Đó là "tiểu vương quốc" của những người vô gia cư. Thời thịnh vượng ở đây là một khu phố tấp nập không nhà. Ban đêm có đầy đủ những dịch vụ mà một khu phố sầm uất thường có: cửa hàng tạp hóa, quán cà phê, quán bia, thậm chí có cả một quán karaoke inh ỏi một vùng.
Nhưng thời ấy đã qua lâu rồi, ít ra cũng hơn năm năm. Bây giờ vẫn còn vài người vạ vật ở đó, nhưng hầu hết đất đai đã biến thành một bãi rác không chính thức.
Ông già lụ khụ ấy là thành viên kỳ cựu của "vương quốc". Nghe nói ông là một trong những "khai quốc công thần" và tôi tin rồi ông cũng sẽ là người sau cùng rời khỏi nơi đó.
Dinh cơ của ông là một tấm nhựa màu xanh, loại dùng che mưa, được hai cây sào tre giương ra phía trước trông như một lá quốc kỳ đầy hi vọng. Hai đầu dinh là một mớ phụ kiện rối rắm đến hoa cả mắt. Long sàng của ông là một tấm ván ép kê gạch ống.
Thỉnh thoảng tôi đem đến cho ông một thứ gì đó, ví như vài bộ quần áo cũ, nhưng thường hơn là mì tôm. Những dịp như Noel hay cuối năm, tôi luôn dành cho ông một phong bì với một món tiền kha khá (dĩ nhiên là so với thu nhập của ông).
Ông già tội nghiệp ấy nhìn tôi cứ như một ông thánh vừa hạ giới. Có lần tôi hớn hở đem tặng ông một cái tẩu ngoại cùng thuốc đi kèm, đó là món quà của một người bạn từ nước ngoài về tặng vì tưởng tôi vẫn còn hút thuốc như thuở trước.
Tôi mong ông sẽ được vui vẻ với món quà đặc biệt ấy và sự thực thì ông có vui mừng, nhưng ông nhìn nó như một thứ không phải của mình. Chỉ vài hôm sau, khi ghé lại thăm ông, tôi mới biết ông đã bán nó cho một tay dân chơi cùng hẻm. Ông có hơi ngượng ngùng khi nói điều đó, nhưng tôi nói không sao. Có lẽ tôi đã tặng ông một thứ chẳng ăn nhập vào đâu cả.
Nhưng điều làm tôi quan tâm nhất là về thân thế của ông, bởi tôi rất lo lắng cho cái hậu sự trước sau gì rồi cũng sẽ đến với ông.
Ở thành phố này, những người giàu có thường muốn giấu lai lịch của họ, còn những người như ông thì ngược lại: hình như ông có một nhu cầu tha thiết muốn kể về cuộc đời mình cho bất cứ ai muốn nghe. Đó có lẽ là cách duy nhất để họ sống lại những phút giây hạnh phúc mà họ đã đánh mất.
Nhưng những câu chuyện của ông, cũng giống như hơi thở của ông, thường đứt quãng, không đầu không đuôi và luôn kết thúc trong một màu u ám. Thường khi ông vừa ngưng lại để thở, tôi hay cố ý lái câu chuyện sang hướng khác, ít ra cũng mang màu sắc hi vọng hơn. Có lần tôi hỏi ông:
"Bác có tin vào phép mầu không?".
"Phép mầu à, có chứ, tôi từng gặp phép mầu rồi" - ông cười móm mém.
"Hồi trẻ, tôi mơ một cô gái con nhà giàu và cuối cùng cũng lấy được cô ấy nhờ vào một điều kỳ diệu..." - ông kể tiếp trong đôi mắt nheo nheo đang cố nhìn vào một điểm nào đó ở xa.
"Thế bác gái đâu rồi?".
"Bà ấy mất lâu rồi, bịnh nặng không có tiền chữa chạy nên chịu chết...".
Tôi ngưng lại giây lát để nghĩ xem có nên dừng câu chuyện đã trót đi vào ngả thương tâm này hay không. Tôi cố ý ghẹo:
"Hồi trước làm sao bác tán được bác gái hay vậy?".
Mắt ông sáng lên, mỉm cười phô hai hàm răng trống hoác.
"Hồi trước bả học trường Tây, con nhà giàu có thế lực, nhưng tôi đeo riết rồi cũng đổ..." - ông cười trông thật hả hê.
"Đó là phép mầu duy nhất của cuộc đời tôi. Khi mình mơ cái gì mà nó đến thì đó là phép mầu. Vì chỉ có trời mới biết trong đầu mình mơ gì...".
Câu kết luận của ông thật lý thú và sâu sắc, nhưng nó chẳng giúp tôi nghĩ khác đi chút nào về cái thực tại mà ông đang đối mặt. Đó là thứ thực tại kinh khủng, dập tắt mọi hi vọng, lấn át mọi ước mơ và mọi thứ hài hước, dù là nhỏ bé nhất. Liệu có một thứ phép mầu nào đó đủ sức làm thay đổi tình cảnh của ông?
Mùa mưa năm nay, tôi ghé ra tặng ông một ít quà và ngồi với ông một hồi để hỏi thăm sức khỏe. Ông vẫn vậy, trùm kín trong một mớ khăn rằn khăn đỏ và ho đến khản giọng. Tôi ngồi nhìn ông và thử đoán tuổi, nhưng thật khó.
Con người khi già đến một mức nào đó thì tuổi tác sẽ chẳng thể làm cho họ già thêm được nữa. Rồi bỗng dưng ông lôi từ trong đống lùng nhùng những chăn chiếu ra một con búp bê lớn. Trời ạ, tôi hơi bất ngờ, đó là một con búp bê nữ gần giống như người thật. Nó được bơm căng phồng và được ông mặc cho một bộ đồ gì đó trông rất ngộ. Tôi vội hỏi:
"Nó ở đâu ra vậy bác?".
Ông cười hóm hém:
"Một chú ở trong kia dọn nhà đem ra cho".
Tôi thầm nguyền rủa cái thằng quỷ quái nào mà ác, cho gì không cho lại đem cho ông già sắp chết một con búp bê tình dục. Có thứ gì đó thật khó nuốt trôi trong cổ họng tôi khi nhìn sự tương phản đến não nề giữa ông và con búp bê ấy. Tôi định khuyên ông hãy bỏ nó đi, nhưng nghĩ thế nào lại thôi.
"Nó êm thật đấy chú ạ, tôi gối đầu ngủ rất ngon giấc... Tôi hay ước ao có giấc ngủ ngon để rồi chết, rồi tôi có nó. Nó là phép mầu đấy..." - ông nói thêm trong một nụ cười thích thú.
Tôi à nhẹ nhàng rồi nhìn lảng ra chỗ khác. Trời lại sắp mưa, mây đen đã kéo kín trời. Trước khi đứng lên ra về, tôi chợt nhận ra một điều là hình như trước nay tôi chưa từng mơ cái gì cho ra hồn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận