28/03/2021 11:47 GMT+7

Phiên tòa Chicago 7: Lần giở vụ biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam

MAI THỤY
MAI THỤY

TTO - Tháng 8-1968, phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam dâng lên cao điểm ngay trước Hội nghị quốc gia Dân chủ tổ chức tại Chicago. 10.000 người lũ lượt kéo về đây biểu tình thay vì trải chiếu xem các chính trị gia diễn trò.

Phiên tòa Chicago 7: Lần giở vụ biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam - Ảnh 1.

Bộ phim tạo ra cảm giác hình ảnh nước Mỹ những năm 1960 - Ảnh: IMDb

Đúng một năm sau, 7 thủ lĩnh của phong trào biểu tình bước ra tòa án với cáo buộc kích động bạo lực.

Thành phố rộng 600km2 chịu sức nóng hầm hập của lực lượng cảnh sát dùi cui, các đại biểu, người biểu tình, băngrôn. Mồi lửa bạo lực sẽ được châm lên ở Chicago. Ai cũng biết điều đó. 

Mỗi phía đều có tính toán riêng. Phe biểu tình cần cho người dân Mỹ và thế giới thấy cuộc đấu tranh vì hòa bình bị đàn áp thế nào. Phía chính quyền muốn thể hiện sức mạnh tuyệt đối của hệ thống hành pháp. Nhân đấy, đe dọa cả những ai mon men nổi loạn, chống lại ý chí nhà nước.

Cả hai đạt mục đích khi cuộc đụng độ đẫm máu giữa cảnh sát và người biểu tình diễn ra trước khách sạn Conrad Hilton được truyền hình trực tiếp trên toàn nước Mỹ.

"Ta đã đến, ta đã thấy và ta phải thay đổi"

Dĩ nhiên, Julius Caesar không nói vậy, ông gầm lên trong lá thư gửi Viện Nguyên lão: "Ta đến, ta thấy, ta chinh phục". Còn cái câu biến tấu ở trên là suy tư của những bị cáo trong phiên tòa Chicago 7 trước một nước Mỹ sa lầy.

Bộ phim The Trial of Chicago 7 (tựa tiếng Việt: Phiên tòa Chicago 7) đã đánh thức vụ biểu tình và tái hiện phiên tòa thảm hại ngày nào.

Abbie Hoffman, Jerry Rubin, David Dellinger, Tom Hayden, Rennie Davis, John Froines và Lee Weiner đã quỳ xuống cầu xin sự cứu rỗi từ bồi thẩm đoàn? Không. Và vì là không nên mọi người liên tục thấy những cảnh tượng thế này: vị thẩm phán Julius Hoffman không giấu giếm sự chèn ép lên nhóm bị cáo, bác bỏ tất cả phản đối của họ và chấp thuận tất cả phản đối vô lý của bên công tố. 

Phiên tòa đã nhận chìm những gì người Mỹ tự hào nhất về hệ thống pháp lý, hiến pháp, tu chính án thứ nhất, sự công tâm của thẩm phán. Tất cả hòng để khép tội nhóm bảy người vì những tội chưa chắc họ đã phạm.

Đạo diễn Aaron Sorkin thích đưa nhân vật của mình vào những gian phòng kín. Ở đó, ông nhốt họ lại với những dằn vặt, khổ sở, đớn hèn trong tâm trí. Bộ phim của ông được nhận giải Oscar cho hạng mục kịch bản chuyển thể xuất sắc The Social Network (2010) được xem là thử nghiệm đầu tiên cho phong cách này. Phòng xử án trở thành bốn bức tường kín hoàn hảo để Aaron Sorkin khơi lên cảm xúc của các nhân vật.

Ông tự làm khó mình bằng lối kể lắt léo thay vì đi theo tuyến tính sự kiện. Phiên tòa lần giở vụ biểu tình, lời kể của Abbie trên một sân khấu hài độc thoại lật xới lại phiên xét xử. Đôi lúc người xem không phân biệt được đâu là tòa án và nơi nào là sân khấu hài với những rối ren trong quá trình tố tụng.

Thật ra phiên tòa đặc biệt này có đến hai tên gọi. Đầu tiên, người ta đặt tên là Chicago 8 vì có thêm Booby Seale - lãnh đạo tổ chức Black Panther. Sau nửa năm mòn đít trên ghế bị cáo tuy chẳng liên quan gì đến vụ biểu tình và bị thẩm phán lấy giẻ bịt miệng, Booby được tách ra khỏi nhóm bảy người nói trên. 

Vì vậy, khi nói đến một phiên-tòa-trò-hề, người ta vẫn hay dùng Chicago 8 dù trên hồ sơ thực tế là Chicago 7.

Tinh thần sẵn sàng hi sinh vì lý tưởng

Bộ phim xây dựng Abbie và Tom Hayden như hai nhân vật chính. Cùng ngồi trên ghế bị cáo, cùng tham gia phong trào phản chiến nhưng đường hướng của cả hai lại trái ngược.

Đằng sau vẻ ngoài cà rỡn, ăn mặc hippie, bỡn cợt quan tòa của Abbie là tư duy chính trị sắc lẹm. Lẩn khuất trong thân hình thư sinh, sự bẽn lẽn của Tom Hayden là ý chí mạnh mẽ. Anh từng viết trong Tuyên ngôn Port Huron: "Nếu máu của chúng ta đã đổ, hãy cho nó đổ khắp thành phố" như để minh chứng cho tinh thần sẵn sàng hi sinh vì lý tưởng. 

Đây chính là Tom Hayden mà nhiều người Việt Nam vẫn quen tên nhưng ít biết mặt. Tom Hayden đã dấn thân cho các hoạt động đòi chấm dứt chiến tranh ở một đất nước xa tít tắp bên kia bán cầu và đặt tên con trai theo tên của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi.

Đó là chuyện của mãi về sau, còn năm 1969 Tom Hayden đang phải vượt qua phiên tòa bất công đã được dàn xếp kết quả từ đầu và vị thẩm phán bợ đỡ chính quyền ra mặt.

Đều là về vấn đề phản chiến, mâu thuẫn giữa Abbie và Tom Hayden là xung đột giữa hai phong cách đấu tranh: cách mạng văn hóa hay cách mạng chính trị. Ra đời sau phiên tòa 50 năm, The Trial of Chicago 7 như thầm nhắc người xem xét lại con đường cuộc tranh đấu đã đi qua. Liệu rằng đứt gãy trong lòng nước Mỹ những năm ấy đã được hàn gắn lại?

Caesar đặt chân đến Thổ Nhĩ Kỳ là để chinh phạt. Còn Abbie, Tom Hayden, Jerry, David, Rennie, John và Lee đến phiên tòa để xoay chuyển thực trạng một đất nước rối ren đã dấn quá sâu vào cuộc chiến tranh phi nghĩa. "Ta đã đến, ta đã thấy và ta phải thay đổi", dù điều này có khiến họ phải trải qua những năm 30 tuổi trong nhà tù.

6 đề cử giải Oscar

Với kịch bản chắc tay, The Trial of Chicago 7 quy tụ được dàn diễn viên đình đám: Mark Rylance, Frank Langella, Jeremy Strong, Sacha Baron Cohen, Eddie Redmayne, Yahya Abdul-Mateen II, Joseph Gordon-Levitt... Phim đã được trao giải Quả cầu vàng hồi đầu tháng 3 cho hạng mục kịch bản xuất sắc và đang băng băng về phía Oscar với 6 đề cử.

'Thủ tướng Margaret Thatcher, Công nương Diana, Thái tử Charles' giành Quả cầu vàng 2021

TTO - Bộ phim The Crown đã giành được 4 giải cho các thể loại quan trọng nhất gồm: Phim xuất sắc nhất, nam chính xuất sắc nhất cho Josh O'Connor, nữ chính xuất sắc nhất cho Emma Corrin và nữ phụ xuất sắc cho Gillian Anderson.

MAI THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên