Cấu trúc i-motif mới được phát hiện trong tế bào sống của con người - Ảnh: SCIENCE ALERT
Theo trang Science Alert, phát hiện mới về cấu trúc gene được mô tả như một "nút xoắn" của DNA trong các tế bào sống đã khẳng định thêm sự thật là bảng mã gene phức tạp của chúng ta không chỉ gồm chuỗi xoắn kép quen thuộc lâu nay mà còn gồm một cấu trúc khác có tính đối xứng phức tạp hơn nữa.
Các biến thể phân tử này có thể có những ảnh hưởng nhất định tới các chức năng sinh học của cơ thể.
Ông Daniel Christ - nhà nghiên cứu điều trị kháng thể của Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan ở Australia, chủ trì nghiên cứu về cấu trúc mới của DNA, cho biết: "Giống như phần lớn chúng ta thường nghĩ về DNA, chúng tôi cũng chỉ nghĩ về chuỗi xoắn kép. Tuy nhiên nghiên cứu mới này nhắc nhở chúng tôi rằng có những cấu trúc DNA khác cũng đang tồn tại và có thể rất quan trọng với các tế bào của chúng ta".
Thành phần mới trong DNA do nhóm nghiên cứu tìm ra được gọi là cấu trúc motif xen giữa ("intercalated motif" hay "i-motif") vốn lần đầu được phát hiện vào những năm 1990. Tuy nhiên cho tới nay người ta mới chỉ thấy xuất hiện cấu trúc này trong các tế bào ở điều kiện nghiên cứu ống nghiệm mà không phải trong các tế bào sống.
Hình minh họa về cấu trúc DNA mới trong tế bào người - Ảnh: SCIENCE ALERT
Tuy nhiên nhờ công trình nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học do ông Christ chủ trì, người ta đã thấy cấu trúc i-motif này xuất hiện một cách tự nhiên trong tế bào người, điều này cho thấy tầm quan trọng nhất định của cấu trúc này.
Như vậy, với việc khẳng định chắc chắn về sự tồn tại của một dạng cấu trúc DNA mới trong các tế bào, các nhà khoa học đã có căn cứ xác thực để tiếp tục tìm hiểu chức năng thực sự của những cấu trúc này với cơ thể chúng ta.
Kết quả nghiên cứu này vừa được đăng tải trên tạp chí khoa học Nature Chemistry.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận