![]() |
Cuối năm 2003, Hội Việt Nam - Những ký ức gửi tặng Viện Sử học bộ tiếp theo Ðại Nam thực lục chính biên này, được chụp bằng máy chụp hình kỹ thuật số, cùng với một bộ sử khác cũng không có ở trong nước, là bộ Khâm định Ðại Nam hội điển sự lệ tục biên hậu thứ.
Trong di sản thư tịch cha ông ta để lại, Ðại Nam thực lục là bộ sử lớn, do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, gồm hai phần tiền biên và chính biên, chép việc triều Nguyễn qua chín đời chúa Nguyễn, và chín đời vua Nguyễn (từ Gia Long đến Ðồng Khánh) trong khoảng 1558 đến 1888. Trong kho sách sử triều Nguyễn viết bằng chữ Hán, Ðại Nam thực lục chính biên là bộ sử quan trọng, hiện vẫn còn được lưu giữ và bảo quản cẩn thận tại Thư viện Viện Sử học Việt Nam, Viện nghiên cứu Hán - Nôm. Bộ sách này được biên soạn trong 88 năm mới hoàn thành (1821 - 1909). Năm 1962, Viện Sử học VN công bố tập đầu tiên bản dịch bộ Ðại Nam thực lục, do Nhà xuất bản Sử học ấn hành, và tới năm 1978, với sự hợp tác của Nhà xuất bản Khoa học xã hội, đã in xong 38 tập, hoàn thành việc công bố toàn bộ văn bản Ðại Nam thực lục (tiền biên, chính biên) mà chúng ta có. Năm 2001, Viện Sử học cùng Nhà xuất bản Giáo dục hợp tác tái bản bộ Ðại Nam thực lục, 10 tập (khổ 16 x 24). Tập I đã phát hành năm 2002. Theo kế hoạch, trong năm 2004 sẽ in và phát hành các tập II, III và IV. |
Ðệ lục kỷ phụ biên, nghĩa là biên chép phụ vào kỷ thứ sáu, kỷ chép về đời Ðồng Khánh, là phần viết về hai đời vua Thành Thái (1889 - 1907) và Duy Tân (1907 - 1916). Phần Ðệ thất kỷ, viết về đời Khải Ðịnh (1916 - 1925).
Thành Thái, Duy Tân là hai ông vua không có miếu hiệu, vì vào đời Khải Ðịnh, khi biên soạn sách này, hai ông đang bị thực dân Pháp đưa đi đày, nên trong Ðại Nam thực lục chính biên, chỉ được chép phụ vào Kỷ Ðồng Khánh và gọi Thành Thái phế đế phụ biên, Duy Tân phế đế phụ biên. (Phế đế là vua bị ép phải thoái vị).
Thành Thái (Nguyễn Bửu Lân) lên ngôi vua năm 1889 (10 tuổi), làm vua 19 năm. Trong phụ biên chép về ông mỗi năm một quyển, cộng lại 19 quyển.
Duy Tân (Nguyễn Vĩnh San) lên ngôi năm 1907 (8 tuổi), làm vua 10 năm. Trong Duy Tân phế đế phụ biên, có 10 quyển chép về ông.
Ở Ðại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ, chép về đời Khải Ðịnh, có 10 quyển, vì Khải Ðịnh làm vua 10 năm, mỗi năm một quyển.
Như vậy, phần tiếp theo của Ðại Nam thực lục chính biên, có tất cả 39 quyển. Với phần bổ sung này, chúng ta đã có trọn bộ Ðại Nam thực lục chính biên587 quyển (phần tiền biên có 12 quyển).
Việc phát hiện phần tiếp theo trọn bộ Ðại Nam thực lục chính biên là một đóng góp học thuật rất có ý nghĩa.
Sau khi nhận được bản chụp phần tiếp theo của sách Ðại Nam thực lục chính biên, Viện Sử học đã khẩn trương tổ chức dịch với mong muốn công trình này sẽ sớm được ra mắt bạn đọc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận