29/10/2014 10:30 GMT+7

Phim Hương Ga: vừa đủ... căng thẳng

CHU TRẦN MINH ĐỨC
CHU TRẦN MINH ĐỨC

TT - Không nhiều phim Việt ra rạp với đề tài xã hội đen đặt trong bối cảnh Sài Gòn, cùng với dàn diễn viên đẹp về hình thể, mạnh về tuổi trẻ. Vì thế, ít nhiều Hương Ga mang một sức hút.

Trương Ngọc Ánh (vai Hương Ga) trong cảnh đốt chợ - Ảnh: Galaxy

Phim vừa có buổi chiếu ra mắt vào ngày 27-10, trước khi khởi chiếu trên toàn quốc từ ngày 31-10.

Cường Ngô trước đây thành công với một số phim ngắn (Cây trâm vàng, Hành trình...) nhưng chưa tạo được tiếng vang với phim truyện dài, và có lẽ nhờ những lần hợp tác tại VN (Ngọc Viễn Đông) mà trong bộ phim này, Cường Ngô đã quy tụ được nhiều tên tuổi, trong đó có Trương Ngọc Ánh - người thủ vai Hương Ga trong bộ phim cùng tên.

Tạo hình của Hương Ga khá đơn giản, hẳn Cường Ngô cũng nhìn thấy trước mắt mình một giai nhân lâu năm của showbiz Việt, chỉ cần làm quá tiểu tiết nào đó trên Trương Ngọc Ánh thì một Hương Ga khắc khổ, chai sạn... trở nên khiên cưỡng và thiếu độ tin cậy.

Rất may với kinh nghiệm diễn xuất, Trương Ngọc Ánh gần như không bị “hụt” ở bất kỳ cảnh quay nào, nếu không nói rằng Hương Ga của cô vừa đẹp, vừa khí phách lại vừa giàu năng lượng để yêu, ghét.

Trong hành trang của mình, Cường Ngô bộc lộ cho người ta cảm giác về phong cách làm phim của anh: đậm chất tự sự, vừa bay bổng nhẹ nhàng, nhưng thoáng chút cường điệu về xử lý.

Với kinh nghiệm làm những bộ phim như thế, anh đã gặp phần nào khó khăn trong việc dung hòa hai yếu tố: cảm thụ và hưởng thụ trong Hương Ga.

Ngoài việc hưởng thụ những cảnh hành động khá sạch sẽ, gọn gàng rất khó tìm thấy ở phim hành động trong nước, thì sẽ hơi thất vọng bởi những đoạn chuyển cảnh “melodrama” của phim.

Một phần có lẽ cũng từ khâu biên tập và dựng phim nên vào giữa câu chuyện, mạch phim hơi chao đảo, khá vội trong tình tiết nhưng lại chậm (vì thiếu) trong chi tiết.

Có thể đây là phim hành động đầu tiên của Cường Ngô nên anh đi theo những công thức có sẵn. Phim có những lúc căng thẳng, cao trào, mạch nhanh, nhưng cũng có lúc giãn nở và chậm rãi.

Cốt truyện của Hương Ga có nhiều tình tiết, nhưng lại không nhiều chi tiết - thứ làm nên ngôn ngữ điện ảnh riêng. Bù lại, so với những phim Việt nghèo nàn về kịch bản thì sự xuất hiện của Hương Ga cho thấy sự đầy đặn của kịch bản (biên kịch: Nguyễn Thị Minh Ngọc):

Một cô gái trẻ đi vượt biên cùng gia đình và bị hãm hại. Chính nỗi đau mất cha mẹ, mất trinh tiết, xem như cuộc đời của Hương Ga đã bị đóng băng. Thậm chí ngay cả đối với tình yêu của cô cũng bắt đầu và kết thúc ở nơi mà chẳng mấy ai muốn vào.

Nhưng nếu vai nữ chính được khắc họa rõ nét thì hầu như vai nam thứ chính/phụ đều từ tạm được cho đến nhạt. Chỉ có thể khen Kim Lý rất đẹp trên màn ảnh và cũng rất “ngầu”, hay một Chi Bảo “ác như thật” với kiểu đối đáp rất văn nghệ của tay đàn anh khét tiếng...

Bộ phim cũng xuất hiện nhiều gương mặt lớn, nhỏ trong làng giải trí với các vai phụ làm tăng thêm sự chú ý cho người xem.

So với một phim hành động pha tâm lý xã hội, Hương Ga có những điểm cộng nằm ở việc giải quyết tình huống: mạch lạc, dễ xem. Chẳng hạn như hình ảnh cảnh sát được đưa vào phim hài hòa, không phản tác dụng.

Phải khen ngợi những cách dứt điểm câu chuyện mà Cường Ngô chọn để biến bộ phim của mình đắt giá hơn, cụ thể ở đây là cảnh Hương Ga “đối đầu” với tình cũ Hưng Mã hay cảnh quay rất đẹp của một cuộc rượt đuổi sống còn lúc nửa đêm...

Tuy bộ phim còn thiếu nhiều thứ nhưng vì mỗi thứ chỉ một chút, nên Hương Ga vẫn dễ xem đến phút cuối nhờ vào cái tình, cái lý.

Một cảnh trong phim Hương Ga 
Một cảnh trong phim Hương Ga 
Trương Ngọc Ánh và dàn diễn viên trong buổi ra mắt phim Hương Ga đêm 27-10 tại TP.HCM - Ảnh: Toàn Dương

Trương Ngọc Ánh: “Vai giang hồ vắt kiệt sức tôi”

PV Tuổi Trẻ đã có cuộc trò chuyện ngắn với diễn viên Trương Ngọc Ánh sau buổi chiếu:

* Vì sao chị chọn trở lại bằng Hương Ga, mà không phải tác phẩm nào khác?

- Đã bảy năm rồi tôi không tham gia một bộ phim điện ảnh nào, kể từ Áo lụa Hà Đông. Suốt từ đó đến nay, tôi vẫn dành tình yêu vô cùng lớn cho điện ảnh, vẫn đọc rất nhiều kịch bản nhưng chưa thấy ưng ý cái nào cho đến khi “gặp” Hương Ga.

Đó là hai năm trước, sau khi tham dự Liên hoan phim quốc tế tại Hà Nội, đạo diễn Cường Ngô và anh Nguyễn Đình Tú - tác giả cuốn Phiên bản (phim Hương Ga chuyển thể tiểu thuyết này - PV) gửi cho tôi cuốn sách này.

Và tôi yêu ngay câu chuyện, nhân vật này. Những vai diễn của tôi lâu nay xoáy vào các thân phận phụ nữ bị vùi dập, nhưng luôn biết vươn lên. Vươn lên rồi lại bị dập xuống, rồi vươn lên... Cô Dần cũng vậy, Hương Ga cũng vậy.

Nhưng dù cô ấy là ai, là trùm giang hồ như Hương Ga chẳng hạn thì phụ nữ vẫn là phụ nữ, vẫn khát khao được yêu thương, được hạnh phúc.

* Nhưng Hương Ga chắc chắn vẫn là phim căng thẳng khiến chị phải lột xác. Đâu là phân đoạn khiến chị nhọc sức nhất?

- Thật ra có đến ba phân đoạn mà tôi gần như rút hết ruột gan, vắt kiệt sức mình để diễn trong phim này. Nhưng đáng nhớ nhất là cảnh đốt chợ. Từ đây tôi không còn là Diệu nữa mà thành một người có số má giang hồ với tên gọi Hương Ga.

Lúc đó, tôi phẫn nộ thật sự, nét mặt trông rất kinh, đến nỗi Trang “Khàn” (vai Mỹ Chột) ngay lúc đó còn hốt hoảng. Nhưng ngay sau khi diễn xong là tôi ngất xỉu. Xỉu vì căng thẳng, tập trung quá mức.

Trước khi diễn, tuy có tập đường dây cho cảnh “choảng nhau” nhưng khi vào diễn hăng quá tôi đập đầu vào quầy thịt heo, lưng va xuống đất khiến người choáng váng.

Tôi cố ngồi dậy diễn tiếp đoạn cầm cây chổi và châm lửa đốt chợ. Có lẽ lúc đó đã rất mệt lại còn hít khói, thiếu oxy nên ngất. Mọi người sơ cứu, vừa tỉnh lại Cường Ngô đã hỏi liệu tôi có thể làm lại một lần nữa không?

Tôi đồng ý với điều kiện mọi thứ phải được chuẩn bị kỹ để chỉ diễn một lần nữa thôi và phải có một xe cấp cứu chờ sẵn. Và thế là diễn một lần nữa rồi lên xe cấp cứu luôn!

QUỲNH NGUYỄN thực hiện

CHU TRẦN MINH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên