17/10/2018 13:01 GMT+7

Phiên tòa giữa Vinasun và Grab: Tranh cãi gay gắt

TUYẾT MAI
TUYẾT MAI

TTO - Một trong những tranh cãi gay gắt tại phiên tòa sáng 17-10 là thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa Vinasun và Grab.

Phiên tòa giữa Vinasun và Grab: Tranh cãi gắt gao - Ảnh 1.

Ông Jerry Lim đại diện Grab tại tòa - Ảnh: TUYẾT MAI

Sáng 17-10, phiên tòa xét xử vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (Grab) bước vào phần hỏi đáp.

Tòa bác yêu cầu giữ bí mật kinh doanh của Grab

Trong phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, phía Grab yêu cầu hoãn phiên tòa vì vắng giám định viên. Đồng thời, Grab cũng đề nghị HĐXX không công bố các tài liệu hợp tác kinh doanh của mình với các đối tác vì cho rằng vấn đề này thuộc bí mật kinh doanh.

Tuy nhiên, sau khi hội ý, HĐXX không chấp nhận yêu cầu của bị đơn.

Cụ thể, đối với yêu cầu hoãn phiên tòa do vắng giám định viên, HĐXX cho rằng theo quy định, trường hợp giám định viên không có mặt tại phiên tòa thì chủ tọa phiên tòa công bố kết quả giám định.

Trong quá trình xét xử, HĐXX sẽ xem xét nếu kết quả giám định không phù hợp tòa sẽ tạm dừng để yêu cầu giám định lại hoặc giám định bổ sung theo luật định.

Về việc Grab yêu cầu không cho nguyên đơn tiếp cận các tài liệu hợp tác kinh doanh của mình, HĐXX cho rằng các tài liệu này phía nguyên đơn đã được tiếp cận theo quyết định giải quyết khiếu nại của Chánh án TAND TP.HCM.

Ông Trương Đình Quý, phó tổng giám đốc Vinasun, trình bày nội dung đơn khởi kiện tại tòa - Video: TUYẾT MAI

Tranh cãi thẩm quyền giải quyết

Một trong những tranh cãi gắt gao tại phiên tòa sáng nay là thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa Vinasun và Grab.

Cụ thể, phía Grab lập luận: Vinasun cho rằng Grab không thực hiện đúng đề án 24 của Bộ GTVT nhưng việc xem xét có Grab thực hiện đúng đề án 24 hay không thuộc thẩm quyền của cơ quan chức năng ban hành đề án 24 (tức Bộ GTVT).

Grab cung cấp công nghệ hỗ trợ kết nối giữa các công ty vận tải, tài xế và hành khách theo đề án 24. Và trên thực tế, Vinasun cũng được tham gia đề án 24.

Grab cho rằng đây là một hình thức công bằng trong cạnh tranh. Nếu Garb vi phạm đề án 24 thì đã bị cơ quan chức năng xử lý, nhưng trên thực tế chưa có quyết định xử lý vi phạm nào về vấn đề này.

Bộ GTVT cũng đã có kết luận về việc thí điểm và Chính phủ đã đồng ý gia hạn đề án thí điểm với xe hợp đồng điện tử cho đến khi Nghị định 86 sửa đổi có hiệu lực.

Vì vậy, việc quyết định có vi phạm đề án 24 hay không thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT và các cơ quan chính phủ có liên quan, không thuộc thẩm quyền tòa án nhân dân.

Trong khi đó, phía Vinasun cho rằng Grab là công ty công nghệ, không cung cấp dịch vụ vận tải nhưng trên thực tế hoạt động, Grab là doanh nghiệp vận tải taxi - một ngành nghề cùng lĩnh vực với Vinasun.

Grab thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật như kinh doanh trái pháp luật vi phạm đề án 24, khuyến mãi, thuế...

Phía Vinasun cho rằng hành vi trái pháp luật của Grab là nguyên nhân chính, trực tiếp gây thiệt hại cho Vinasun.

Vinasun khởi kiện Grab để yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nên thẩm quyền giải quyết tranh chấp là TAND cấp tỉnh (do có yếu tố nước ngoài), cụ thể là TAND TP.HCM.

TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Grab Vinasun