Phóng to |
Ông Phạm Thế Duyệt nói:
- Cần khẳng định rằng xây dựng và chỉnh đốn Đảng là một vấn đề bức thiết không phải đến bây giờ mới đặt ra. Chúng ta không cực đoan, nhưng phải thấy rằng khi đã xác định “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... thì không thể nói là bình thường được.
* Tình trạng suy thoái đạo đức có cả ở cấp cao?
- Nếu không nói ra thì người dân cũng nói, chẳng qua người dân không nói ở đâu được, họ phải nói với nhau. Người dân nhìn rõ cả.
* Mới đây báo chí có nêu hai cán bộ ngành giao thông chơi cờ tướng ăn thua bạc tỉ, ông có biết?
- Tôi biết chứ, cấp phó giám đốc sở cũng cấp ủy duyệt, cũng này khác, thế mà không suy thoái thì là gì? Như tôi là ủy viên Bộ Chính trị về hưu, lương mỗi tháng cũng chỉ được 7,4 triệu đồng. Họ chơi mấy tỉ đồng nghe đơn giản như không.
* Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra một câu hỏi lớn, rất day dứt, trăn trở lâu nay cần được trả lời: “Vì sao công tác xây dựng Đảng được trung ương rất coi trọng, đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị rất đúng, rất hay, nhiều cuộc vận động sâu rộng nhưng kết quả vẫn chưa đạt yêu cầu?”, ông nói gì về việc này?
- Nếu hỏi tại sao, có nhiều nguyên nhân, nhưng tôi nghĩ rằng tại chúng ta chưa làm tốt, tại chúng ta để xảy ra nhiều khuyết điểm trong xây dựng Đảng. Đó là cái chính. Không có nghị quyết nào nói sai, nhưng chúng ta thực hiện không làm tốt, nói nhiều mà làm ít, nghị quyết nhiều mà hành động ít.
* Ông có đồng ý rằng vấn đề ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống là vấn đề trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất hiện nay?
- Đặt vấn đề như vậy rất đúng. Nhìn thấy vấn đề rồi, quan trọng là khắc phục như thế nào. Nói cho cùng, muốn khắc phục được thì Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành trung ương phải chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện những nội dung nghị quyết đã đề ra và sẽ đề ra. Chúng ta không thể nói chung chung, phải đòi hỏi sự gương mẫu, sự quyết liệt ở cơ quan lãnh đạo cao nhất. Trên gương mẫu, ở dưới khó có thể làm việc sai trái, khó có thể dẫn đến chủ nghĩa quan liêu, xa dân, tham nhũng, tiêu cực... Cho nên lần này hội nghị trung ương nói đến trách nhiệm người đứng đầu là rất tốt. Nghiêm là nghiêm từ trên, mọi sự liêm chính đòi hỏi từ cấp cao nhất trở xuống.
* Thưa ông, rất dễ tha hóa khi quyền lực không được giám sát, làm sao để giám sát được những người ở cương vị lãnh đạo, quản lý các cấp?
- Từng kinh qua nhiều vị trí, tôi hiểu mối quan hệ ràng buộc, nhưng muốn giám sát được thì phát huy dân chủ vẫn là số một. Anh ý thức dân chủ tức là anh để cho người ta nói xem anh đúng hay sai. Có nhiều phương thức thực hiện nhưng vấn đề là có để người dân, để cán bộ, đảng viên giám sát hay không. Đơn cử một việc tôi đã nhiều lần nói đến là chúng ta lấy phiếu tín nhiệm cán bộ chủ chốt cấp xã, tại sao không làm ở cấp cao hơn? Ví dụ như bỏ phiếu tín nhiệm ông bộ trưởng không phải để truất chức nhau, mà để biết đang có sự đánh giá về cán bộ này như thế nào.
* Như vậy, một trong những vấn đề quan trọng của xây dựng Đảng hiện nay là phát huy dân chủ trong Đảng và trong xã hội?
- Đảng ta có nguyên tắc tập trung dân chủ. Người đứng đầu chịu trách nhiệm lớn nhất, nhưng mà phải phát huy được trí tuệ tập thể, ở trên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành trung ương, dưới là các tỉnh ủy, thành ủy, các đảng bộ... Người đứng đầu chỉ có thể phát huy dân chủ thật sự, phát huy sức mạnh tập thể khi để cho người ta dám nói. Đừng bao giờ một chiều. Phải biết lắng nghe rồi hãy quyết.
* Từng lãnh đạo giải quyết sự kiện bất ổn ở tỉnh Thái Bình trước đây, theo ông, bài học đặt ra cho công tác xây dựng Đảng ở cơ sở là gì? - Đó là bài học về xây dựng, phát huy dân chủ ở cơ sở. Lúc bấy giờ tôi về Thái Bình không chỉ họp với tỉnh ủy mà còn đi xuống lắng nghe cơ sở, tổ chức nhiều cuộc gặp với các thế hệ lãnh đạo của địa phương. Lúc đầu họp trên tỉnh cũng có ý kiến nói nguyên nhân thế này, thế kia... Nhưng sau đó gặp gỡ lắng nghe nhiều ý kiến của cơ sở, của các thế hệ lãnh đạo địa phương thì thấy vấn đề là xa dân, mất dân chủ, để dân đóng góp quá mức... Có những cuộc tôi về xã làm việc, trên dưới 500 người tham gia, các anh công an còn nói với tôi là sợ họ bắt cả tôi, nhưng tôi nói chẳng sợ gì cả, mình chân thành với dân thì dân sẽ tin mình. |
Ông Tính nhắc lại quan điểm xuyên suốt của Tỉnh ủy Sóc Trăng là xử lý vụ ông Nguyễn Thanh Lèo (phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Sóc Trăng) và ông Trần Văn Tân (giám đốc Trung tâm đào tạo lái xe loại 3 tại Sóc Trăng) đánh cờ bạc tỉ một cách khẩn trương, nghiêm minh. Ông cũng cho biết các cơ quan tố tụng đang làm các bước tiếp theo để sớm đưa vụ này ra xử lý trước pháp luật. * Hai quan chức này ăn thua mỗi ván cờ đến bạc tỉ và ông Lèo đã nợ tới 22 tỉ đồng, ông có bất ngờ không? - Không phải tôi bất ngờ, bất kỳ ai cũng bất ngờ vì số tiền ăn thua quá lớn. * Nhiều ý kiến đặt vấn đề ông Lèo và ông Tân không thể nào có nhiều tiền, nhà cửa lớn để đánh bạc như vậy... - Cái đó tôi chưa nghe. Mình không thể nói là những ông này hoàn toàn không có gì và nói không có dư luận đó thì cũng không phải. * Có ý kiến cho rằng ông Lèo và ông Tân có sự thăng tiến nhanh nhờ chạy chọt? - Cái đó bản thân tôi không nghe. * Riêng chỗ ông Lèo, các vị nguyên là lãnh đạo thị xã Sóc Trăng cho biết ông này ứng cử vào cấp ủy hai lần và đều bị rớt. Sau đó ông không được bổ nhiệm làm phó chủ tịch UBND thị xã Sóc Trăng nhưng lại cất nhắc làm phó giám đốc Sở Giao thông vận tải, ông nói gì về điều này? - Cái này anh nên hỏi Thành ủy Sóc Trăng, họ sẽ nói kỹ hơn. Tôi mới từ huyện rút lên. Ông Lèo trước đây do Thị ủy Sóc Trăng (nay là Thành ủy Sóc Trăng) quản lý nên sẽ thẩm định dễ thôi. * Báo chí những ngày qua đều thông tin việc ông Lèo và ông Tân bao chiếm đất đai của cá nhân và tổ chức, việc này cụ thể ra sao? - Nhà báo nên gặp cơ quan chuyên môn để họ cung cấp kỹ hơn. Tôi chỉ nói về quan điểm xử lý cán bộ vi phạm thôi. * Không chỉ vụ ông Lèo và ông Tân gây “lùm xùm”. Trước đó ở địa phương còn xảy ra các vụ bí thư xã “chui lộn mùng” và vụ phó chánh án TP Sóc Trăng quan hệ bất chính, có phải do sự buông lỏng quản lý cán bộ không, thưa ông? - Một số ít đảng viên có thế này thế kia nhưng không thể lấy đó để nói kiểm tra, giám sát của cấp ủy địa phương không tốt. Tỉnh ủy, các cấp ủy Đảng luôn coi công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Các sai phạm của đảng viên về đạo đức lối sống, chúng tôi xử lý rất nhanh và nghiêm minh.
|
Chúng ta cần xem lại chính sách “khuyến quan” của ta hiện nay. Cứ tăng chức mới được tăng lương, nhiều bổng lộc. Trong khi đó, việc tuyển chọn cán bộ công chức, đề bạt cán bộ nay vẫn còn khá bất cập. Ai muốn thăng chức thì phải có bằng cấp nên không ít người đã chạy bằng cấp để đạt được mục đích, chạy chọt tiền bạc để chạy theo con đường quan trường. Bỏ tiền ra chạy chọt và khi đạt được chức vụ rồi thì họ phải quay ra “kiếm tiền”, phải tham nhũng để lấy lại vốn, bù lại khoản đã chi trước đó. Tôi cho rằng việc thi tuyển cán bộ, đề bạt công chức phải công khai, minh bạch để có sự cạnh tranh lành mạnh, ai cũng có cơ hội như nhau. Công khai dân chủ thì không có đất cho tham nhũng. Trong tất cả các cửa xấu, cần bịt ngay cái cửa chạy chức đầu tiên vì chạy được chức rồi thì sẽ kết lại thành mảng, kéo bè, phe phái. Tới lúc đó thì chúng ta rất khó đột phá vào cái “khối liên kết” này. Để cán bộ, đảng viên tha hóa còn lỗi ở lãnh đạo không quản lý chặt cán bộ, đảng viên trong cơ quan. Có một tổng kết cho thấy 80% vụ tham nhũng bị phát hiện là do quần chúng chứ không phải do tổ chức Đảng, cơ quan chính quyền, cơ quan thanh tra, giám sát, kiểm tra phát hiện. Không làm tốt công khai minh bạch dân chủ đừng nói đến chống tham nhũng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận