Những quyển sách đã in đậm trong ký ức và trái tim nhiều người Việt - Ảnh: PHÚC TIẾN
Những trang sử hào hùng
Thầy Lê Văn A, 73 tuổi, nguyên hiệu trưởng Trường trung học Đinh Thiện Lý ở quận 7, kể rằng thế hệ của ông từ lúc cắp sách đến trường đã say mê các tấm gương oai hùng như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Quang Trung.
Và yêu thích các câu lục bát Truyện Kiều, thơ ngụ ngôn La Fontaine hay Truyện cổ nước Nam, truyện Nhị thập tứ hiếu. Cả hai nguồn "dinh dưỡng" đó phần lớn đến từ các sách Quốc sử và Quốc văn - tên gọi ngày xưa của môn học lịch sử và văn chương Việt Nam.
Tha hương ngộ cố tri, cách đây vài năm tình cờ tại Mỹ, tôi gặp lại cố nhân hơn 50 năm trước. Đó là quyển Quốc sử lớp nhì (tức lớp 4 hiện tại) trong một lần vào tìm sách xưa tại Thư viện Quốc hội Mỹ ở thủ đô Washington.
Quyển sách hầu như còn mới nguyên, với hình bìa là Lăng Hùng Vương trên nền trang trọng. Càng bất ngờ hơn nữa khi sang California, vào tiệm sách Tự Lực ở Little Saigon, tôi ngạc nhiên trông thấy quyển Quốc sử lớp nhất (lớp 5 bây giờ) quen thuộc.
Bìa sách có hình bản đồ Việt Nam bên cạnh chiếc đỉnh đồng uy nghi, nổi bật trên nền màu xanh ngọc bích. Cả hai đều làm tôi bồi hồi nhớ đến bộ sách tiểu học nhiều môn được phát không ở các trường công lập của miền Nam thuở ấy, nhớ đến những lời giảng đầy hào sảng của thầy cô về cội nguồn dân tộc và lịch sử bất khuất của đất nước.
Mới đây, nhà văn Trần Thùy Mai cũng đã chia sẻ với tôi cái cảm giác bồi hồi khi nhớ đến những quyển sách học sử đầu đời. Nhà văn xứ Huế tâm sự: "Tôi không bao giờ quên quyển sách sử đầu tiên mà tôi học hồi lên tám tuổi.
Đó là quyển Việt sử khái yếu dành cho học sinh lớp 3. Sách được trình bày rất đẹp, rành mạch, mỗi bài chiếm hai trang, trong đó có nửa trang là tranh vẽ. Mỗi trang sách mở ra là cả một thế giới hiện lên. Mỗi bài học đưa tôi vào một chuyến du hành về quá khứ. Hãy kiếm giùm tôi quyển sách này nhé!".
Nhà văn nói trang sách dạy về thời kỳ Hùng Vương có một tranh minh họa đoàn người cổ sơ "đẹp một cách sinh động", đến mức bà ước mình có thể chạy vào trong tranh mà hát múa cùng họ. Qua sách, những chữ Lạc Việt, Lạc Vương, Mỵ Nương, chim Lạc, ruộng Lạc… đầy lạ lẫm và hùng tráng ghi sâu vào ký ức học trò.
Trong khi ấy, tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, nguyên giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, cho biết lớp tiểu học của bà không chỉ học thuộc những trang sách về thời kỳ Hùng Vương mà còn ham thích đóng kịch về thời kỳ đó.
Bà Nguyệt kể bản thân mình đã đóng vai Hùng Vương, còn các bạn khác đóng vai Sơn Tinh, Thủy Tinh, Mỵ Nương. Lớp còn diễn kịch Trần Quốc Toản ra quân với tuồng tích và phục trang lấy ý từ những trang sách Quốc sử.
Gần đây, có người bạn kiếm được cho tôi một số sách dành cho giáo viên tiểu học do Trung tâm học liệu Bộ giáo dục Việt Nam Cộng hòa ấn hành năm 1972. Qua đó, tôi thấy chỉ riêng chương trình Quốc sử lớp 2 đã bao gồm 40 bài chuyện kể lịch sử và danh nhân.
Khởi đầu là chuyện "Cậu bé đuổi giặc Ân" (Phù Đổng Thiên Vương), kết thúc là chuyện "Tiếng súng dậy non sông" (Khởi nghĩa Yên Bái).
Thế hệ chúng tôi bắt đầu học hỏi và yêu mến lịch sử dân tộc qua những câu chuyện kể ngắn gọn mà tiêu biểu, cùng nhiều hoạt động ngoại khóa khác. Hóa ra, người xưa đã từng có cách dạy sử và học sử cho tuổi nhỏ một cách thích thú và thông minh.
Dư đồ thuyết lược - quyển sách giá trị của Trương Vĩnh Ký - Ảnh: PHÚC TIẾN
Những dòng văn nhân ái và bay bổng
Giáo sư Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Nhật Bản) là chuyên gia kinh tế nổi tiếng được Nhật hoàng khen thưởng huân chương Thụy Bảo. Nhân sự kiện này, Sứ quán Nhật Bản ở Hà Nội tổ chức buổi lễ long trọng chúc mừng ông vào ngày 15-8-2018.
Tại đây, giáo sư Thọ đã có một diễn từ rất cảm động, trong đấy ông bất ngờ trích dẫn một đoạn văn trong tiểu thuyết Đoạn tuyệt của Nhất Linh: "Biểu hiện cho đất nước không phải là những bậc vua chúa danh nhân mà chính là đám dân hèn, không tên không tuổi.
Dân là nước. Yêu nước chính là yêu chung đám thường dân, nghĩ đến sự đau khổ của đám thường dân". Và giáo sư Thọ nhận xét: "Cho đến bây giờ, tôi vẫn thấy đây là định nghĩa về lòng yêu nước rất đúng đắn!".
Sau này, giáo sư Thọ nói với tôi, ông bắt đầu làm quen và yêu thích tiểu thuyết của Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam từ thời trung học đệ nhất cấp (phổ thông cơ sở). Thuở ấy, cậu học trò nghèo Quảng Nam không đủ tiền mua sách giáo khoa bản in mới nên thường mua lại sách cũ của đàn anh lớp trên.
Còn sách văn chương trong chương trình học, thi thoảng ông góp tiền mua sách với bạn rồi đổi sách cho nhau. Thầy Nguyễn Phú Long của ông thấy vậy nên lập ra phòng đọc sách cộng đồng trong trường.
Nhờ đó, ngoài bài giảng trên lớp, ông Thọ và các bạn đồng môn có được cái thú nghiền ngẫm thường xuyên thơ văn danh tác cổ và kim.
Chinh phụ ngâm, Truyện Kiều hay Bích Câu kỳ ngộ và các tiểu thuyết của Tự Lực văn đoàn hay bài thơ Tiếng thu của Lưu Trọng Lư đã đi vào tâm hồn ông qua những quyển sách trao mượn ấy.
Cho đến khi du học, trở thành giáo sư ở Nhật và đến tận bây giờ, những áng văn chương xưa đã là một phần trang đời, trang bài giảng và trang viết khảo cứu của ông.
Quả thật, tuổi vào đời của các thế hệ xưa và nay đều sẽ khô khan và cằn cỗi biết mấy nếu không có những dòng suối mát của văn chương và thi ca! Bác Đỗ Thị Huệ, ngoài 80 tuổi, nguyên cử nhân Đại học Văn khoa Sài Gòn, cho biết đã chọn nghiệp dạy văn vì thuở nhỏ say mê ca dao tục ngữ và truyện cổ tích.
Lớn lên, cô nữ sinh Trường Trưng Vương - Hà Nội ngày đó rất thích Truyện Kiều, Cung oán ngâm khúc, Nhị độ mai và văn học tiền chiến. Bác Huệ kể hằng năm khi họp mặt với học sinh cũ, vẫn có nhiều anh chị đã ngoài 50 tuổi ôm lấy cô giáo để đọc cho cô nghe bài văn Tôi đi học của nhà văn Thanh Tịnh.
Đó là bài văn bác Huệ tâm đắc nhất và dù dạy học ở cấp lớp nào, bác cũng phổ biến cho học trò và khuyên học thuộc lòng!
Thế hệ chúng tôi cũng không quên được bài văn bay bổng đến từ sách Quốc văn thời tiểu học. Để rồi, mỗi mùa năm học mới lại thấy như hiện trước mắt mình khung cảnh: "Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường…".
Bác sĩ Vũ Bảo Ngọc, cựu học sinh Gia Long (nay là Trường Minh Khai), nhắc tôi về những buổi "trần thuyết" (thuyết trình) tưng bừng thời trung học.
Các tác phẩm được thảo luận thường là Nửa chừng xuân, Anh phải sống của Khái Hưng hay Dế Mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài, Thềm hoang của Nhật Tiến, hoặc Những người khốn khổ của Victor Hugo. Đặc biệt, học sinh Gia Long còn có những cuộc sưu tầm ca dao, tục ngữ, lời hát ru và chuyển chúng thành triển lãm và hoạt cảnh.
Nghe cô nữ sinh Gia Long kể chuyện học văn, tôi càng nhớ một thời học sinh Trường Pétrus Ký sôi nổi làm bích báo (báo tường), giai phẩm xuân, văn nghệ... cùng giao lưu với nhiều trường. Lớp 7/7 của tôi (1973) cũng từng làm báo quyển viết tay và rồi lập bút nhóm Hoa Hướng Dương, tồn tại đến năm lớp 9… Bây giờ, các cây bút học trò năm xưa ở đâu?...
Giờ đây, học trò thế kỷ 21 có đầy đủ sách in và sách điện tử, có blog và Facebook, có ngoại ngữ và không gian mạng bao la. Mong sao thầy cô và các bạn vẫn luôn nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu Quốc sử, Quốc văn, yêu những giá trị tự do và sáng tạo không ngừng!
Quyển giáo khoa sử địa đầu tiên
Đó là sách Dư đồ thuyết lược, do Pétrus Trương Vĩnh Ký biên soạn, in năm 1887. Quyển sách có 5 chương và 113 trang, trình bày khái quát và chi tiết về lịch sử và địa lý thế giới.
Trong đó, 3/5 các chương sách là những kiến thức căn bản về sử địa Việt Nam. Tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM đang lưu giữ bản gốc sách này.
-------------------
Một tối, tôi bất ngờ nhận được cuộc điện thoại từ Hà Nội: "Anh Ninh gửi tặng bạn quyển sách cuối cùng". Tôi nghẹn ngào, "anh Ninh" chính là giáo sư Đỗ Văn Ninh, người đã mất cách đây nhiều năm.
Kỳ tới: Quyển sách, đời người
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận