22/02/2011 22:30 GMT+7

Lỗi của lễ khai ấn?

MỘT BẠN ĐỌC
MỘT BẠN ĐỌC

TTO - Sau khi xảy ra sự việc chen lấn kinh hoàng đêm khai ấn đền Trần (TP Nam Định), đã có rất nhiều bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng lên tiếng cho rằng, lễ khai ấn đền Trần chỉ là mê tín, cần được loại bỏ.

Tuy nhiên, nếu nhìn theo một góc nhìn khác thì lễ hội có lỗi hay không?

PjxdRFmH.jpgPhóng to
Lễ khai ấn đền Trần - Ảnh: brt.vn

Lỗi của ngày lễ?

Cuộc sống ngày nay đã phát triển hơn rất nhiều. Không thể phủ nhận, khi đời sống vật chất được nâng cao thì cũng là lúc người dân biết chăm lo hơn cho đời sống tinh thần của mình. Người ta có nhu cầu được vun đắp cho cuộc sống tâm linh của mình bằng việc đi cầu phúc ở những chốn linh thiêng, mà sự việc đề cập ở đây chính là đi “xin ấn đền Trần”. Người ta đi lễ là để cầu cho năm mới an lành, hạnh phúc, gặp nhiều may mắn. Việc làm này bù đắp đời sống tâm linh cho người dân, góp phần cho cuộc sống của họ trong năm mới thêm trọn vẹn.

Phần lớn các nhà văn hóa đều có ý kiến cho rằng, lễ khai ấn đền Trần nên được loại bỏ. Tuy nhiên tại sao lại phải hủy bỏ một lễ hội đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân khi mà lễ hội đó không có tội? Có nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, chưa từng tồn tại trong lịch sử lễ khai ấn đền Trần, cho nên không nên tổ chức lễ khai ấn nữa.

Thế nhưng, văn hóa là sản phẩm được con người sáng tạo ra, chẳng lẽ chỉ vì lễ hội không tồn tại trong lịch sử mà lại phải hủy bỏ nó trong hiện tại? Các lễ hội đua thuyền, chọi trâu, hội Lim,…đều do nhân dân sáng tạo ra, phục vụ lợi ích cho nhân dân. Lễ khai ấn đền Trần, như đã nói ở trên, là để phục vụ cho nhu cầu tâm linh của con người. Cho dù nó có được lịch sử công nhận hay không thì nó cũng được người dân đón nhận. Một lễ hội mang lại những giá trị tâm linh to lớn cho nhân dân thì có nên loại bỏ hay không?

Lễ khai ấn đền Trần năm nay quá đông người, dẫn đến hiện tượng chen lấn, xô đẩy. Nhưng, nếu nhìn sâu xa hơn vào các sự kiện của đất nước, chúng ta thấy rằng, không phải ở mỗi đền Trần. Sân vận động quốc gia Mỹ Đình, hoành tráng, rộng là thế, vậy mà ngày 10-10-2010, vẫn tắc, vẫn chen lấn xô đẩy. Sự việc cho dù đã được lên kế hoạch kỹ lượng, lực lượng công an đã phân bổ dày đặc nhưng không tránh khỏi chen lấn, ùn tắc.

Hay lễ hội chùa Hương, lễ hội Yên Tử, kéo dài trong suốt mấy ngày, vậy mà lúc nào người đi hội cũng cảm thấy đông đúc, chen chúc.

Lễ khai ấn đền Trần, chỉ được tổ chức trong một đêm, khuôn viên nhỏ hẹp, việc chen lấn, xô đẩy nhau là điều không thể tránh khỏi. Ngày xưa, khi điều kiện chưa có như bây giờ, thì có lẽ, lễ hội cũng chỉ khoảng vài nghìn người đến xin ấn.

Bài viết “Khi mê tín được gắn dấu quốc gia”, có đề cập đến vấn đề các nhà lãnh đạo cấp cao tham dự lễ khai ấn. Việc này, theo một khía cạnh khác lại là một điều tốt. Thử hỏi, một đất nước có những người lãnh đạo biết quan tâm đến các hoạt động văn hóa sẽ tốt hơn hay một đất nước có những vị nguyên thủ chỉ biết thờ ơ, lãnh đạm, tránh trách nhiệm với văn hóa tốt hơn? Nhất là với một lễ hội đã có truyền thống, tạo được niềm tin trong nhân dân như lễ khai ấn đền Trần thì các nhà lãnh đạo lại càng phải quan tâm, sâu sắc. Chỉ riêng việc đó thôi đã thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến đời sống tinh thần của nhân dân chứ không riêng gì đời sống vật chất.

Lễ khai ấn không có lỗi. Nó chỉ là một buổi lễ vẫn đang cố gắng thực hiện “nhiệm vụ” nâng cao đời sống tinh thần cho người dân mà thôi. Có đúng hay không nếu ta hủy bỏ một lễ hội lâu đời đang có sức ảnh hưởng rất lớn đến người dân như lễ khai ấn đền Trần?

Lỗi ở người

Một nét “văn hóa” rất nổi bật của người Việt Nam đó là văn hóa “không xếp hàng”. Thanh toán tiền trong siêu thị: Chen nhau. Vào bảo tàng, đi xem phim: Chen lấn. Lên xe bus: Xô đẩy. Việc chen lấn để tiết kiệm thời gian đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt. Cho nên, không quá khó hiểu khi sự cố chen lấn, xô đẩy ở đền Trần diễn ra.

Ai cũng muốn có ấn, ai cũng muốn có “may mắn” trong năm mới mà không ai chịu nhường ai để cuối cùng dẫn đến “thảm họa” ngày khai ấn. Không thể nói vì lễ khai ấn mà có cái thảm họa này mà chỉ có thể nói là do ý thức của người dân chưa thật sự tốt.

bw6rRDFW.jpgPhóng to
Chen lấn để xin ấn - Ảnh: tuoitre.vn

Tình trạng này diễn ra trong nhiều năm nay cũng cho thấy việc tổ chức lễ hội vẫn gặp nhiều vướng mắc. Biết trước tình trạng đông khách đến xin ấn thì lên có nhiều biện pháp hỗ trợ hơn nữa để có thể làm giảm tình trạng này. Những nhà tổ chức có thể phát ấn trong nhiều ngày (thậm chí là đến hết tháng giêng). Khoảng thời gian dài như vậy sẽ giúp cho người dân có thời gian thư thái để đến với lễ hội. Lễ khai ấn thì vẫn tổ chức nhưng sẽ phát ấn trong nhiều ngày. Như vậy, tình trạng chen lấn, xô đẩy sẽ giảm hẳn mà ý nghĩa của lễ khai ấn sẽ được chú ý, đi sâu vào nhận thức của người đi lễ.

Cũng cần mở thêm nhiều điểm phát ấn cho người đi lễ. Mở rộng điểm phát ấn sẽ kéo dãn được lượng người đến xin ấn, người dân sẽ dễ dàng và thoải mái hơn trong việc xin ấn.

Lễ khai ấn không có lỗi.

Mong các nhà văn hóa hãy có một cái nhìn khác về lễ khai ấn đền Trần. Đừng vì một sự việc trước mắt mà mà hủy bỏ cả một lễ hội truyền thống đầy ý nghĩa. Hãy nhìn sâu, nhìn xa để có những biện pháp đúng, hữu hiệu để ngày lễ khai ấn sẽ càng thêm ý nghĩa, người dân đến đây sẽ trở về với một tâm trạng hoan hỉ, phấn khởi khi cầm tờ ấn trên tay chứ không phải là một tâm trạng mệt mỏi sau một buổi lễ … “cướp ấn”.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Lễ khai ấn: một sáng tạo độc đáo?!Bi hài chuyện khai ấnLễ hội: văn hóa hay cuồng tín?Kinh hoàng chen lấn xin ấn cầu danhCó không tục “khai ấn đền Trần”?

MỘT BẠN ĐỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên