Đất hiếm là một loại khoáng sản đặc biệt, nguyên tố đất hiếm có vai trò rất quan trọng và là vật liệu chiến lược đối với sự phát triển của các ngành kỹ thuật mũi nhọn, công nghệ cao như điện, điện tử, quang học, laser, vật liệu siêu dẫn, chất phát quang. Đất hiếm được dùng để sản xuất các chất xúc tác, nam châm, hợp kim, bột mài, gốm, chất phát quang. Việc chế tạo các máy điện thoại di động, ổ đĩa cứng máy tính... không thể không dùng đất hiếm. Nhiều nước coi đất hiếm là vàng của thế kỷ XXI, thậm chí của cả thế kỷ XXII. Các nhà khoa học thì gọi đất hiếm là những nguyên tố của tương lai.
Việt Nam có nguồn quặng đất hiếm tương đối dồi dào với tổng trữ lượng dự báo khoảng 22 triệu tấn, là một trong số các nước có trữ lượng lớn đất hiếm trên thế giới. Đất hiếm ở Việt Nam tập trung ở Lai Châu (Nậm Xe, Đông Pao), Yên Bái (Yên Phú) và các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa vào đến Bà Rịa-Vũng Tàu (trong quặng sa khoáng titan).
Với trữ lượng khá lớn như vậy song Việt Nam vẫn chưa xây dựng và hình thành công nghiệp đất hiếm.
Theo các chuyên gia, quá trình khai thác, chế biến đất hiếm phát sinh nhiều nguyên tố độc hại và có tính phóng xạ, do vậy nếu khai thác, chế biến đất hiếm không đúng quy trình kỹ thuật có thể gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và những hệ lụy về môi trường, sức khỏe của người dân xung quanh khu vực khai thác.
Do vậy, để phát triển ngành công nghiệp đất hiếm Việt Nam, nhiều nhà khoa học cho rằng, bài toán đặt ra không hề đơn giản, nhất là việc đầu tư công nghệ. Tìm được công nghệ hiện đại, phù hợp chính là chìa khóa để giúp Việt Nam khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận