![]() |
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên nêu quan điểm: khai ấn đền Trần là một xuyên tạc lịch sử - Ảnh: H.Hương |
Còn quá nhiều tranh cãi nên dĩ nhiên, hội thảo khoa học “Mô hình tổ chức, quản lý lễ hội đền Trần Nam Định năm 2012” diễn ra suốt một ngày (18-7) tại Nam Định vẫn chưa tìm ra một phương án cụ thể cho việc phát ấn trong năm tới.
Nam Định: Chúng tôi tha thiết muốn giữ!
Đó là ý kiến của đại diện các cụ cao niên thôn Tức Mặc (phường Lộc Vượng, Nam Định) - nơi diễn ra lễ hội đền Trần. Căn cứ vào những điển tích truyền miệng do “các cụ truyền lại”, ông Trần Quốc Văn (80 tuổi) khẳng định: “Lễ khai ấn, phát ấn đền Trần lẽ ra không cần phải bàn luận nhiều vì đây là nét đẹp của văn hóa tâm linh, là phong tục tập quán, tín ngưỡng muôn đời của địa phương. Nếu làm đảo lộn tín ngưỡng cũng có nghĩa là đi ngược lại với lịch sử phát triển văn hóa”.
Các cụ cao niên làng Tức Mặc thống nhất gửi tới hội thảo kiến nghị không thay đổi giờ khai ấn, phát ấn theo truyền thống. Riêng nhà đền sẽ cố gắng tăng số lượng ấn để đảm bảo số lượng ấn phát ra cho đến người cuối cùng, hạn chế tình trạng chen lấn, xô đẩy...
Thêm phương án thứ 3 (!) Theo kết luận cuối hội thảo của GS.TS Nguyễn Chí Bền, ngoài hai phương án: không tổ chức phát ấn; chỉ khai ấn và khai ấn như thường lệ, dời thời gian phát ấn sang ngày hôm sau thì sẽ có thêm phương án thứ ba: giữ nguyên giờ khai ấn và phát ấn vào đêm 14 tháng giêng như những năm gần đây theo ý kiến đề xuất của các cụ cao niên. |
Các nhà nghiên cứu: tiếp tục tranh luận về chính sử
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên (Viện Khảo cổ học VN) gây sửng sốt khi đưa ra hàng loạt tư liệu trong chính sử để chứng minh sự vô căn cứ của lễ phát ấn đền Trần. “Những ý nghĩa mới bị gán ghép cho lễ khai ấn, phát ấn làm cho di sản bị biến dạng” - tiến sĩ Kiên khẳng định.
Bác lại ý kiến của tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên, ông Kiều Thu Hoạch (nguyên cán bộ Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian) khẳng định: “Không có ghi trong chính sử không có nghĩa là không có thật. Nguồn thông tin phong phú trong dân gian cũng có hàm chứa cái lõi sự thật”. Ông Hoạch và một số nhà nghiên cứu văn hóa khác (chủ yếu ở tỉnh Nam Định) đưa ra bài thơ của Đỗ Hựu từ thế kỷ 15 có nói về việc đi xem lễ khai ấn đền Trần để làm bằng chứng.
Bên lề hội thảo, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện (Viện Hán Nôm) cho biết bài thơ chữ Hán của Đỗ Hựu (1441-?), tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1478), là tư liệu được đề án Tổ chức lễ hội đền Trần Nam Định 2012 đưa ra làm căn cứ chính cho rằng việc khai ấn có ở thế kỷ 15 là tài liệu chưa được kiểm chứng, không đáng tin cậy. “Tôi rất muốn được xác minh bằng văn bản học bài thơ chữ Hán Thập tứ dạ quan khai ấn hội (tạm dịch: Đêm 14 đi thăm hội khai ấn) của Đỗ Hựu” - ông Diện nói.
Trả lễ hội về đúng ý nghĩa ban đầu
Nhiều chuyên gia tham dự hội thảo đã tỏ ý đồng thuận với ý kiến trả lễ hội đền Trần về đúng ý nghĩa ban đầu của nó. Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý (phó cục trưởng Cục Di sản) cho rằng: “Chúng ta phải có trách nhiệm gìn giữ di sản, dù ngày xưa có tồn tại hay không thì tập quán đó đang sống, đang được người dân thực hành và trở thành một phần của cộng đồng. Vấn đề ở đây là chúng ta giải quyết ra sao chứ không phải khi có vấn đề là dừng ngay tập quán đó lại”. Tuy nhiên, bà Lý cũng nhấn mạnh ý kiến đồng thuận với việc không nên tổ chức phát ấn rộng rãi, không nên chính trị hóa và hành chính hóa lễ hội đền Trần.
Ông Trần Chiến Thắng (nguyên thứ trưởng Bộ VH-TT&DL) cũng cho rằng đã là lễ hội của dân gian thì phải để dân gian làm. Ông Thắng nêu những ý kiến có phần gay gắt: “Phát ấn chỉ là một phần lễ rất nhỏ trong lễ hội nhưng thời gian vừa qua đã quá chú trọng đến việc phát ấn, phát ấn xong thì giải tán, phần tiền lễ, hậu lễ đều không có. Ngoài ra, trong nhiều năm qua việc tuyên truyền quá nhiều về thăng quan tiến chức đẩy việc phát ấn đến mức mê tín dị đoan”. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên cũng kiến nghị trả lại lễ đóng ấn đầu năm cho nhà đền, chỉ nên coi lễ đóng ấn là một hạt nhân trong đại lễ hội đền Trần hằng năm.
Dù vẫn còn rất nhiều ý kiến tranh luận, song viện trưởng Nguyễn Chí Bền (chủ trì hội thảo) đề nghị các nhà nghiên cứu có thể tranh biện rộng rãi trên các diễn đàn (?) vì thời gian hội thảo đã hết. Chưa tìm được sự đồng thuận, có lẽ việc tìm kiếm một mô hình hiệu quả cho việc tổ chức, quản lý lễ hội đền Trần vẫn còn phải chờ thời gian để nghiên cứu!
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Cố giữ lễ phát ấn chỉ vì mục đích thương mạiQuan chức không nên tham gia phát ấnChưa chứng minh được tục phát ấnLỗi của lễ khai ấn?Kinh hoàng chen lấn xin ấn cầu danhLễ hội: văn hóa hay cuồng tín?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận