20/12/2018 12:16 GMT+7

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Vẫn chờ chính sách

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần có tinh thần như đội tuyển bóng đá quốc gia... để thực hiện khát vọng đưa VN thành công xưởng, cứ điểm sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Vẫn chờ chính sách - Ảnh 1.

Tại một doanh nghiệp làm phôi nhôm ở Bắc Ninh từng tham gia chương trình hỗ trợ để tiến tới cấp hàng cho Samsung sản xuất điện thoại - Ảnh: TIẾN MẠNH

Thủ tướng đã đặt ra nhiều mục tiêu cho ngành công nghiệp hỗ trợ tại hội nghị bàn về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành này ngày 19-12.

Thiếu chính sách đủ mạnh

Dẫn chứng từ Samsung có tỉ lệ sản xuất trong nước (gồm cả FDI và doanh nghiệp VN thực hiện), trước đây là 0% thì nay đã trên 30%, Thủ tướng cho rằng "đây được xem là một thành công, chứ người ta nói Samsung là 100% nước ngoài, đó là nhầm lẫn".

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Phúc cũng nhìn nhận những hạn chế, tồn tại như chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn dẫn dắt. Nhiều ngành đã có ưu tiên phát triển nhưng không đạt mục tiêu đề ra, tỉ lệ nội địa hóa các ngành còn ở mức thấp.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, hiện có khoảng 1.800 doanh nghiệp làm linh kiện, phụ tùng và hơn 1.500 doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu dệt may, da giày. Tuy nhiên, chỉ có hơn 300 doanh nghiệp trong nước tham gia mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Nguyên nhân là do chính sách, khuôn khổ pháp luật ban hành chậm, chưa đáp ứng thực tiễn và chưa đồng bộ như thuế, tín dụng, đất đai, môi trường. Trong nước vẫn chủ yếu làm linh kiện, phụ tùng đơn giản...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng đang thiếu chính sách đủ mạnh để tăng cường năng lực doanh nghiệp công nghiệp tư nhân, chưa tạo lập được môi trường kinh doanh thực sự thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng. Mới có 23 sản phẩm được chứng nhận là danh mục sản phẩm ưu đãi, theo Thủ tướng là quá ít.

Toàn ngành lệ thuộc

Ngành dệt may dù có kim ngạch xuất khẩu tới trên 30 tỉ USD nhưng ông Nguyễn Văn Tuấn, chủ tịch Hiệp hội Bông sợi VN, đánh giá còn nút thắt cổ chai: công đoạn sợi và may phát triển nhanh trong khi phân khúc sản xuất vải lại kém, toàn ngành lệ thuộc nhập khẩu vải.

Ông Nguyễn Đức Thuấn, chủ tịch Hiệp hội Da giày - túi xách VN, cho hay từ sau năm 2015, đầu tư đã tăng lên nhưng hiện khâu có giá trị lớn nhất là da thuộc, giả da lại có tỉ lệ sản xuất trong nước thấp, tỉ lệ nội địa hóa chỉ đạt 60%. "Cần có trung tâm nghiên cứu phát triển, tích hợp logistics thì mới tạo ra giá trị gia tăng tốt" - ông Thuấn nói.

Phát triển tinh thần bóng đá...

Lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng cho rằng cần có tinh thần như đội bóng đá quốc gia VN, dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Park Hang Seo với tầm nhìn chiến lược trong bố trí đội hình, dành nguồn lực, thể lực, trí lực. "Nhìn người Nhật Bản, Hàn Quốc có ý chí lớn trong phát triển, cần phải học hỏi tinh thần đó để phát triển công nghiệp hỗ trợ VN" - ông Nguyễn Xuân Phúc nói thêm.

Thủ tướng đề nghị Bộ Công thương, các bộ chức năng cần nghiên cứu, đề xuất, bố trí vốn đầu tư các trung tâm nghiên cứu phát triển. Thủ tướng cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất các ưu đãi, hỗ trợ về vốn trong thời hạn từ 5-10 năm; Bộ Khoa học và công nghệ xem xét điều chỉnh cơ chế tiếp cận Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia theo hướng thông thoáng và nhanh gọn. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu sửa nghị định, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước để khuyến khích công nghiệp hỗ trợ phát triển và giảm giá xe cho người tiêu dùng.

Năm 2020: 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực

Đánh giá về năng lực sản xuất của ngành công nghiệp hỗ trợ, Thủ tướng cho rằng một số ngành đã đạt được tỉ lệ nội địa hóa nhất định. Như với ngành dệt may, da giày đạt 40%; ngành ôtô dưới 9 chỗ đạt 10 - 20%; điện tử tin học, viễn thông đạt 15% và 5% cho điện tử chuyên dụng và công nghệ cao.

Thủ tướng nêu mục tiêu đến năm 2020, VN có sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu, có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực...

Câu chuyện xuất khẩu linh kiện của Thaco

công xưởng sản suất

Tại xưởng sản xuất của Thaco - Ảnh: TIẾN MẠNH

Từ thực tế doanh nghiệp mình, ông Trần Bá Dương, chủ tịch Công ty CP ôtô Trường Hải (Thaco), cho biết để phát triển sản xuất lắp ráp kinh doanh ôtô, doanh nghiệp phải tự xây dựng chuỗi công nghiệp hỗ trợ để sản xuất linh kiện, giúp giảm giá thành. Như với phụ tùng, Thaco chọn phụ tùng có kích thước lớn, cồng kềnh, hàm lượng công nghệ không cao để giúp giảm ngay được giá thành và tổ chức được sản xuất. Còn với các cụm linh kiện, các tổng thành thì hợp tác với các đối tác nước ngoài, các nhà sản xuất linh kiện, gắn với chia sẻ chi phí để phát triển công nghệ.

"Với những chi tiết phụ tùng mà yêu cầu về công nghệ không cao thì chúng tôi tự sản xuất và sau đó chuyển giao một phần cho các doanh nghiệp nhỏ trong nước. Sau đó là hợp tác với các đối tác nước ngoài, mua các nguyên vật liệu và gia công các chi tiết mà VN chưa gia công được. Ví dụ như đối với ghế, chúng tôi xuất khẩu áo vải, áo da, các chi tiết linh kiện cơ khí mà khi sản xuất đòi hỏi sản lượng cao mới kinh tế. Trong mấy năm vừa rồi chúng tôi đạt 20 triệu USD xuất khẩu, riêng năm 2018 thì đạt 8 triệu USD" - ông Dương nói và chỉ ra rằng công nghiệp hỗ trợ không phát triển được là do vấn đề thị trường và doanh nghiệp dẫn dắt.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên