13/07/2017 18:25 GMT+7

'Phát hiện bất thường sẽ dừng nhận chìm vật chất ngay'

ĐỨC TRONG
ĐỨC TRONG

TTO - Đó là khẳng định của đại diện Bộ TN-MT trước các đại biểu HĐND tỉnh Bình Thuận ngày 13-7.

Cụm nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận - Ảnh: ĐỨC TRONG
Cụm nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận - Ảnh: ĐỨC TRONG

Liên quan đến việc Công ty TNHH Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 được Bộ Tài nguyên và môi trường (Bộ TN-MT) cấp giấy phép nhận chìm gần 1 triệu m3 “vật chất” sau nạo vét xuống vùng biển Vĩnh Tân, chiều 13-7, ông Phạm Ngọc Sơn, tổng cục phó phụ trách Tổng cục Biển - hải đảo (Bộ TN-MT), đã đăng đàn tại kỳ họp lần 4 HĐND Bình Thuận khóa X.

Ông Trương Quang Hai, phó chủ tịch HĐND Bình Thuận, cho biết mặc dù nội dung trên không có trong kế hoạch kỳ họp, nhưng thời gian qua dư luận quan tâm đặc biệt nên địa phương kiến nghị Bộ TN-MT đến tham gia, thông tin công khai cho cử tri, đại biểu của tỉnh rõ hơn.

“Dựa theo kinh nghiệm quốc tế”

Như lần làm việc với tỉnh Bình Thuận trước đây (ngày 7-7), ông Sơn một lần nữa khẳng định Bộ TN-MT không chấp nhận chuyện đánh đổi, hi sinh môi trường để phát triển kinh tế.

Ông dành gần 40 phút để thông tin những cơ sở pháp lý, khoa học và các giải pháp trước, trong và sau khi nhận chìm khối lượng “vật chất” trên đến với các đại biểu và đoàn giám sát của HĐND Bình Thuận.

Ông cũng khẳng định thêm khối lượng “vật chất” mà công ty Vĩnh Tân 1 được phép nhận chìm gồm bùn cát, vỏ sò, trầm tích sau khi nạo vét trước bến, vũng quay tàu trước cảng chứ không phải là chất thải trong quá trình sản xuất của công ty.

Theo ông Sơn, hiện nay Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân được quy hoạch với năm nhà máy. Để cho các loại tàu trọng tải lớn vào cung cấp nguyên liệu phục vụ nhà máy nhiệt điện, đồng thời căn cứ vào giấy xin phép của công ty Vĩnh Tân 1, ngày 23-6 Bộ TN-MT đã cấp giấy phép cho công ty Vĩnh Tân 1 được nhận chìm gần 1 triệu m3 “vật chất” sau nạo vét xuống vũng biển Vĩnh Tân.

Cũng theo ông Sơn, tất cả các thủ tục cấp phép được làm rất kỹ lưỡng, đầy đủ trong thời gian dài và dựa thêm vào kinh nghiệm quốc tế đã thực hiện.

Với việc vùng biển được chọn nhận chìm nằm trong khu vực nhạy cảm, có rạn san hô quý hiếm, là vùng biển nước trồi và chỉ cách Khu bảo Hòn Cau khoảng 8km nên trong quá trình thẩm định hồ sơ, Bộ TN-MT đã làm rất kỹ.

“Bộ đã xem xét rất chi tiết, không đánh đổi môi trường. Vật chất được nhận chìm không phải chất thải mà nó đã tồn tại lâu đời. Nó là của biển và chúng ta đưa về biển” - ông Sơn khẳng định.

Khi xem xét cấp phép nhận chìm, bộ đã tính đến phương án đổ trên đất liền, nhưng rất khó khăn và khẳng định không thể thực hiện được. Nếu thực hiện theo hướng này, nguồn nước ngầm của địa phương sẽ bị nhiễm mặn, quỹ đất cũng không có để đổ và tỉnh Bình Thuận không đồng ý. “Chúng ta không còn cách nào khác” - ông Sơn nói.

Vậy tại sao lại chọ khu vực biển gần Hòn Cau để nhận chìm? Ông Sơn cho rằng dựa theo phân tích từ đánh giá báo cáo tác động môi trường mà công ty Vĩnh Tân 1 trình và địa phương đồng ý.

“Hiện nay chưa có quy hoạch vùng biển được nhận chìm vật chất và địa phương đồng ý nên mới chọn khu vực này”, ông Sơn nói.

Ông Phạm Ngọc Sơn – phó tổng cục phụ trách Tổng cục biển - hải đảo (Bộ TN&MT) – đã đăng đàn trước kỳ họp lần 4 HĐND Bình Thuận khóa X - Ảnh: ĐỨC TRONG
Ông Phạm Ngọc Sơn – phó tổng cục phụ trách Tổng cục biển - hải đảo (Bộ TN&MT) – đã đăng đàn trước kỳ họp lần 4 HĐND Bình Thuận khóa X - Ảnh: ĐỨC TRONG

Vẫn chưa yên tâm!

Ông Sơn thừa nhận tất cả các dự báo trên vẫn là dự báo, mô hình vẫn là mô hình nên không yên tâm tuyệt đối.

Theo ông Sơn, giải pháp đặt ra là tăng cường các điểm quan trắc và quan trắc liên tục. Việc quan trắc được thực hiện bởi đơn vị độc lập. “Khi phát hiện bất thường sẽ dừng ngay hoạt động nhận chìm, chờ đến khi có giải pháp khắc phục được bộ đồng ý mới xem xét tiếp tục” – ông Sơn nói.

Đại biểu Nguyễn Toàn Thiện cho rằng không tin tưởng được các chỉ số quan trắc trên. “Chúng ta phải phòng bệnh hơn là chữa bệnh. Trong việc nhận chìm này, khi các chỉ số quan trắc phát hiện những điều bất thường, có nghĩa là đã có vấn đề đến môi trường. Vấn đề này có lớn hay không thì chúng ta cũng nắm chắc. Và khi đã xảy ra rồi, chúng ta chưa biết là có khắc phục được hay không”, đại biểu Thiện ý kiến.

Trả lời ý kiến của đại biểu Thiện, ông Sơn cho biết việc quan trắc này do đơn vị độc lập quản lí, trong đó có sự tham gia giám sát của nhân dân nên cứ yên tâm. Theo ông Sơn, vì đây là giấy phép cho nhận chìm đầu tiên chúng ta thực hiện nên tiến hành rất kỹ càng và không đúng tuyệt đối.

“Về lâu dài, chúng ta không thể cứ nhận chìm mãi xuống biển được mà phải có các giải pháp khác như san lấp lấn biển, đổ vào nơi sạt lở chẳng hạn. Vì ngoài nhà máy Vĩnh Tân 1 còn có Vĩnh Tân 2, 3, 4 và 4 mở rộng nữa. Hiện nay chúng tôi đã nhận được hồ sơ xin đổ 2,4 triệu m3 khối vật chất từ Tổng công ty phát điện 3 xuống vùng biển này. Nhưng không phải xin là cho, mà phải xem xét, đánh giá kỹ lưỡng”, ông Sơn cho hay.

Sẽ có nhà trưng bày cho nhân dân giám sát

Ông Sơn thông tin thêm hiện đang yêu cầu công ty Vĩnh Tân 1 bố trí một nơi để cho nhân dân, báo chí giám sát trong suốt quá trình nhận chìm. Toàn bộ hoạt động nhận chìm, hình ảnh và thông số sẽ được truyền tải về đây cho mọi người giám sát và quản lí.

ĐỨC TRONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên