỏi phải có ngay những bộ phim hoàn hảo về thể loại một khi chưa thể có đủ các phương tiện kỹ thuật, các điều kiện dàn dựng, trường quay.

Nên chăng hướng đến lựa chọn cách làm tối giản thật sự sáng tạo, lược bớt thông điệp để tập trung xử lý những chi tiết “nho nhỏ” nhưng có cá tính nghệ thuật.

Một đề tài tưởng đã cạn kiệt khai thác là lò thiêu (trại tập trung phát xít) vẫn luôn có những bộ phim xuất sắc trong điện ảnh châu Âu. Chiến tranh, lịch sử Việt Nam có thể vươn tới kết quả đó nếu những cơ hội làm mới, làm khác không bị vướng vào công thức có sẵn.

NAM PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên