13/05/2011 08:00 GMT+7

Phạt 1 triệu đồng xe chạy ngược chiều trên đường cao tốc!

NGỌC HẬU - T.PHÙNG
NGỌC HẬU - T.PHÙNG

TT - Ngày 12-5, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Long An đã ra quyết định xử phạt tài xế Lê Quang Hải, người lái xe khách biển số 64H-5638 chạy ngược chiều trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương ngày 10-5.

Ông Hải bị phạt một lỗi duy nhất là chạy quá tốc độ cho phép (116/100km/giờ) với số tiền phạt 1 triệu đồng!

Read this on Tuoitrenews.vnVụ xe chạy ngược chiều: Chỉ phạt lỗi chạy quá tốc độ!Công an lập biên bản tài xế chạy ngược chiềuXe chạy ngược chiều trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương Truy tìm tài xế chạy ngược chiều trên đường cao tốcĐệ nhất liều

tODf3Krq.jpgPhóng to
Xe 64H-5638 (trái) quay đầu xe chạy ngược chiều (ảnh chụp lại từ video clip)

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, thượng tá Trần Văn Hùng, trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Long An, giải thích: “Tài xế Lê Quang Hải còn vi phạm hai lỗi khác là chạy ngược chiều và quay đầu xe không đúng quy định trên đường cao tốc. Lẽ ra cũng phải phạt rất nặng hai lỗi này, nhưng hai lỗi này cảnh sát giao thông không bắt quả tang cũng không ghi nhận được hình ảnh phương tiện vi phạm nên không xử phạt được”.

“Nhưng người dân đã ghi hình tài xế xe 64H-5638 quay đầu xe và chạy ngược chiều như báo Tuổi Trẻ đã phản ánh. Căn cứ này có đủ điều kiện để xử phạt?”, trả lời câu hỏi này của chúng tôi, ông Hùng cho biết nghị định 34 của Chính phủ quy định cho phép lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ được sử dụng các phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong hoạt động tuần tra, kiểm soát để phát hiện, truy tìm đối tượng vi phạm hành chính.

“Điều này có nghĩa chỉ xử phạt được phương tiện khi camera của ngành công an ghi lại hình ảnh đối tượng vi phạm. Tài xế ôtô trên biết bị bắn tốc độ nên tìm cách lẩn trốn bằng cách quay đầu và chạy ngược chiều trên đường cao tốc. Điều này rất nguy hiểm vì các phương tiện lưu thông trên đường cao tốc với tốc độ cao. Đáng ra phải xử phạt nặng nhưng việc xử phạt cũng phải thực hiện đúng quy định” - ông Hùng giải thích.

Tối 12-5, thượng tá Nguyễn Ngọc Tuấn, trưởng Phòng hướng dẫn luật và điều tra xử lý tai nạn giao thông Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (C67), cho biết phòng chưa nắm được thông tin cụ thể về quyết định xử phạt của Phòng Cảnh sát giao thông Long An về vụ xe khách chạy ngược chiều trên đường cao tốc.

Theo ông Tuấn, hôm nay 13-5 phòng xem xét cụ thể việc xử lý từ Phòng Cảnh sát giao thông Long An để có đánh giá chính thức về quyết định xử phạt nói trên.

Với clip do người dân quay về hành vi phạm lỗi của người điều khiển xe 64H-5638 gửi cho Tuổi Trẻ, ông Tuấn cho rằng đây là một trong những yếu tố để xem xét khi ra quyết định xử phạt.

Sửa luật để phát huy tai mắt của nhân dân

Dưới đây là ý kiến của một luật sư xung quanh vấn đề vì sao công an không dùng chứng cứ do người dân cung cấp để xử phạt người vi phạm:

Theo điều 56 nghị định số 34 ngày 2-4-2010 của Chính phủ, lực lượng cảnh sát nhân dân, thanh tra đường bộ được sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong hoạt động tuần tra, kiểm soát để phát hiện, truy tìm đối tượng vi phạm hành chính. Cụ thể, theo điều 55a pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, đó là camera, máy đo tốc độ bằng hình ảnh hoặc phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ khác được sử dụng trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ... Chứng cứ thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phải được thể hiện trong biên bản vi phạm hành chính.

Về nguyên tắc, phải có chứng cứ hợp pháp mới có thể làm thủ tục chế tài. Do pháp luật chỉ công nhận những chứng cứ thu thập được bằng phương tiện, thiết bị nghiệp vụ của ngành nên cơ quan công an địa phương không thể căn cứ vào hình ảnh do người dân ghi lại để xử phạt tài xế vi phạm. Theo đó, việc công an chỉ phạt lỗi chạy quá tốc độ dựa vào kết quả bắn tốc độ và ghi hình của lực lượng là có cơ sở. Trường hợp muốn làm khác hơn - như ý kiến của một lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt phát biểu trên một tờ báo ngày 12-5 (địa phương có thể căn cứ vào hình ảnh của người dân và thông tin trên báo chí để làm rõ, kết luận và xử lý theo pháp luật) thì Bộ Công an cần có văn bản hướng dẫn thêm.

Lúc làm luật, có thể các cơ quan chức năng e ngại những người thực thi pháp luật có những lợi dụng để tạo ra những chứng cứ không xác thực, dễ làm ảnh hưởng đến kết quả xử lý. Điều này thể hiện ở chỗ Bộ Công an đã có thông tư quy định muốn dùng đến các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, lực lượng công an buộc phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về lắp đặt, sử dụng. Có ý kiến cho rằng khi tài xế đã thừa nhận hành vi vi phạm thì vẫn xử phạt được. Theo quy định của pháp luật hiện hành, lời khai nhận của người vi phạm kèm theo chứng cứ chưa hợp pháp (băng ghi hình do người dân ghi) thì chưa đủ cơ sở để xử phạt.

Tuy nhiên, khi tình hình vi phạm Luật giao thông đang ở mức báo động và tai nạn giao thông luôn là mối lo canh cánh của người dân thì những quy định chặt chẽ nêu trên đã không phát huy được tai mắt của số đông nhân dân trong việc cùng tham gia phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật. Theo chúng tôi, nên xem xét, sửa đổi, bổ sung luật để phát huy tai mắt của người dân.

Luật sư NGUYỄN ĐÌNH HÙNG

NGỌC HẬU - T.PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên