13/12/2020 09:08 GMT+7

Phát huy tài năng Việt, đưa đất nước vươn xa

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - “Phải nhìn từ lăng kính trân trọng nhân tài, mới phát hiện ra nhân tài”, đại biểu tài năng trẻ Việt chỉ ra những giải pháp trong công tác bồi dưỡng, phát huy, thu hút người trẻ quay về nước làm việc, tránh tình trạng “chảy máu chất xám”.

Phát huy tài năng Việt, đưa đất nước vươn xa - Ảnh 1.

Đại biểu tài năng trẻ Việt quy tụ tại Hà Nội trong ngày 12-12 - Ảnh: HÀ THANH

Tùy tài mà dùng người. Tài to dùng làm việc to, tài nhỏ sử dụng làm việc nhỏ, ai có năng lực việc gì, đặt ngay vào việc đó.

Thạc sĩ Phan Duy Anh

Ngày 12-12 tại Hà Nội chính thức khai mạc diễn đàn "Bồi dưỡng, chăm lo và phát huy tài năng trẻ Việt Nam", trong khuôn khổ Đại hội tài năng trẻ Việt Nam lần thứ 3 năm 2020 với sự tham gia của 400 đại biểu.

Tùy tài mà dùng người

Xoay quanh câu hỏi "Làm thế nào để phát huy tài năng trẻ Việt tham gia phát triển, cống hiến cho đất nước?", thạc sĩ Phan Duy Anh (giảng viên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM) nhấn mạnh tầm quan trọng của những cá nhân, tổ chức sử dụng nhân tài cần tránh góc nhìn hẹp hòi, nên độ lượng, có tinh thần rộng rãi, thậm chí chấp nhận người ta giỏi hơn mình mới giữ chân được người tài.

"Những người có tài thường hay vướng phải một số hạn chế nhất định nào đó. Dân gian cũng thường nói "có tài có tật". Phương châm sử dụng là: tùy tài mà dùng người. Tài to dùng làm việc to, tài nhỏ sử dụng làm việc nhỏ, ai có năng lực việc gì, đặt ngay vào việc đó" - anh Duy Anh bày tỏ.

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Lê Duy (Đại học Y dược TP.HCM) cho biết hiện nay chúng ta đã làm tốt công tác phát hiện, bồi dưỡng nhân tài, tuy nhiên cần chú trọng hơn nữa công tác đào tạo. Viện dẫn câu nói của nhà bác học Thomas Edison: "Thiên tài chỉ có 1% là may mắn, 99% còn lại là mồ hôi và nước mắt", tiến sĩ Duy cho rằng tạo ra nhân tài là điều hoàn toàn khả thi. Giải pháp đưa ra là tạo điều kiện về môi trường, động lực cho người trẻ học tập, rèn luyện. Cùng với đó, các bạn trẻ học hỏi thêm từ người đi trước để hun đúc khát khao trở thành nhân tài, cống hiến cho đất nước.

Giữ chân người tài

"Mấy năm gần đây các tỉnh, thành có chính sách thu hút tài năng trẻ nhưng nhân tài về rồi cũng đi" - tiến sĩ Phạm Tấn Nhật, Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM, chỉ ra thực trạng.

Từ đó, anh nêu giải pháp cần khảo sát, đánh giá bằng phương pháp khoa học về việc này, đồng thời xây dựng chính sách để đoàn kết tài năng trẻ của đất nước, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn cầu. Bên cạnh đó, phát triển bền vững về con người, không chỉ trong chuyên môn mà còn tăng cường phát triển kỹ năng sống.

"Phải xây dựng tầm nhìn, bức tranh lớn hơn về những người trẻ mới giúp họ phát huy tài năng. Đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của doanh nghiệp, tập đoàn, tạo điều kiện cho Việt Nam phát triển tài năng trẻ", tiến sĩ Nhật góp ý.

Cùng ý tưởng trên, đại biểu Nguyễn Phúc Khải, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM, chỉ ra kinh nghiệm ở Nhật Bản làm rất tốt khâu kết nối giữa nhà trường với doanh nghiệp. Anh đề xuất cần tận dụng tốt nguồn lực của doanh nghiệp, xã hội nhằm giúp người trẻ tham gia cống hiến tốt hơn.

"Người giỏi dù ở đâu cũng cần việc làm. Nếu quay về Việt Nam có được công việc ổn định, đời sống vui vẻ, phát huy được bản thân, chắc chắn họ sẽ trở về. Tôi nghĩ thời gian tới tổ chức Đoàn, Hội cần hỗ trợ thêm các hoạt động giao lưu, gắn kết giữa doanh nghiệp, nhà trường, để có cơ hội kêu gọi các tài năng trẻ quay về" - anh Khải chia sẻ.

Tại diễn đàn, thạc sĩ Hồ Thị Thương, Viện Công nghệ sinh học, kể câu chuyện ngày mới ra trường, rất nhiều người hỏi tại sao tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc của một trường đại học lại lựa chọn vào cơ sở nghiên cứu với mức lương rất thấp?

Chị bảo mới ra trường là quãng thời gian để người trẻ tích lũy kinh nghiệm, "tiếp lửa" cho niềm đam mê khoa học. Sau tám năm cống hiến, mức lương đã tăng lên và đơn vị tạo rất nhiều điều kiện cho chị tham gia các hội thảo, diễn đàn quốc tế.

Với vai trò là nhà khoa học trẻ, chị đề xuất tập trung các giải pháp như: chính sách hỗ trợ về kinh phí, giúp nhà khoa học mạnh dạn nghiên cứu, có nhiều sáng chế được công bố, đăng báo quốc tế; đầu tư trang thiết bị kỹ thuật tại các cơ sở nghiên cứu; có chính sách khích lệ khen thưởng tài năng trẻ.

Hôm nay 13-12 sẽ diễn ra phiên trọng thể Đại hội tài năng trẻ Việt Nam tại Hà Nội.

* Tiến sĩ Võ Văn Giàu (giáo sư tập sự, khoa công nghệ nano sinh học, Trường ĐH Gachon, Hàn Quốc):

anh box 2

Tiến sĩ Võ Văn Giàu

Kết nối nhà khoa học Việt ở nước ngoài

"Xác định về nước là lương rất thấp, chưa kể khó khăn về điều kiện nghiên cứu từ máy móc, dụng cụ đến kinh phí thực hiện. Các nước thường hỗ trợ kinh phí cho những dự án đầu đời do nhà nghiên cứu trẻ thực hiện, dù không nhiều nhưng là cơ hội để người ta triển khai ý tưởng, có những kết quả bước đầu. Từ đó mới đi sâu nghiên cứu khoa học. Thay vì một năm tài trợ cho nhiều dự án lớn, chúng ta có thể chia ra những dự án nhỏ, cho những nhà nghiên cứu trẻ dưới 35 tuổi hoặc vừa làm xong tiến sĩ tham gia, chứ đòi hỏi người ta phải có nhiều công bố, kinh nghiệm lâu năm thì không bao giờ đến lượt cán bộ trẻ.

Bản thân tôi luôn mong muốn làm sao kết nối được mạng lưới nghiên cứu cũng như các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu người Việt đang sinh sống, học tập ở nước ngoài, nhằm tận dụng nguồn lực, trí tuệ người Việt. Phải hợp tác, kết nối, như vậy sẽ giúp ích rất nhiều cho phát triển, sử dụng "chất xám" trí tuệ Việt".

* Anh Giàng Seo Châu (gương mặt trẻ Việt Nam 2016, UBND xã Quan Hồ Thẩn, Lào Cai):

anh box 1

Anh Giàng Seo Châu

"Điều kiện học tập, nghiên cứu của thanh niên dân tộc thiểu số rất khó khăn, nhất là học lên đại học và sau đại học, du học nước ngoài. Một số tài năng người dân tộc thiểu số phải bỏ học giữa chừng do hoàn cảnh. Vì vậy, chúng tôi mong muốn có chính sách hỗ trợ các tài năng trẻ người dân tộc thiểu số về môi trường học tập và nghiên cứu cũng như những điều kiện đặc thù trong ưu tiên bố trí, sử dụng họ.

Tài năng trẻ Việt: Đừng vì nữ nộp hồ sơ mà định kiến, không cho họ thăng tiến Tài năng trẻ Việt: Đừng vì nữ nộp hồ sơ mà định kiến, không cho họ thăng tiến

TTO - Chỉ ra một nghiên cứu năm 6 tuổi, điểm toán của bé gái cao hơn bé trai, nhưng sau 2 năm tình thế hoàn toàn ngược lại, TS Hà Thị Thanh Hương cho biết điều này phát xuất từ định kiến xã hội về giới.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên