02/12/2015 06:52 GMT+7

Pháp - Việt cùng chống biến đổi khí hậu

D.KIM THOA - QUỐC THOẠI
D.KIM THOA - QUỐC THOẠI

TT - Từ năm 2005 đến nay, Cơ quan Phát triển Pháp đã đầu tư 600 triệu euro trong tổng số 1,6 tỉ euro cơ quan này cam kết đầu tư tại Việt Nam.

Ông Rémi Genevey - Ảnh: Q.Thoại
Ông Rémi Genevey - Ảnh: Q.Thoại

Trong bảng tổng kết 20 năm hiện diện tại Việt Nam, riêng trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đã triển khai 33 dự án với tổng giá trị 830 triệu euro, giúp giảm phát thải 2 triệu tấn CO2 mỗi năm và hỗ trợ 30.000 người dân có được chỗ ở ổn định.

Trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 30-11, ông Rémi Genevey, giám đốc AFD tại Việt Nam, chia sẻ: “Một thực tế đáng mừng là những năm qua Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách và quy định pháp lý cụ thể trong việc bảo vệ môi trường, điều này cho thấy quan điểm nhận thức từ các nhà lãnh đạo Việt Nam, công cuộc chống biến đổi khí hậu ở Việt Nam phần lớn sẽ được quyết định từ chính những nỗ lực tự thân”.

Ngoài các dự án do AFD tài trợ cấp nhà nước, hỗ trợ các chính sách công của Việt Nam qua các dự án giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và các dự án khác nhằm hỗ trợ cải tạo hệ thống tưới tiêu ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long, ông Rémi Genevey cho biết AFD rất quan tâm tới vấn đề nước biển dâng.

Cuối tháng 11 vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh mục các dự án cơ sở hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu tại các tỉnh Ninh Bình, Hà Tĩnh và TP Cần Thơ sử dụng vốn vay trị giá 52,35 triệu euro và viện trợ không hoàn lại trị giá 1 triệu euro của AFD.

Từ năm 2005 đến nay, AFD đã đầu tư 600 triệu euro trong tổng số 1,6 tỉ euro cơ quan này cam kết đầu tư tại Việt Nam. Trong tổng giá trị ngân sách cam kết đầu tư đó, hơn 90% đã được AFD cho vay với lãi suất ưu đãi.

Tại Hội nghị COP21 đang diễn ra ở Paris, tại gian trưng bày của Việt Nam cũng sẽ trình bày kết quả một dự án nghiên cứu chống biến đổi khí hậu mà AFD tài trợ cho Đại học Thủy lợi và một đơn vị nghiên cứu của Pháp phối hợp thực hiện.

Ông Genevey nhận định trên thực tế vẫn còn hơn 60% dân số Việt Nam đang sinh sống tại các khu vực nông thôn.

Tỉ lệ này sẽ mau chóng thay đổi trong thời gian tới. Tốc độ đô thị hóa nhanh buộc các nhà hoạch định chính sách phải tính trước các kịch bản quản lý đô thị sao cho quá trình phát triển tất yếu này không ảnh hưởng tới môi trường, theo đó không gây ra những hệ lụy từ tình trạng biến đổi khí hậu.

Và như thế sẽ phải tính tới việc phát triển giao thông công cộng tại đô thị, nghiên cứu các phương án khai thác và sử dụng năng lượng mới, không phát thải hoặc phát thải thấp khí CO2.

Tại Việt Nam nói chung và tại TP.HCM nói riêng, AFD đã triển khai các dự án cải thiện giao thông đô thị, trong đó có hoạt động của nhóm chuyên gia đến từ Lyon trong các dự án về quản lý và khai thác mạng lưới giao thông công cộng tại TP.HCM.

Tuy nhiên, giám đốc AFD tại Việt Nam thừa nhận việc giảm phát thải khí nhà kính tại Việt Nam trong tương lai gần là điều rất khó thực hiện bởi lẽ Việt Nam đang trong quá trình phát triển, nhu cầu sử dụng năng lượng rất lớn, trong khi đó các nguồn năng lượng mới và sạch chưa thật sự sẵn sàng.

D.KIM THOA - QUỐC THOẠI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên