26/02/2015 12:49 GMT+7

​Phát hiện "siêu lỗ đen" lớn gấp 12 tỉ lần Mặt trời

TƯỜNG VY
TƯỜNG VY

TTO - Các nhà thiên văn học phát hiện một "siêu lỗ đen" lớn gấp 12 lần kích thước Mặt trời. Nó được cho là hình thành chỉ 875 triệu năm sau vụ Big Bang.

Ảnh minh họa "siêu lỗ đen" mới được tìm thấy - Ảnh: Space

Lỗ đen này do một nhóm nghiên cứu quốc tế phát hiện bằng cách sử dụng các kính thiên văn ở Trung Quốc, Hawaii, Arizona, và Chile.

Nó nằm ở trung tâm của một chuẩn tinh có năng lượng tỏa ra gấp triệu tỉ lần Mặt trời (chuẩn tinh ở rất xa, giống một ngôi sao và phát ra một bức xạ điện từ rất mạnh - NV).

Theo tờ Space ngày 25-2, đây là lỗ đen lớn nhất và sáng nhất từng được phát hiện. Tuy nhiên điều khiến giới khoa học kinh ngạc là nó quá "trẻ", chỉ mới hình thành sau vụ Big Bang 875 triệu năm, và việc tìm ra nó có thể thách thức mọi lý thuyết chung về quá trình hình thành lỗ đen.

"Với các lý thuyết hiện nay, rất khó để giải thích vì sao một lỗ đen lớn cỡ đó lại được hình thành nhanh chóng như vậy", Tiến sĩ Fuyan Bian - khoa Nghiên cứu thiên văn và vật lý thiên văn ĐH Quốc gia Úc và là tác giả nghiên cứu nói.

Cho đến nay, các nhà thiên văn học đã phát hiện hơn 200.000 chuẩn tinh hình thành khoảng 700 triệu năm sau vụ nổ Big Bang. Mặc dù có độ sáng rất lớn, chúng vẫn mờ nhạt vì ở quá xa và rất khó tìm thấy.

Hố đen, hay lỗ đen, là một vùng trong không gian có trường hấp dẫn lớn đến mức lực hấp dẫn của nó không để bất cứ dạng vật chất nào, kể cả ánh sáng, thoát ra khỏi đó. Hầu hết các thiên hà lớn, trong đó có dải Ngân hà của chúng ta, được cho là có các hố đen siêu lớn ở trung tâm chúng.

TƯỜNG VY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên