15/11/2020 09:26 GMT+7

'Phát khùng' với những số nhà nhiều 'xuyệt'

DƯƠNG NGỌC HÀ - CHÂU TUẤN
DƯƠNG NGỌC HÀ - CHÂU TUẤN

TTO - Ngày 14-11, UBND quận 12 (TP.HCM) đã công bố kết quả điều chỉnh số nhà trên địa bàn phường Tân Thới Hiệp với gần 14.500 số nhà trên toàn phường.

Phát khùng với những số nhà nhiều xuyệt - Ảnh 1.

Số nhà của người dân sau khi được điều chỉnh ngắn hơn, dễ tìm hơn và có thể tìm được trên phần mềm trực tuyến. Ngoài ra, quận còn tính dự trữ số nhà cho những vị trí dự kiến có nhà trong tương lai.

Đau đầu 2 nhà gần nhau nhưng không biết số nhà

Bà Nguyễn Thị Lanh - hộ dân trong hẻm 123 đường 14, khu phố 3A, phường Tân Thới Hiệp - cho biết trước đây nhà của bà có địa chỉ ở đường số 7 với số nhà có 2 "xuyệt". "Chỉ nghe đọc số nhà thôi đã nghĩ đến con đường qua nhiều ngóc ngách mới tìm ra. 

Với địa chỉ nhà mình, ai có nhu cầu tìm đến thì tôi phải chỉ đường như ở nông thôn: đi đường số 7 bên cạnh siêu thị Mega ở ngã tư Tân Thới Hiệp, qua khỏi trụ sở công an quận, quẹo vô hẻm bên trái cạnh quán cà phê M., quẹo phải vô hẻm gần quán H.V. đến gần văn phòng khu phố 3A... Khó có ai nhớ nổi chỉ dẫn dài lê thê như vậy, tìm trên bản đồ cũng khó đi. 

Nay số nhà còn một xuyệt, ở hẻm 123 đường Tân Thới Hiệp 14, nghe nhẹ nhõm hẳn ra, bảng số nhà cũng sáng sủa chứ không dài dòng như trước" - bà Lanh hồ hởi. Theo bà Lanh, nhà và đường vẫn vị trí cũ nhưng địa chỉ dễ tìm hơn, không bị rối. Số nhà có ít "xuyệt" tạo cảm giác căn nhà có giá trị hơn địa chỉ nhiều "xuyệt" trước kia, đường Tân Thới Hiệp 14 có trên bản đồ của quận nên dễ tìm.

Bà Phan Thị Thu Thủy cũng ở khu phố 3A, phường Tân Thới Hiệp kể trước đây số nhà trong khu phố rất lộn xộn. Hai nhà liền kề nhau nhưng số khác một trời một vực, nhiều nhà sát nhau nhưng nhà này không biết số của nhà kia. 

Một lãnh đạo quận 12 cũng nói vui là ở quận này địa chỉ nhà thì có nhưng không thể nào gửi thư đến được bởi bưu tá tìm không ra nhà, những người lớn tuổi không nhớ nổi số nhà của mình vì nhiều "xuyệt" quá.

"Việc đánh lại số nhà khoa học, trật tự và số hóa là 1 trong 8 chương trình trọng điểm của Đảng bộ quận 12 nhiệm kỳ 2020 - 2025, phấn đấu đến giữa nhiệm kỳ sẽ xong cơ bản việc điều chỉnh khoảng 70% số nhà trên địa bàn quận", phó chủ tịch UBND quận 12 Đậu An Phúc cho biết.

Phát khùng với những số nhà nhiều xuyệt - Ảnh 2.

Lãnh đạo quận 12, TP.HCM thực hiện nghi thức gắn bảng tên đường, tên hẻm, số nhà tại tuyến đường Tân Thới Hiệp 14 - Ảnh: CHÂU TUẤN

Điều chỉnh gần 14.500 số nhà

Tại lễ công bố kết quả ngày 14-11, ông Lê Trương Hải Hiếu, chủ tịch UBND quận 12, cho biết sau hơn 20 năm thành lập, quận 12 là một quận vùng ven với quá trình đô thị hóa nhanh và có nhiều vấn đề tồn tại, trong đó có câu chuyện về trật tự số nhà. Việc này đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. 

Trước bức xúc của người dân, từ kết quả điều chỉnh số nhà ở phường Tân Thới Hiệp, quận sẽ triển khai điều chỉnh số nhà đại trà ở tất cả các phường khác trên địa bàn quận. Theo ông Hiếu, mục tiêu điều chỉnh số nhà là để dễ tìm hơn, không có số nhà có trên 2 "xuyệt" và có số nhà dự trữ cho những khu vực đất đã được cấp giấy chứng nhận nhưng chưa có nhà.

Ông Đậu An Phúc giải thích: quá trình đô thị hóa, trên địa bàn quận 12 tồn tại nhiều số nhà không được cấp theo đúng quy định. 

Người dân tự phân lô tách thửa trên đất của mình nên khi ký hợp đồng với đơn vị cung cấp điện, cấp nước thì các đơn vị này cấp cho số nhà để quản lý. Một thời gian công an cũng cấp số nhà để dễ quản lý địa bàn. Có số nhà do UBND quận cấp khi cấp phép xây dựng nhưng dựa trên thực tế nên nhiều số không được thống nhất, liền lạc với các khu vực khác. 

Thời gian qua, trên địa bàn quận 12 có đến 44 tuyến đường được đặt tên lại dẫn đến việc phải đổi bảng tên đường trên biển số nhà, điều chỉnh những thông tin trên giấy tờ của người dân khá nhiều, nên quận 12 đã kết hợp với phân hiệu Trường ĐH Giao thông vận tải tại TP.HCM thực hiện đề án điều chỉnh số nhà trên toàn địa bàn quận.

Phát khùng với những số nhà nhiều xuyệt - Ảnh 3.

Số nhà mới tại đường Tân Thới Hiệp 14 (Q.12, TP.HCM) - Ảnh: CHÂU TUẤN

Rút ngắn số nhà bằng cách nào?

Theo lãnh đạo quận 12, để rút ngắn số nhà của người dân, cụ thể là giảm số "xuyệt" ở mỗi số nhà, đề án đã nghiên cứu nhiều cách: nâng một số hẻm lớn đã được quy hoạch thành đường, những hẻm nhiều ngách ngắn thì chọn cách đánh số kèm chữ A, B, C... sau mỗi số để tránh tăng thêm "xuyệt". 

Với những hẻm ngoằn ngoèo, đề án nghiên cứu nhiều phương án để chọn tuyến đường gần nhất nhằm hạn chế độ dài của số nhà. Vì số nhà ngắn hơn, ít "xuyệt" hơn nên nhà, đất của người dân có giá trị hơn trong giao dịch. 

Ở đầu mỗi hẻm, ngoài bảng tên ghi số hẻm, tên đường, nay thêm một bảng khác ghi số nhà phía lẻ và số nhà phía chẵn có trong hẻm để khách dễ tìm. "Cách này giống như cách ghi trong khách sạn hay cao ốc: tầng này, ngõ này gồm đơn vị, công ty, số phòng nào. Nếu nhà mình cần tìm có trong số đó thì hãy vô, còn không sẽ tìm hẻm khác", ông Phúc giải thích.

Ông Phúc cũng chia sẻ việc đánh số nhà mới được sự đồng hành và hướng dẫn của Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Quy hoạch - kiến trúc trên cơ sở quyết định về đánh và gắn biển số nhà của UBND TP. Vì vậy, việc điều chỉnh số nhà lần này đồng bộ, có nguyên tắc khoa học, triển khai thực hiện thống nhất trên toàn địa bàn quận và đúng theo quy định của TP.

Cũng theo ông Phúc, từ nay về sau không còn chuyện cơ quan điện lực, cấp nước hay công an cho số nhà. UBND quận cũng có sẵn quỹ số nhà cho những lô đất trống, đã có giấy chứng nhận. Những lô đất lớn sau này người dân tách thửa thành nhiều lô xây dựng nhiều nhà thì chấp nhận đánh số có A, B C... phía sau. Tuy nhiên quận sẽ hạn chế tối đa những trường hợp như vậy.

Phát khùng với những số nhà nhiều xuyệt - Ảnh 4.

Nhà siêu xuyệt

Tìm nhà muốn "phát khùng"

Ngoài quận 12, số nhà ở các quận, huyện vùng ven khác như Thủ Đức, Bình Tân, Hóc Môn, Nhà Bè... cũng gây ám ảnh cho chủ nhà và những ai có nhu cầu tìm kiếm, giao dịch.

Anh Đoàn Dũng (25 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) - nhân viên giao hàng - cho biết đã làm nhân viên giao hàng 3 năm nay thì ngoài quận 12, anh thường xuyên đi các quận khác nữa, đường sá cũng tạm thông thuộc hơn nhiều người nhưng rất nhiều khi "bó tay" với những địa chỉ siêu dài và sắp xếp lộn xộn.

"Chỉ còn cách hẹn người đặt hàng ra một vị trí nào đó cụ thể hơn để lấy đồ thôi" - anh Dũng chia sẻ. Một bạn trẻ ở Bình Tân cho biết mỗi khi có người lạ cần đến nhà, chị thường ra đầu đường đón... vì khỏe hơn việc phải đọc số nhà và chỉ đường.

Nguyên nhân thì có nhiều: Nhà nước đổi số nhà cũ nhưng các cơ sở kinh doanh, người dân quen số nhà cũ nên không treo biển số mới. 

Nhiều nhất là những số nhà tự phát hoặc số nhà ở những khu đất lớn mới được chia tách thửa do người dân tự đặt, hoặc do các đơn vị cấp điện, cấp nước đặt để dễ quản lý đồng hồ cân đo. 

Thời gian gần đây, nhiều người dân phản ảnh về việc những số nhà có đến 4-5 "xuyệt" ở quận Bình Tân, huyện Nhà Bè... Nguyên tắc mỗi ngã rẽ thêm một "xuyệt" khiến các nhà trong hẻm sâu, qua nhiều ngã rẽ phải mang số dài ngoằng.

Cân lên đặt xuống, tìm phương án tốt nhất

TS Ngô Châu Phương - trưởng phòng khoa học công nghệ và đối ngoại Phân hiệu ĐH Giao thông vận tải tại TP.HCM, đơn vị phối hợp làm đề án chỉnh sửa số nhà cho quận 12 - chia sẻ đã lấy ý kiến gần như 100% người dân trên địa bàn, phần lớn người dân rất vui vì điều chỉnh số nhà lại thuận lợi hơn cho công việc, giao dịch của dân. 

"Quá trình nghiên cứu sắp xếp lại số nhà, nhóm chúng tôi vừa áp dụng quy định hiện hành vừa kế thừa những kinh nghiệm từ các nước, linh hoạt vận dụng quy định của Nhà nước để đưa ra phương án, giải pháp" - TS Phương chia sẻ.

Ví dụ, thửa đất rộng 8 - 10m mặt tiền thì cho sẵn 2 số (vì tối thiểu tách thửa phải có đất mặt tiền từ 4m trở lên), đất rộng 12m mặt tiền thì cho sẵn 3 số. Các số nhà này được dự trữ trong bản đồ số nhà, tạo kho số nhà. 

Trước giờ nhà nào xây trước sẽ cấp số nhà trước, những nhà xây sau sẽ được cấp các số thêm chữ ở sau, nên cùng là mặt tiền đường nhưng số nhà không đồng bộ nhau. Những thửa đất lớn cũng cấp một số, sau đó không có số mặt tiền để chèn. 

Vì thế trước mắt, số của những căn nhà hiện tại sẽ bị "nhảy cóc", tuy nhiên vẫn bảo đảm được nguyên tắc chẵn - lẻ và số nhà tăng dần hoặc giảm dần...

Hơn nữa, mỗi thửa đất, căn nhà có sẵn một tọa độ để đưa lên bản đồ số của TP.HCM, phục vụ cho các công cụ tìm kiếm, xây dựng dữ liệu của đô thị thông minh. 

Trong quyết định cấp số nhà có mã vạch, chỉ cần quét mã vạch sẽ tìm được thông tin về thửa đất. Dữ liệu này có thể tích hợp với các phần mềm khác đang triển khai trên địa bàn TP để có dữ liệu chung.

TS Phương cho biết thêm UBND quận cùng nhóm nghiên cứu đưa ra nhiều phương án, bàn bạc cùng nhau, cân lên đặt xuống giữa tác động xấu và tốt, lấy ý kiến của người dân rồi mới chọn phương án khoa học nhất, tốt nhất cho người dân. 

Trong thực tế phải chấp nhận một giai đoạn quá độ, chuyển tiếp khi đổi từ số nhà cũ sang số nhà mới. Giai đoạn chuyển tiếp là một khoảng thời gian do UBND quận quyết định để phối hợp giữa các đơn vị với nhau, khi thống nhất hết các phương án rồi mới triển khai.

Ông Nguyễn Minh Nhựt, chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết do địa bàn quận còn nhiều lô đất lớn nên khi người dân tách thửa xây nhà đã tạo thành nhiều ngõ ngách, cua, quẹo.

UBND quận đã rà soát và nắm được tình trạng này nhưng chỉ nương theo tình hình thực tế mà chỉnh sửa từ từ, hiện quận chưa có kinh phí để mở đường đại trà và điều chỉnh đồng bộ như quận 12.

"Nếu mô hình của quận 12 làm hiệu quả, chúng tôi sẽ học hỏi kinh nghiệm" - ông Nhựt cho biết.

Đổi xong sẽ cập nhật ngay

Tại lễ công bố kết quả, ông Lê Trương Hải Hiếu đề nghị các phòng ban của quận sớm hoàn chỉnh pháp lý của các nhà chưa đủ điều kiện cấp số nhà để cấp số; hoàn chỉnh cập nhật số nhà vào các dữ liệu dân cư, dữ liệu số, bản đồ số, Google map và bản đồ quản lý để người dân sớm hưởng được thành quả từ việc điều chỉnh số nhà.

Ngoài ra, hoàn chỉnh hệ thống đăng ký số nhà theo dịch vụ công trực tuyến để người dân đăng ký cấp số nhà thuận tiện và nhanh nhất; sớm triển khai kế hoạch điều chỉnh số nhà tại các phường để phối hợp đồng bộ cùng kế hoạch cấp căn cước công dân, gắn chip của cơ quan công an.

Cấp đổi giấy tờ thuận tiện cho người dân

Để hạn chế xáo trộn cho các sinh hoạt, giao dịch bình thường của người dân, ông Đậu An Phúc cho biết trước mắt, trong quyết định cấp số nhà mới của người dân có thông tin số nhà cũ để người dân tiện giao dịch.

Trên hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước và công an quận hiện nay có hai hệ thống số nhà cũ và mới nên người dân có thể giao dịch bằng bất kỳ số nhà nào.

Trên bảng số nhà có luôn cả số mới và số cũ để người dân quen dần với số nhà mới, sau đó sẽ bỏ luôn số cũ. Với những trường hợp hộ gia đình có nhu cầu cấp đổi ngay các loại giấy tờ, công an khu vực sẽ cung cấp cho đội quản lý hành chính của công an quận để đội này chủ động cấp đổi giấy tờ cho dân.

"Hệ thống hiện nay đã liên thông từ UBND quận qua công an nên việc cấp đổi này sẽ dễ dàng, hạn chế việc đi lại của người dân", ông Phúc nói.

Điều chỉnh và cấp mới số nhà tại phường Tân Thới Hiệp, quận 12 Điều chỉnh và cấp mới số nhà tại phường Tân Thới Hiệp, quận 12

TTO - Ngày 14-11, UBND quận 12, TP.HCM đã tổ chức lễ công bố kết quả điều chỉnh số nhà trên địa bàn phường Tân Thới Hiệp, đồng thời thực hiện nghi thức gắn bảng tên đường, hẻm, số nhà mới tại đây.

DƯƠNG NGỌC HÀ - CHÂU TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên