29/06/2007 14:51 GMT+7

Phát hiện xác ướp Nữ hoàng Ai Cập

TRẦN LƯƠNG CÔNG KHANH (Theo france2.fr)
TRẦN LƯƠNG CÔNG KHANH (Theo france2.fr)

TTO - Nhà chức trách Ai Cập khẳng định đã tìm thấy xác ướp của Hatchepsout, một trong những nữ hoàng nổi tiếng của Ai Cập cổ đại.

4TrwN8ju.jpgPhóng to
Đền thờ Nữ hoàng Hatchepsout tại Deir El Bahari
TTO - Nhà chức trách Ai Cập khẳng định đã tìm thấy xác ướp của Hatchepsout, một trong những nữ hoàng nổi tiếng của Ai Cập cổ đại.

Một phát hiện cách đây 104 năm

Năm 1903, khi khai quật một lăng mộ nhỏ có diện tích 40 m2 ở thung lũng Các vì vua, nhà khảo cổ Anh Howard Carter đã phát hiện di thể của hai phụ nữ. Di thể đầu tiên được tìm thấy trong một cái quách được cho là Sitre-In - nhũ mẫu của Hatchepsout - và được chuyển về viện bảo tàng Cairo.

Di thể thứ hai của một phụ nữ khoảng 50 tuổi được tìm thấy ngay trên mặt đất.

Theo chuyên gia về lăng mộ thời Ai Cập cổ đại - Elisabeth Thomas, xác ướp thứ hai này có thể là của Hatchepsout vì bà nhận thấy cánh tay phải của xác ướp được gập lại trước ngực giống như di hài của mọi thành viên trong hoàng tộc Ai Cập cổ đại. Giả thuyết đã bị các chuyên gia khác phản đối, trong đó có Zahi Hawass - giám đốc các nghiên cứu về cổ vật Ai Cập và là người đứng đầu Hội đồng tối cao các cổ vật Ai cập.

Các nhà nghiên cứu nói gì?

MGHQ6hxZ.jpgPhóng to
Xác ướp được cho là của Hatchepsout
Tại một cuộc họp báo ở bảo tàng Metropolitan (New York) vào tháng 3-2006, Zahi Hawass khẳng định đang đi đúng hướng trên con đường tìm kiếm xác ướp của nữ hoàng Hatchepsout, vị nữ hoàng của vương triều thứ XVIII đã ngự trị ngai vàng 21 năm (1479 - 1458 trước công nguyên).

Ngày 27-6-2007, tại một cuộc họp báo ở viện bảo tàng Cairo với sự hiện diện của bộ trưởng Bộ Văn hóa Ai Cập - Farouk Hosni - và đông đảo phóng viên nước ngoài, Zahi Hawass xác nhận một thông tin được kênh truyền hình Mỹ Discovery Channel phát trước đó: đã nhận dạng được xác ướp của nữ hoàng Hatchepsout.

Một chiếc răng và ảnh quét 3 chiều chứng tỏ rằng xác ướp được tìm thấy ngay trên mặt đất trong thung lũng Các vì vua cách đây hơn một thế kỷ chính là nữ hoàng Hatchepsout.

Theo một tài liệu của Hội đồng tối cao các cổ vật Ai Cập, một nhóm chuyên gia Ai Cập đang thực hiện các xét nghiệm khoa học trên 4 xác ướp nữ có niên đại từ thời Tân Đế chế để hoàn thành kết luận. Các chuyên gia này đang chụp CT xác ướp để phát hiện cấu trúc cơ thể trong không gian ba chiều nhằm so sánh xác ướp được cho là của Hatchepsout với xác ướp của các thành viên khác trong gia đình bà.

Ngoài ra, theo thông tin của Zahi Hawass trong cuộc họp báo ngày 27-6-2007, một chiếc răng hàm tìm thấy trong một bình tùy táng có khắc tên Hatchepsout đặt tại đền thờ của bà ở Deir El Bahari lại khớp với chiếc răng còn thiếu trong hàm của xác ướp. Theo trang web của Discovery Channel, các nhà khoa học đang tiến hành phân tích ADN một mảnh răng này.

Những cuộc bút chiến

Trong khi chờ đợi kết quả cuối cùng, một cuộc bút chiến đang bắt đầu. Salima Ikram - nữ giáo sư khảo cổ học tại trường đại học Cairo, chuyên gia về xác ướp - bình luận: “Phép phân tích ADN sẽ không mang tính thuyết phục". Về phần mình, giáo sư Mỹ Donald P. Ryan của trường đại học Pacific Lutheran khẳng định Zahi Hawass “đã thực hiện một công trình tốt và kết quả dù như thế nào cũng rất thú vị.”

Hatchepsout là ai?

Là nữ pharaon của vương triều thứ XVIII, Hatchepsout sinh năm 1520 và mất năm 1484 (trước Công nguyên).

Là con gái của Toutmosis I, bà kết hôn với một người em trai cùng cha khác mẹ để bảo đảm sự thừa kế ngai vàng hợp thức của người em này, người sau này là Toutmosis II. Khi vua Toutmosis II chết, con trai của ông với một người vợ khác trở thành Toutmosis III. Vì Toutmosis III còn rất bé, người cô Hatchepsout chiếm quyền cai trị đất nước.

Bà đội vương miện, đeo râu giả (một trong những biểu hiện của vương quyền Ai Cập cổ đại). Bà cho xây dựng trên tả ngạn sông Nil, đối diện với Karnak, một ngôi đền thờ ở Deir El Bahari. Đó là một công trình đẹp nhiều tầng và dựa vào vách đá. Ngày nay, công trình này vẫn còn và được phục chế khá nhiều.

Hatchepsout là một phụ nữ giàu nghị lực, biết cách giữ gìn vương quyền nhờ dựa vào những viên quan có năng lực và trung thành. Triều đại của bà rất thanh bình. Chính sách đối ngoại chủ yếu dựa trên các cuộc trao đổi thương mại.

Sau khi bà qua đời, vua Toutmosis III đã cho xóa tên bà trên mọi công trình lịch sử của Ai Cập thời đó.

TRẦN LƯƠNG CÔNG KHANH (Theo france2.fr)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên