15/08/2012 01:04 GMT+7

Phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ

TTXVN
TTXVN

TT - Tại hội nghị toàn quốc đánh giá việc thực hiện nghị quyết số 08-NQ/TW và nghị quyết 16/2007/NQ - CP tổ chức sáng 14-8 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, cần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Đồng thời, phải thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; VN là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; tạo môi trường hòa bình, ổn định và điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển đất nước.

Tham luận của Văn phòng Trung ương Đảng chỉ rõ: sau năm năm gia nhập WTO, GDP của VN đã tăng gấp gần 2,3 lần và GDP bình quân đầu người tăng hơn 2 lần. Vị thế của VN trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao. Một số chỉ tiêu điển hình như tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm năm qua đạt bình quân khoảng 7%/năm, kim ngạch xuất khẩu tăng lên hơn 3 lần, thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng không ngừng tăng lên với nhiều dự án lớn. Báo cáo mới đây của Bộ Ngoại giao cho biết VN thuộc nhóm 15 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, việc thực hiện các nhóm nhiệm vụ đề ra trong nghị quyết đã tạo sự chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt.

Về cơ bản VN đã hình thành được một hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ, đồng bộ và tương thích với quy định của WTO, tạo ra môi trường kinh doanh ngày càng bình đẳng, minh bạch và dễ dự đoán hơn. VN đã bước đầu tận dụng được cơ hội do việc gia nhập WTO đem lại để khai thác, huy động được nhiều nguồn vốn trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, lao động, đầu tư ra nước ngoài.

Trái với một số lo ngại trước đây, nhiều ngành kinh tế (viễn thông, dịch vụ tài chính, dịch vụ phân phối, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp...) đã đứng vững trong cạnh tranh khi VN mở cửa với bên ngoài theo cam kết gia nhập WTO, thậm chí có ngành đã phát triển vượt bậc, đủ tầm vươn ra thế giới.

Tuy nhiên theo đánh giá của các bộ ngành, địa phương, sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm của VN mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn yếu so với các nước, kể cả các nước trong khu vực. Các ngành kinh tế, doanh nghiệp mang tính mũi nhọn, có khả năng vươn ra chiếm lĩnh thị trường khu vực và thế giới vẫn chưa nhiều, chưa có khả năng đi đầu, kéo các ngành, các doanh nghiệp khác cùng phát triển.

Công tác quản lý, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước và quản trị của doanh nghiệp tuy đã có sự cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Tính đồng bộ, gắn kết giữa các lĩnh vực chưa cao, nhiều vấn đề mang tính liên ngành chậm được xử lý.

Bản thân hội nhập kinh tế quốc tế là một vấn đề liên ngành, song trên thực tế công tác này vẫn được các bộ ngành, địa phương triển khai riêng rẽ. Đồng thời, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần làm bộc lộ những yếu kém cơ bản của nền kinh tế. Cơ cấu kinh tế và chất lượng tăng trưởng vẫn chưa được cải thiện về căn bản, hiệu quả đầu tư chưa được cao.

TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên