Lỗ thủng ozone tại Nam Cực - Ảnh: NASA
Mới đây, tạp chí khoa học AIP Advances cho biết lỗ thủng ozone tại vùng nhiệt đới đã có thể hoạt động từ những năm 1980, nhưng gần đây mới được phát hiện bởi các nhà khoa học Canada.
Với diện tích gấp 7 lần so với lỗ thủng trước đó tại Nam Cực, sự tồn tại xuyên suốt trong năm của lỗ thủng nhiệt đới và không có chu kỳ đóng như của lỗ thủng Nam Cực cũng đã khiến nhiều chuyên gia về khí tượng lo lắng.
Thật vậy, thay vì tuân theo chu kỳ mở ra và đóng lại vào thời điểm tháng 9 và 10 như tại Nam Cực, lỗ thủng tại vùng nhiệt đới hầu như mở xuyên năm. Điều này khiến nhiều người phải đối mặt với nguy cơ tiếp xúc với mức độ bức xạ UV lớn hơn quanh năm, tạp chí khoa học AIP Advances cho biết.
"Phát hiện mới này khiến phần lớn dân số toàn cầu sẽ bị đe dọa nghiêm trọng, vì các vùng nhiệt đới là nơi sinh sống của khoảng một nửa dân số thế giới (trong đó có Việt Nam)", tạp chí khoa học AIP Advances thông tin.
Ông Qing-Bin Lu, nhà khoa học thuộc Đại học Waterloo (Canada), cho biết sự tồn tại của lỗ thủng ozone vùng nhiệt đới có thể gây ra mối quan ngại lớn trên toàn cầu.
Trên thực tế, hiện tượng này xảy ra khi lượng ozone (O₃) bị mất đi khoảng 25% trong bầu khí quyển. Từ đó khiến bức xạ tia cực tím có thể dễ dàng xâm nhập vào bề mặt Trái đất và làm tăng nguy cơ bị ung thư da cũng như các tình trạng sức khỏe khác như đục thủy tinh thể, hệ thống miễn dịch bị suy yếu.
Tuy nhiên, ông Lu cho biết phát hiện mới này rất quan trọng, khi nó có thể giúp các nhà khoa học đánh giá về sự thay đổi của tầng ozone, tia cực tím và sự ảnh hưởng mà nó gây ra với con người cũng như hệ sinh thái.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận